Thứ ba, 16/04/2024 23:27 (GMT+7)

Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long

MTĐT -  Thứ sáu, 21/01/2022 11:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kể từ khi xây dựng, chính điện Kính Thiên luôn đóng vai trò trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

Điện Kính Thiên là kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long, nơi ngự của Hoàng đế, là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự, biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt thời Lê (Thế kỷ 15 – 18).

Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Cấu trúc khu vực Cấm thành Thăng Long trên bản đồ Hồng Đức, Trung đô – A2499
Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Mô hình nghiên cứu 3D lễ đại triều khu vực chính điện Kính Thiên

Chính điện Kính Thiên trong lịch sử

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông năm 1465. Theo các nguồn tư liệu điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần [1].

Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Thềm rồng và Điện Long Thiên cuối triều Nguyễn.Nguồn: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Điện Kính Thiên còn gọi là điện Thị Triều nơi đức Hoàng đế ra ngự để thực thi các hoạt động chính sự và cử hành các nghi lễ, nghi thức của quốc gia Đại Việt.

Từ giữa thế kỷ 18, quyền lực của chúa Trịnh ngày một lớn mạnh, lấn át quyền hành vua Lê, vai trò của điện Kính Thiên cũng đi xuống và trở thành điện thờ trời đất và phụ phối thờ Lê Thái Tổ, nghi lễ thị triều chuyển xuống cổng Kính Thiên, tức là Đoan Môn, hoặc là tại điện Cần Chánh [2].

Năm 1786, để tỏ ý khôi phục quốc thống, tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ đã đề nghị cho khôi phục lễ Đại triều tại điện Kính Thiên [3]. Đầu triều Nguyễn, đời vua Gia Long, điện Kính Thiên thời Lê vẫn còn tồn tại, Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: Năm 1802, vua xa giá Bắc Thành, dừng lại ở Thăng Long, ngự ở điện Kính Thiên (do nhà Lê xây dựng) [4].

Đến năm 1816, nhà Nguyễn phá bỏ điện Kính Thiên xây điện Long Thiên (hình 2-3) [5], năm 1887 – 1888 người Pháp xây dựng trụ sở Pháo binh trên nền điện Kính Thiên khiến khu vực này trở thành phế tích.

Không gian thiết triều trong lịch sử

Dưới triều Lê sơ, khu vực chính điện Kính Thiên có một khoảng sân rất rộng là Đan Trì, nơi tổ chức các nghi lễ và sự kiện quan trọng của triều đình. Theo biên niên sử, Đan Trì gắn bó mật thiết với chính điện Kính Thiên tạo lên không gian thiết triều. Tên gọi Đan Trì xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1437, lúc đó tháng 11 vua bái yết Thái Miếu, khi về cung Lễ Bộ ty bày nghi trượng ở Đan Trì, Vua mang triều phục, áo cổn, mũ miện ngự ở điện Hội Anh [6].

Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Thềm rồng và trụ sở Pháo binh (nhà Con Rồng) thời Pháp thuộc . Nguồn: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội
  • Năm 1472, đời Lê Thánh Tông, định triều nghi hộ vệ. Các tướng sĩ hàng ngày vào chầu, phải đứng sắp hàng trước ở hai bên Đông – Tây ngoài cửa Đoan Môn, những ngày sóc, vọng phải đến đợi ở ngoài của Văn Minh, Sùng Vũ, sau ba hồi trống thì tiến vào Đan Trì dàn bày nghi trượng ban thứ chỉnh tề. Người nào cố ý vi phạm, làm mất hàng ngũ, sau ba hồi trống vẫn chưa chỉnh tề thì các vệ Cẩm y và Kim ngô bắt giữ xin trị tội [7].
  • Năm 1473, ra sắc chỉ rằng, kể từ nay, các quan vào chầu không được nhổ cốt trầu, ném bã trầu ở cửa và sân Đan Trì [8].
  • Năm 1481, triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì, vua ngự điện Kính Thiên [9].
  • Năm 1485, định nghi thức vào chầu cho các quan như sau: Kể từ nay, vào ngày phiên chầu, hồi trống thứ nhất, quan hộ vệ theo thứ tự tiến vào Đan Trì, không được đường đột tranh đi trước, chen lấn lộn xộn. Sau khi trống đã đánh hồi thứ ba mà các quan còn ở ngoài cửa Chu Tước và sau khi chuông đã đánh quá 50 tiếng rồi mà còn ở bên tả, bên hữu cửa Đoan Môn thì quan coi cửa ngăn lại hết, Ty Xá nhân vệ Cẩm y hặc tâu lên để trừng trị [10].
  • Năm 1496, vua thân hành khảo thi ở Đan Trì điện Kính Thiên hỏi về đạo trị nước [11].

