Thứ năm, 28/03/2024 22:36 (GMT+7)

Tổng cục Môi trường chỉ ra nguyên nhân cá chết trắng ở biển Đà Nẵng

Nam Hà -  Thứ bảy, 17/11/2018 22:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân cá chết trôi dạt vào bãi biển Đà Nẵng có thể do ngư dân dùng thuốc nổ để đánh bắt cá. Số cá bị chết còn sót, không được thu gom đã trôi dạt lên bờ.

Cá chết hàng loạt dạt vào biển Đà Nẵng là do thuốc nổ

Ngày 17/11, theo nguồn tin của Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được, Tổng cục Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường báo cáo kết quả kiểm tra thực tế tình trạng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bãi biển Đà Nẵng.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung – Tây nguyên tổ chức Đoàn công tác phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra và lấy mẫu môi trường nhằm tìm hiểu, xác định nguyên nhân hiện tượng cá chết trôi vào bãi biển Đà Nẵng. 

Theo báo cáo của ông Phạm Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, hiện tượng cá chết trôi dạt vào khu vực bãi biển đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến gần khu du lịch Xuân Thiều, đường Nguyễn Tất Thành (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), xuất hiện khoảng từ 14h chiều 10/11. Cá chết chủ yếu là loài cá mòi, khối lượng cá chết đã được Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom và đem xử lý tại Bãi rác Khánh Sơn vào chiều ngày 10/11 là khoảng 952 kg (bao gồm cả cát bám dính). Đây là loại cá mòi cờ chấm, sinh sống gần bờ và theo đàn.

Hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng khiến nhiều người lo lắng.

Khi đoàn chức năng kiểm tra vào sáng 11/11, hầu hết xác cá chết đã được thu gom, chỉ còn rải rác một số ít xác cá nằm trên bờ cát sát kè biển do thủy triều đưa vào.

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, trên khu vực này, hiện có kênh Phú Lộc và sông Cu Đê đang có nước xả ra biển. Ngoài ra, đoàn công tác đã kiểm tra tại các cửa cống xả nước thải của TP Đà Nẵng ở khu vực này và nhận thấy không có nước xả ra biển. Trên các kênh xả thải và dọc bờ biển Xuân Thiều cũng không có mùi hôi thối của nước thải...

Đặc biệt, đoàn công tác cũng đã khảo sát các nguồn thải tại các cửa xả và phỏng vấn nhanh một số người dân đang làm việc và sinh sống tại khu vực. 

Cùng ngày, đoàn công tác cũng đến Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (189 Lý Thái Tông, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) để kiểm tra hiện trạng vận hành, xử lý nước thải và công tác bảo vệ môi trường của trạm. Đoàn công tác đã thu thập các thông tin, số liệu về lưu lượng xử lý nước thải của trạm từ ngày 8 - 11/11. Kết quả lấy mẫu và phân tích chất lượng nước thải từ ngày 9 - 10/11 của trạm, cũng như số liệu quan trắc tự động liên tục từ ngày 9 - 10/11 từ thiết bị quan trắc tự động liên tục nước thải đặt tại trạm.

Công nhân thu gom xác cá chết trên bãi biển để mang đi tiêu hủy.

Trong quá trình kiểm tra, khảo sát hiện trường, Đoàn công tác đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường tổ chức lấy 3 mẫu nước thải (2 mẫu nước thải đọng của 2 cửa cống xả nước thải, 1 mẫu nước từ kênh Phú Lộc), 1 mẫu nước mặt của sông Cu Đê cách điểm xả ra biển khoảng 400m, 3 mẫu nước biển (1 mẫu tại vị trí cạnh điểm xả nước của sông Cu Đê ra biển, 1 mẫu tại cạnh điểm xả nước từ kênh Phú Lộc ra biển, 1 mẫu nước biển tại điểm giữa bãi biển Xuân Thiều).

Sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế, thu thập thông tin, tài liệu, đoàn công tác cũng đã trao đổi với một số người dân đang làm việc và sinh sống tại khu vực. Theo người dân địa phương, tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ biển Xuân Thiều không chỉ diễn ra một lần vào ngày 10/11 mà cũng đã từng xảy ra một số lần trong năm và cả các năm trước như thời điểm tháng 11/2017 (từ ngày 14 - 16/11/2017).

Thời điểm này đang là mùa cà mòi di chuyển theo đàn gần bờ, nguyên nhân cá chết trôi dạt vào bờ có thể do ngư dân dùng thuốc nổ để đánh bắt cá, số cá bị chết còn sót, không được thu gom đã bị trôi dạt lên bờ.

