Toàn cảnh quy hoạch các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đến năm 2030
Kế hoạch phát triển tiếp theo của Bình Dương bao gồm việc thành lập 2 khu công nghiệp mới vào cuối năm 2025 và triển khai thêm 8 khu công nghiệp đến cuối năm 2030.
Theo phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp tỉnh Bình Dương mới nhất, đến năm 2030 tổng số KCN trên địa bàn là 43 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 ha.
Trong đó tiếp tục thực hiện 33 KCN theo quy hoạch trước đây với 27 KCN hiện hữu có tổng diện tích đã lấp đầy khoảng 10.283 ha và 6 KCN có trong quy hoạch quốc gia cùng với chuẩn bị đầu tư và thực hiện 10 KCN đề xuất mới.
Cụ thể ưu tiên lấp đầy thêm khoảng 1.161 ha diện tích KCN hiện trạng, trong đó có 3 dự án KCN mở rộng hoặc thực hiện giai đoạn 2 là:
KCN Rạch Bắp mở rộng
KCN Nam Tân Uyên mở rộng
KCN Đất Quốc mở rộng
Khoảng 2.906 ha diện tích KCN có trong quy hoạch quốc gia, đang và chuẩn bị đầu tư bao gồm 06 dự án KCN chuyển sang từ quy hoạch trước đây (công văn số 173/TTg-KTN 2016) gồm KCN Cây Trường, KCN VSIP III, KCN Tân Lập I, KCN Lai Hưng, KCN Tam Lập, KCN Bình Dương Riverside ISC. Cụ thể:
KCN Cây Trường: thực hiện giai đoạn 1 với diện tích khoảng 493 ha (trong tổng khoảng 700 ha) và ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp như tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
KCN VSIP III: Phấn đấu đến hết năm 2030, hoàn thành cơ bản đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ diện tích của KCN này. Ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp theo quyết định phê duyệt ĐTM.
KCN Lai Hưng: thực hiện đầu tư khoảng 410ha (Trong tổng số khoảng 600ha); ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp chủ yếu là các ngành khoa học công nghệ (ưu tiên các ngành mới nổi, thế hệ mới, các dự án đầu tư mạo hiểm) và các ngành công nghiệp công nghệ cao; hướng tới sinh thái, sạch, xanh, cân bằng các-bon.
KCN Tân Lập 1: thực hiện đầu tư hạ tầng cho khoảng 410ha (Trong tổng số khoảng 600ha); ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp chủ yếu là các ngành công nghiệp công nghệ trung bình và thấp, hướng xanh.
KCN Tam Lập: điều chỉnh tăng diện tích từ 500 ha (VB173) lên 750 ha. Đến năm 2030 thực hiện đầu tư khoảng 400ha (Trong tổng số khoảng 750ha); ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp chủ yếu là các công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
KCN Bình Dương Riverside ISC: được định hướng là khu công nghiệp dịch vụ thực hiện đầu tư hạ tầng khoảng 600ha; ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp chủ yếu là các ngành công nghiệp công nghệ trung bình và thấp, hướng xanh.
10 dự án KCN quy hoạch mới, trong đó giai đoạn 2023 – 2030 thực hiện khoảng 4.200 ha trong tổng số khoảng 6.800 ha.
KCN Tân Uyên 3: Là loại hình KCN-ĐT-DV với tổng diện tích khoảng 556 ha. Đến hết năm 2030, hoàn thành cơ bản đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ diện tích của KCN này. Dự kiến, chọn nhà đầu tư, thành lập, đầu tư và kinh doanh hạ tầng với các ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp với các dự án không thuộc Mức I và Mức II, Phụ lục II/Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022.
KCN Bàu Bàng 3: giai đoạn 1 có diện tích là 500 ha trong tổng diện tích 1146,61 ha của tổ hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ với các ngành nghề phù hợp với loại hình KCN sinh thái và mô hình tổ hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ hiện đại, tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ưu tiên các ngành công nghiệp chuyên sâu về y-dược: sản xuất máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ và vật tư y tế tiêu hao, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; hóa mỹ phẩm, hóa dược.
KCN Bàu Bàng 4: Thực hiện đầu tư cho 300 ha trong giai đoạn 2023-2030 (tổng diện tích KCN là 500 ha) với các ngành công nghiệp sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, in ấn, sửa chữa-bảo dưỡng-lắp đặt máy móc và thiết bị (tại KCN Bàu Bàng, KCN Tân Bình hiện còn có ít dự án các ngành đó, thậm chí là chưa có), cũng như các ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác.
KCN Bắc Tân Uyên 1 (KCN chuyên ngành cơ khí): Thực hiện khoảng 460 ha trong giai đoạn 2023 – 2030 (tổng diện tích của KCN là 849,85ha) và ưu tiên thu hút những ngành nghề bổ trợ, liên kết các KCN lân cận như VSIP III, Tân Lập 1, ... hoặc các ngành, lĩnh vực công nghiệp còn chưa có tại các KCN này. Trọng tâm thu hút đầu tư thứ cấp của KCN Bắc Tân Uyên 1 là các trung tâm R&D và ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài ngành ô tô; sản xuất thiết bị điện; tiểu ngành sản xuất máy móc, thiết bị văn phòng; tiểu ngành sản xuất máy thông dụng (điện lạnh); tiểu ngành sản xuất rô bốt công nghiệp; ... để phát huy tối đa tiềm năng hỗ trợ, liên kết với khu công nghệ thông tin tập trung rất gần với KCN này.
KCN Bắc Tân Uyên 2: Tại 2 xã Tân Định, Tam Lập và TT Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, với diện tích là 425 ha và thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thân thiện với môi trường. Do nằm sát với vùng đô thị trung tâm Tân Thành của TX/TP Bắc Tân Uyên trong tương lai nên KCN cần hướng tới mô hình KCN xanh, sạch.
KCN Bắc Tân Uyên 3: Tại xã Tam Lập, huyện Bắc Tân Uyên, với diện tích khoảng 292 ha và thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao và trung bình (bổ trợ cho KCN Tân Lập 1). Do nằm sát với vùng đô thị trung tâm Tân Thành của TX/TP Bắc Tân Uyên trong tương lai nên KCN cần hướng tới mô hình KCN xanh, sạch.
KCN Dầu Tiếng 1A: Thực hiện đầu tư 400ha trong giai đoạn 2023 – 2030 (tổng diện tích KCN là 800,77 ha), loại hình KCN đa ngành với trọng tâm là các ngành công nghiệp vật liệu, kể cả các công đoạn nhuộm, in của cụm ngành dệt may-da giày (trừ thuộc da xanh) và xi mạ của 2 cụm ngành kim loại và cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa chất; cụm ngành công nghiệp gỗ-giấy-giường, tủ, bàn, ghế (trừ sản xuất bột giấy từ gỗ nguyên liệu); công nghiệp tái chế thế hệ mới; ... để hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp, liên kết ngành giữa các KCN mới với hiện hữu trên địa bàn tỉnh, nhất là các KCN chưa thành lập nằm phía trên và phía dưới tuyến Quốc lộ 56B-đường tạo lực Bàu Bàng-Phú Giáo-Bắc Tân Uyên như Dầu Tiếng 5, Dầu Tiếng 4, Bàu Bàng 3, Bàu Bàng 4, Lai Hưng, Phú Giáo 4, Tam Lập 1.
KCN Dầu Tiếng 4: nằm trong tổ hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ với tổng diện tích khoảng 1041,5ha. Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng, thành lập và tiến hành đầu tư 500 ha trong giai đoạn 2023 – 2030, với các ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp phù hợp với loại hình KCN sinh thái và mô hình tổ hợp đô thị-công nghiệp-dịch vụ hiện đại, tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
KCN Dầu Tiếng 5: Thực hiện đầu tư khoảng 250 ha trong giai đoạn 2023 – 2030 (tổng diện tích KCN là 500 ha), loại hình KCN đa ngành với trọng tâm là các cụm ngành công nghiệp gỗ-giấy-giường, tủ, bàn, ghế (trừ sản xuất bột giấy từ gỗ nguyên liệu và giấy phế liệu), chế biến nông thủy sản, dệt may-da giày (trừ thuộc da xanh).
KCN Phú Giáo 4: Là loại hình KCN-ĐT-DV với tổng diện tích toàn khu khoảng 1034 ha. Dự kiến, chọn nhà đầu tư, thành lập, đầu tư và kinh doanh khoảng 500 ha trong giai đoạn 2023 – 2030 với các ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp với các dự án không thuộc Mức I và Mức II, Phụ lục II/Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022.
Danh mục các khu công nghiệp Bình Dương theo công văn số 173/TTg-KTN năm 2016
Năm 2024, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 130-140 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư nước ngoài ước khoảng 1,2-1,3 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước 1.100-1.200 tỷ đồng. Các mục tiêu khác bao gồm vốn đầu tư xây dựng, cho thuê đất, thu hút lao động, và doanh thu.
Ngoài ra, Ban quản lý các Khu công nghiệp cũng tập trung vào việc kêu gọi các dự án đầu tư mới thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp. Năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài và trong nước vượt kế hoạch, và quý 1 năm nay đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư.
Năm nay, Ban quản lý các Khu công nghiệp đặt mục tiêu chủ yếu vào quy hoạch và xây dựng hạ tầng, cũng như thúc đẩy các dự án đầu tư mới, giúp Bình Dương duy trì vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trong khu vực.
Duy Anh (T/h)