Trước đây, khi đề cập đến sân Đại Triều các nhà nghiên cứu chỉ nhắc đến sân Đan Trì và phân biệt Long Trì là sân thiết triều thời Lý, Trần còn Đan Trì là sân thiết triều của thời Lê. Tuy nhiên, sân Đan Trì chỉ là một khoảng sân trong tổng thể cấu trúc sân Đại triều nghi thời Lê. Trong các cuộc khai quật từ thềm rồng đến Đoan Môn, dấu tích sân gạch vồ đều đã được phát hiện. Hiện trạng của dấu tích sân Đan Trì về cơ bản gạch đã bị bóc dỡ nhiều, chỉ còn sót lại các mảng nhỏ gạch vồ xám (hình 5-6). Nền sân gồm 2 lớp; lớp đất đắp tôn nền và lớp bột gạch đập nhỏ sau đó phủ nước vôi tạo chất kết dính trước khi lát gạch, kích thước gạch rộng 15 – 16cm, dài 28 – 30cm, dày 14 – 15cm.

Theo khảo cổ học, các đợt khai quật khảo cổ học ở đây cho thấy cấu trúc khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung hưng về cơ bản gần trùng với cấu trúc Thăng Long thời Lê sơ qua dấu tích của Đoan Môn, Ngự đạo, sân Đan Trì, kiến trúc hành lang Đông – Tây cách nhau 93m [12].

Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Mô hình nghiên cứu 3D điện Kính Thiên trên vị trí thềm rồng thời Lê

Như vậy, khảo cổ học đã xác định chuẩn xác cấu trúc sân Đan Trì, đó là một khoảng sân rất lớn kéo dài từ thềm rồng đến cửa Đoan Môn diện tích là 10.300m2, chính giữa sân là ngự đạo rộng 6,2m, chia 3 khoảng giữa rộng 3,2m, hai bên là 1,5m, bao quanh sân Đan Trì là kiến trúc hành lang. Bước đầu nhận định sân Đại triều thời Lê có 2 cấp nền, thấp nhất là Đan Trì, sau đó đến Long Trì (sân dưới lan can đá).

Lời kết

Kể từ khi xây dựng, chính điện Kính Thiên luôn đóng vai trò trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

Qua kết quả khai quật khảo cổ học, trong tầng văn hóa thời Lê sơ đã phát lộ một tổ hợp dấu tích kiến trúc gồm hành lang, sân, ngự đạo, tường bao được tổ chức chặt chẽ tạo ra không gian đầy đủ của khu vực điện Kính Thiên, theo đó Đoan Môn là cổng chính, trong Đoan Môn là một khoảng sân rộng gồm 2 cấp Đan Trì và Long Trì, chính giữa là Ngự Đạo từ Đoan Môn dẫn thẳng lên lan can đá điện Kính Thiên, bao quanh là kiến trúc hành lang, ngoài cùng là tường bao hay còn gọi là tường điện (hình 8).

Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Mô hình nghiên cứu 3D điện Kính Thiên trên vị trí thềm rồng thời Lê
Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long - Tạp chí Kiến Trúc
Sơ đồ cấm thành Thăng Long phỏng theo Hồng Đức bản đồNguồn: GS TS. Nguyễn Quang Ngọc

So sánh không gian chính điện Kính Thiên với không gian chính điện kinh đô Huế, Bắc Kinh (Trung Quốc), Fujiwara, Nara, Kyoto (Nhật Bản), Gyeongbokgung (Hàn Quốc) cho thấy có sự gần gũi với không gian trung tâm của những cung điện khu vực các nước Đông Á.

TS.KTS Trần Việt Anh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, 2006, Nxb Thuận Hóa, tr.206.
  2. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1961), Tang thương ngẫu lục, cơ sở xuất bản Đại Nam, tr.25-26.
  3. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, 1975, Nxb Khoa học Xã hội, tập 2, tr.331.
  4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, 2020, Nxb Giáo dục, tr.503.
  5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, 2002, Nxb Giáo dục, tr.992.
  6. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, Nxb Khoa học Xã hội, tr.346.
  7. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, Nxb Khoa học Xã hội, tr.406.
  8. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, Nxb Khoa học Xã hội, tr.463.
  9. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, Nxb Khoa học Xã hội, tr.494.
  10. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, Nxb Khoa học Xã hội, tr.514.
  11. Tống Trung Tín (2020), Văn hiến Thăng Long bằng chứng khảo cổ học, Nxb Hà Nội, tr.432.
Bạn đang đọc bài viết Tổ chức không gian Cấm Thành - Thăng Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Hiệu ứng nhà kính và các giải pháp từ tiêu chuẩn
Thật dễ dàng để có những ý kiến khác nhau về carbon. Nó là tốt hay xấu? Một mặt, nó là nền tảng cho sự sống trên Trái đất. Mặt khác, nó liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là loại khí nhà kính được sản xuất phổ biến nhất và giữ nhiệt trong khí quyển.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.