Thứ sáu, 29/03/2024 14:03 (GMT+7)

‘Tố’ bị Vietjet Air thiếu tôn trọng, hành khách “cầu cứu” Bộ GTVT

Văn Chương -  Thứ tư, 12/12/2018 06:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gửi đơn khiếu nại lên hãng Vietjet Air “tố” chậm chuyến ảnh hưởng đến công việc và lộ thông tin không được giải quyết, ông Tiền viết đơn “cầu cứu” Bộ GTVT.

Vietjet Air thiếu tôn trọng khách hàng, xem thường quyền lợi người tiêu dùng?

Ngày 12/12, ông Trần Xuân Tiền (SN 1964, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) gửi đơn lên Bộ GTVT phản ánh về chất lượng dịch vụ, thái độ chăm sóc khách hàng của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet không tốt. Được biết ông Tiền là Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Ông Tiền cho biết, trước đó đã có đơn kiến nghị gửi hãng Vietjet Air và Cục Hàng không liên quan đến việc hãng bay này chậm 9 giờ đồng hồ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của ông. Ngoài ra, ông Tiền đặt nghi vấn thông tin cá nhân của mình bị lộ sau khi mua vé máy bay của hãng này.

Trước khi lên máy bay 1 ngày, ông Tiền nhận được nhiều tin nhắn chào mời dịch vụ taxi.

Theo đơn của ông Tiền, ngày 17/11/2018, ông đặt vé chặng Hà Nội-Buôn Mê Thuột thông qua đại lý bán vé của Hãng hàng không Vietjet trên chuyến bay VJ491 khởi hành lúc 7h sáng ngày 28/11.

Tuy nhiên, khi đến sân bay, lịch bay được chuyển từ 7h lên 7h30 sáng cùng ngày mà không được thông báo trước.

Chặng về từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, ông Tiền và bạn đặt vé trên chuyến VJ492 khởi hành lúc 12h55 ngày 30/11 nhưng đến 4h41 ngày 30/11 mới nhận được thông báo hoãn chuyến đến 20h15 (hoãn hơn 9 tiếng).

“Tôi đã gửi đơn khiếu nại đến hãng nhưng Vietjet hoàn toàn phớt lờ khiếu nại, phản ánh của tôi. Qua thông tin tôi nhận được, hãng đã dò xét lại đại lí bán vé ...nhưng chưa đưa ra bất kì động thái giải thích hoặc phương án giải quyết vụ việc trong khi việc chậm 9 giờ đồng hồ bay là hoàn toàn có thật và hệ thống của hãng đã ghi lại”, vị này nói.

Theo ông Tiền, Vietjet đã vi phạm hợp đồng bay xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tình trạng chậm trễ giờ bay của các hãng hàng không đặc biệt là Vietjet là tình trạng rất nhức nhối gây nhiều phiền hà, bức xúc cho khách hàng.

Ông Tiền khẳng định Vietjet Air thiếu tôn trọng khách hàng, xem thường quyền lợi của người tiêu dùng. “Tôi đã có đơn khiếu nại với nội dung rất đầy đủ, rất thực tế nhưng Vietjet phớt lờ, coi thường không giải quyết. Qua thông tin báo chí tôi được biết đây không phải lần đầu hãng bay ứng xử với phản ánh của khách hàng như thế”, ông Tiền khẳng định.

Ngoài ra, vị này đặt câu hỏi dù đã được Thanh tra Cục hàng không Việt Nam yêu cầu áp dụng quy định nghiêm ngặt bảo mật thông tin khách hàng nhưng có vẻ Vietjet đang xem nhẹ nguyên tắc tối mật này. Là những khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ của Vietjet, ông Tiền khẳng định không thể chấp nhận việc hãng này để lộ thông tin khách hàng, lịch trình bay khiến ông gặp không ít phiền toái. Tại sao đã được thanh kiểm tra và có kết luận rõ ràng mà thông tin của khách hàng vẫn bị lộ, lọt cho các hãng taxi sân bay, nguyên nhân của tình trạng này là gì, trước thực trạng ảnh hưởng đến tinh thần và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng, trách nhiệm của Vietjet ở đâu? Theo ông Tiền, trước giờ lên máy bay khoảng 1 ngày, ông nhận được rất nhiều tin nhắn mời gọi đi taxi đến sân bay hoặc từ sân bay về nhà.

Để làm rõ hơn về sự việc này, ngày 7/12, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với hãng Vietjet Air qua email. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời của hãng bay này về sự việc của ông Tiền.

Hành khách hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường

Luật sư Cao Văn Tỉnh – đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật,  hãng bay phải thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên. Trong thời gian chờ đợi, hãng bay phải phục vụ ăn uống cho hành khách tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến. Và có những mức bồi thường khác nhau dựa vào độ dài đường bay.

Trong trường hợp khách hàng không được bồi thường hoặc mức bồi thường chưa phù hợp theo quy định của pháp luật, khách hàng có thể gửi văn bản đề nghị đến hãng hàng không đó, yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ của mình, hoặc có thể khởi kiện hãng này nếu không đồng ý với quyết định mà họ đưa ra. Vấn đề này được quy định chi tiết tại khoản 3 và khoản 4, Điều 10, Thông tư 14/2015/TT-BGTVT.

Đơn gửi Bộ GTVT của ông Trần Xuân Tiền.

Cùng quan điểm, Luật sư Lê Vi (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng mức bồi thường cho việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không hiện nay đối với hành khách là quá thấp. Để buộc hãng hàng không bồi thường cho hành khách khi để xảy ra chậm, hủy chuyến, thì ngoài các quy định của Bộ GTVT, hành khách có quyền buộc hãng hàng không bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ luật Dân sự. Để được bồi thường, hành khách phải chứng minh được thiệt hại có thật xảy ra do lỗi từ việc chậm, hủy chuyến.

Nói về việc hành khách “tố” Vietjet để lộ thông tin, Luật sư, TS Nguyễn Hữu Thế Trạch - giám đốc Công ty luật TNHH một thành viên An Pha Na – khẳng định các hãng hàng không đã ủy quyền cho các đại lý để thực hiện bán vé máy bay. Do đó, xét về trách nhiệm liên đới thì đơn vị chủ quản là hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra tình trạng mua bán, để lọt thông tin. Sau đó là đến các đại lý đã cung cấp thông tin ra ngoài.

Cũng theo vị này, các đối tượng vi phạm ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hình sự thì người bị xâm phạm đời tư, lộ thông tin cá nhân hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự ra tòa để đòi lại những tổn thất của mình.

TroLuật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư TP.HCM đưa ra quan điểm, việc tiết lộ thông tin hành khách là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý (có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật). Hành khách bị thiệt hại có quyền đòi bồi thường. Hãng hàng không là đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải vì vậy theo điều 387; khoản 5 điều 517 Bộ luật dân sự, bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, bên vi phạm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghĩa vụ thì khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết ‘Tố’ bị Vietjet Air thiếu tôn trọng, hành khách “cầu cứu” Bộ GTVT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới