Thứ năm, 18/04/2024 11:39 (GMT+7)

TP. HCM: Cử tri có nguyện vọng thu hồi các dự án chậm tiến độ

THIÊN KIM - TRẦN NHƯ -  Thứ sáu, 25/05/2018 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP. HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rà soát, xem xét thu hồi những dự án “treo”; không để xảy ra việc phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch của thành phố.

Cử tri bức xúc với các dự án chậm tiến độ

Trước đó, đầu năm 2018 sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM cũng đã phối hợp với nhiều quận, huyện trên địa bàn tiến hành thu hồi các dự án chậm triển khai trong thời gian khá dài như: Thu hồi khu đất 23ha xã Phước Kiển; khu đất 89,61ha xã Nhơn Đức và Phước Lộc; thu hồi 263,9 ha tại phường Long Trường, Trường Thạnh, Phú Hữu (Q.9)…

Vấn đề thu hồi các dự án chậm tiến độ được đông đảo cử tri và người dân TP.HCM quan tâm và thể hiện sự bức xúc. Cụ thể, ngày 14/5 vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân (Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ TP. HCM) cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh.

Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh (nguồn VOV)

 Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cho biết huyện Bình Chánh còn tồn tại một số dự án chậm tiến độ nhiều năm như: Dự án quy hoạch khu làng đại học có diện tích 511 ha đã kéo dài 12 năm vẫn dậm chân tại chỗ, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở của 1.200 hộ dân. Thậm chí, có dự án kéo dài hơn 20 năm gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Đó là, dự án quy hoạch 2.600 ha do Công ty Tân Thuận liên danh với Công ty Phú Mỹ Hưng thực hiện. Dự án này nhằm xây dựng, phát triển 5 cụm đô thị tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và khu Nam thành phố. Cử tri cho rằng, sở dĩ các dự án này chậm tiến độ là do việc áp giá bồi thường cho các hộ dân tại đây không tương ứng với giá thị trường khiến người dân không đồng tình. Dự án Khu đô thị Sing-Việt có diện tích hơn 331ha cũng đã kéo dài hơn 20 năm biến khu vực này trở thành điểm nóng về khiếu kiện đông người. Đồng thời, cử tri cũng đề nghị thanh tra toàn diện dự án các này.

Chứng kiến sự bức xúc của cư tri, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ đề nghị UBND thành phố cùng huyện Bình Chánh rà soát  kỹ các dự án.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP. HCM, thành phố đã giao cho một Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, rà soát lại chính sách, trao đổi với bà con để báo cáo kết quả cho Thường trực Thành uỷ và UBND sớm nhất có thể.

“Ôm” đất dự án 10 năm không thực hiện

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành hoàn thành các đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để trình kỳ họp HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2018.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành và báo cáo đề án quản lý nguồn tài nguyên đất của thành phố để huy động nguồn lực đất đai đầu tư các dự án hạ tầng.

Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng phải lập ngay các tổ liên ngành rà soát tất cả dự án chậm tiến độ. Những dự án nào kéo dài, không thể triển khai sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp, vì càng kéo dài người dân càng khổ…

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì phiên họp về kinh tế - xã hội tháng 4 của TP. HCM (nguồn Báo Tài nguyên & Môi trường)

Theo số liệu thống kế của sở TN-MT TP. HCM thì toàn thành phố hiện có khoảng 500 dự án chậm triển khai. Trong đó, huyện Nhà Bè là “điểm đen” về tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất dự án hàng chục năm nhưng không thực hiện. 

Qua rà soát mới đây, huyện Nhà Bè có 85 dự án chậm tiến độ kéo dài. Có nhiều dự án chủ đầu tư không huy động được vốn để triển khai nên sang hết người này qua người khác.

Ngoài ra, nhiều dự án có quy mô lớn nằm tại nhiều địa phương khác sau nhiều năm vẫn không thể triển khai như: Dự án 263,9 ha đất tại phường Long Trường (quận 9); dự án 144 ha tại quận Thủ Đức; dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa rộng hơn 426 ha (quận Bình Thạnh); dự án Khu đô thị Đại học quốc tế rộng 900 ha (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn); khu Trung tâm dân cư Tân Tạo và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng quy mô gần 500 ha.

Để xóa bỏ tận gốc các dự án chậm triển khai, các chuyên gia đô thị đề xuất: Những dự án nào mà chủ đầu tư làm không được như cam kết thì cho thời hạn từ ba đến sáu tháng để kêu gọi đầu tư, nếu như không kêu gọi được thì phải xóa, trả lại đất cho người dân xây dựng theo quy hoạch, không thể để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát.

Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố.

Nghị quyết giúp Thành phố vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài …

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM: Cử tri có nguyện vọng thu hồi các dự án chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.