Cá chết tại bãi biển Đà Nẵng chủ yêu là cá mòi, đây là loại cá sinh sống gần bờ và theo đàn.

Trên địa bàn khu vực chỉ có nguồn nước thải sinh hoạt thải ra môi trường, không có nguồn thải công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong khi đó, trạm xử lý nước thải sinh hoạt Phú Lộc hoạt động ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt QCVN theo quy định.

Đối với các nguồn thải công nghiệp khác như Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng… đều có trạm xử lý nước thải tập trung, các nguồn thải này đều chảy ra Sông Cu Đê, qua khảo sát cho thấy không có hiện tượng cá chết tại vị trí cửa sông Cu Đê chảy ra biển.

"Ngoài ra, các loài cá chết trôi dạt trên bờ là cá mòi, không có các loại cá khác bị chết nên nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển gây nên hiện tượng cá chết được loại trừ. Như vậy, có thể xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết vừa qua là do người dân sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá mòi trên biển trong khu vực vịnh Đà Nẵng", báo cáo ghi rõ.

Tăng cường quản lý việc dùng mìn đánh bắt hải sản và kiểm tra nguồn xả thải

Do đó, Tổng cục Môi trường kiến nghị, các cơ quan chức năng của Đà Nẵng cần kiểm soát, ngăn chặn việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ và các phương pháp mang tính tận diện thủy hải sản.

Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên kiểm tra, khảo sát khu vực xảy ra hiện tượng cá chết tại bờ biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng.

Đặc biệt, dù nguyên nhân cá chết dạt vào bờ biển những vừa qua không phải là do ô nhiễm môi trường nhưng trên thực tế hoạt động thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của khu vực là chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn tuyến có 29 cống xả nước mưa thoát chung với nước thải, nhưng các trạm bơm nước thải về trạm xử lý nước thải không hiệu quả đặc biệt khi có trời mưa. Do đó, thời điểm này nước thải thường thoát với nước mưa ra biển, gây ảnh hưởng đến môi trường biển tại khu vực.

Để giải quyết vấn đề nước thải sinh hoạt không được xử lý thải ra môi trường khi có trời mưa nhằm bảo vệ môi trường vùng nước biển ven bờ của TP Đà Nẵng, Tổng cục Môi trường đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư mới yêu cầu các chủ đầu tư phải có trạm xử lý nước thải độc lập đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu sức chịu tải của các trạm xử lý nước thải tập trung, đồng thời có biện pháp tách riêng nước thải và nước mưa chảy tràn, nước thải phải được đấu nối về Trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý.

Từng bước có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với nước mưa, tránh để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như thời gian vừa qua.

Tiếp tục đầu tư mới Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn và Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu; nâng công suất xử lý của các Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Sơn Trà, Phú Lộc đảm bảo khả năng tiếp nhận và xử lý đạt QCVN trước khi xả thải ra môi trường.

Đồng thời, ban hành quy trình vận hành đối với các trạm bơm nước thải, lưu ý quy trình vận hành khi có mưa nhằm hạn chế việc xả tràn nước thải lẫn nước mưa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu phương án xả thải chủ động, có kiểm soát đảm bảo thu gom triệt để lượng nước thải ô nhiễm để xử lý.

Các chỉ tiêu về môi trường nước tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc đều nằm trong ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải nghiên cứu giải pháp công nghệ nhằm có biện pháp đầu tư xử lý khẩn cấp đối với nước thải ra môi trường tại các cửa xả ra biển (khi có trời mưa và dừng hoạt động của các Trạm bơm) đảm bảo nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. 

Chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận quản lý và vận hành thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì các công trình xử lý nước thải đảm bảo hiệu quả xử lý, đạt các QCVN trước khi xả thải; đồng thời có phương án/kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố của các Trạm xử lý nước thải.

Tăng cường các trạm bơm dọc tuyến ven biển Thanh Bình, Thọ Quang , Mỹ Khê và dọc bờ sông Hàn, đặc biệt là khu vực ven biển thuộc khu vực Ngũ Hành Sơn là nơi tập trung phát triển nhanh các khu nghỉ dưỡng cao cấp, lượng nước thải phát sinh lớn và hệ số không điều hòa cao tập trung vào buối chiều tối, ban đêm, do đó cần nâng cấp công suất trạm bơm, có máy bơm và máy phát điện dự phòng.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi chất lượng môi trường nước biển ven bờ của vùng biển nhằm có giải pháp quản lý.

Bạn đang đọc bài viết Tổng cục Môi trường chỉ ra nguyên nhân cá chết trắng ở biển Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.