Thứ ba, 19/03/2024 11:56 (GMT+7)

Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu báo cáo để xử lý vụ “dán chồng thẻ” ETC

MTĐT -  Thứ năm, 11/08/2022 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ ETC, báo cáo số liệu phương tiện bị dán chồng thẻ thu phí ETC, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải biện pháp xử lý.

"Dán chồng thẻ do lỗi của cộng tác viên, đại lý uỷ quyền"

Đề cập đến các lỗi thu phí không dừng, VETC cho biết, thực tế vận hành trên các tuyến đường cao tốc, trạm thu phí, VETC ghi nhận các lỗi thẻ ETC phổ biến như lỗi kích hoạt tài khoản giao thông ảo (trường hợp trên xe chưa dán thẻ ETC và không có sự đồng ý của chủ phương tiện nhưng xe đã bị kích hoạt tài khoản giao thông). VETC không có chính sách, không thực hiện kích hoạt tài khoản giao thông ảo.

Lý giải về dán thẻ của nhà cung cấp này lên xe chưa dán thẻ ETC nhưng bị kích hoạt tài khoản giao thông ảo bởi nhà cung cấp khác, đơn vị này cũng cho biết, chính sách của VETC chỉ dán thẻ cho trường hợp kích hoạt ảo khi có yêu cầu, chấp thuận của chủ phương tiện và tuân thủ hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đối với lỗi chưa kích hoạt khi xe đã dán thẻ, VETC cho hay, chỉ kích hoạt khi nhận được yêu cầu của chủ phương tiện và xác minh lại chủ phương tiện đã đủ điều kiện kích hoạt: thẻ đã được dán trên xe, giấy tờ chứng minh chính chủ phương tiện, văn bản đồng ý chấp thuận của chủ phương tiện.

Liên quan đến lỗi dán nhiều thẻ cho cùng một xe, tháo gỡ thẻ ETC hợp lệ của nhà cung cấp dịch vụ này và thay thế bằng thẻ của nhà cung cấp khác, VETC khẳng định không có chính sách dán thẻ, thay thế thẻ đối với xe đã dán thẻ ETC hợp lệ.

"VETC có trách nhiệm hướng dẫn đào tạo nhân viên, cộng tác viên, đại lý uỷ quyền tuân thủ, thực hiện nghiêm túc quy trình dán thẻ và nghiệm thu hồ sơ dán thẻ, liên tục kiểm tra giám sát, biện pháp khắc phục các lỗi thẻ, điều chỉnh hành vi vi phạm. Thực tế phát sinh do lỗi cố tình của cộng tác viên, đại lý uỷ quyền, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm tháo gỡ, khắc phục vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật", đơn vị này cho hay.

Doanh nghiệp này kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ ban hành quy định cơ sở về kích hoạt tài khoản giao thông khi có đầy đủ các điều kiện hợp lý hợp lệ như hợp đồng, thoả thuận với chủ phương tiện sử dụng dịch vụ. Hồ sơ dán thẻ đầy đủ ảnh thực tế đã dán ETC trên xe, giấy tờ chứng minh chủ phương tiện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến hành thanh tra toàn diện và tuyên huỷ tất cả các tài khoản giao thông bị kích hoạt ảo vẫn còn đang lưu hành.

Đồng thời, đơn vị này cũng Kiến nghị cơ quan có thấm quyền sớm ban hành quy định tiêu chuẩn thẻ ETC (chất lượng thẻ, vị trí dán trên xe, thông số kỹ thuật khác..) để các nhà cung cấp dịch vụ có cơ sở áp dụng và thực hiện đồng bộ.

Chưa có chế tài để xử phạt hành vi này

Về chế tài xử phạt hành vi này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, hiện chưa có chế tài để xử phạt hành vi này. Thông tư 15 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động trạm thu phí và Quyết định 19 của Thủ tướng về thu phí không dừng chưa quy định cụ thể chế tài xử phạt. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nghiêm túc rút kinh nghiệm, tuân thủ quy trình dán thẻ, khi thay thẻ phải báo cho bên còn lại biết.

tm-img-alt
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đáng chú ý, Tổng cục cũng yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ báo cáo vụ việc với số liệu cụ thể trước ngày 15/8, trên cơ sở đó Tổng cục sẽ báo cáo Bộ biện pháp xử lý.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trước đây, các đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra dán thẻ của 2 nhà cung cấp dịch vụ VDTC và VETC. Qua kiểm tra cho thấy, có tình trạng dán chồng 2 thẻ trên xe ô tô nhưng việc dán chồng thẻ xảy ra ở cả hai nhà cung cấp dịch vụ. Kiểm tra xác suất dữ liệu đấu nối thẻ đầu cuối, mở tài khoản dịch vụ thu phí không dừng của 9 phương tiện được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của Công ty VETC và VDTC cho thấy, cả 2 nhà cung cấp dịch vụ đều có tình trạng dán thẻ, mở tài khoản cho phương tiện đã đăng ký mở tài khoản của bên còn lại. Trong số này có 6 phương tiện được Công ty VDTC mở tài khoản trước, Công ty TNHH thu phí tự động VETC mở tài khoản chèn sau. Có 3 phương tiện Công ty VETC đã mở tài khoản trước, Công ty VDTC mở tài khoản chèn sau.

Nguyên nhân có thể do khách hàng đã dán thẻ lâu ngày, bị bong tróc, nhà cung cấp dịch vụ làm thủ tục dán lại thẻ chứ không có chuyện bóc thẻ của nhà cung cấp dịch vụ và dán bằng thẻ của nhà cung cấp dịch vụ khác. Trong khi đó, đại diện VETC khẳng định luôn thực hiện đúng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các cơ quan chức năng về việc triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô-tô để sử dụng dịch vụ thu phí ETC.

"Tổng cục đang nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn các mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí ETC. Đây cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, trách nhiệm đơn vị vận hành trạm thu phí, trách nhiệm chủ phương tiện. Từ đó sẽ có chế tài xử phạt cụ thể”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay.

Trước đó, Tập đoàn Viettel đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải việc có gần 40 nghìn xe đã dán thẻ ePass bị Công ty VETC dán chồng thẻ Etag, gây thiệt hại và lỗi khi xe qua trạm thu phí. Có rất nhiều xe đã được đấu nối thẻ định danh ePass của Công ty VDTC, nhưng sau đó lại bị Công ty VETC mời chào và đấu nối thêm thẻ Etag của mình lên xe.

Công ty VDTC đã nhiều lần báo cáo vụ việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục đã thành lập đoàn kiểm tra dán thẻ vào tháng 5/2022 và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) thực hiện đấu nối, dán thẻ đúng theo quy định. Tuy nhiên, phía Viettel nhận định, tình trạng trên không những được Công ty VETC chấm dứt mà ngày càng có hiện tượng gia tăng. Tổng cộng đã có gần 40 nghìn xe đã dán thẻ ePass bị dán chồng thẻ Etag.

Theo tính toán của Viettel, với gần 40 nghìn xe đã sử dụng dịch vụ ETC qua thẻ ePass bị dán chồng thẻ gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng (tính theo giá trị mỗi thẻ 120 nghìn đồng) và chi phí nhân công dán, mỗi thẻ 50 nghìn đồng. Mặt khác, khi 1 xe dán 2 thẻ sẽ làm xung đột về kỹ thuật, báo lỗi khi xe qua trạm thu phí do không nhận và đọc đúng thẻ. Việc này gây khó khăn trong việc hậu kiểm, đối soát và dẫn tới phản ứng tiêu cực của các chủ xe về hệ thống, chất lượng dịch vụ khi đi qua các trạm thu phí ETC.

Đại diện Viettel đánh giá, việc dán chồng thẻ cũng vi phạm điều 10, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định một xe chỉ được đấu nối với một tài khoản giao thông, một thẻ định danh. Việc dán chồng thẻ cũng không tuân thủ quy chế phối hợp trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ ETC theo hợp đồng kết nối hệ thống ETC giữa Công ty VDTC và Công ty VETC, đồng thời gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội về nhân lực, chi phí.

Trong ngày 10/8, Bộ GTVT  cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ ETC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để việc dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; báo cáo Bộ trước ngày 30/8/2022.

Minh Thư (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu báo cáo để xử lý vụ “dán chồng thẻ” ETC. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới