Thứ sáu, 26/04/2024 05:15 (GMT+7)

TP HCM: Nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động

MTĐT -  Thứ năm, 19/08/2021 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch Covid-19 khiến đời sống người lao động tại TP.HCM gặp vô vàn khó khăn. Trước tình hình ấy, các cấp Công đoàn TP.HCM đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động.

Người lao động tại các khu nhà trọ trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn do dịch bệnh.

Cuộc sống chật vật giữa đại dịch

Trong căn phòng trọ nhỏ trên đường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Nguyệt Ngân (31 tuổi, quê Quảng Ngãi) đang một mình chăm sóc con trai 5 tuổi. Từ đầu tháng 4 đến nay, công ty sản xuất linh kiện điện tử nơi chị làm việc phải đóng cửa, nguồn thu nhập duy nhất bị mất. Vừa lo tiền thuê nhà và tiền ăn cho hai mẹ con, chị Ngân nhiều lúc thấp thỏm không yên.

“Em lo tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập không có thì tiền đâu lo cho cháu nhỏ, cả mấy tháng nay phải chi tiêu tiết kiệm lắm mới sống được qua ngày, nếu dịch bệnh kéo dài mẹ con em không biết sống sao”, chị Ngân tâm sự.

Cùng cảnh mất việc như chị Ngân, hôm 15/8, vợ chồng anh Hoàng Nam (28 tuổi, quê Quảng Bình) dậy từ sáng sớm gói ghém đồ đạc, chở theo 2 đứa con với hy vọng sẽ vượt qua chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố để về quê.

Vợ chồng anh Nam làm công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức, đã thất nghiệp gần 2 tháng nay, không còn lựa chọn nào khác ngoài về quê.

"Tình hình dịch bệnh phức tạp quá, về quê mình còn có gia đình, bà con thân thích, chứ ở nơi đất khách quê người, thất nghiệp kéo dài cả gia đình tôi bây giờ thật sự không biết lấy gì sống", anh Nam bộc bạch.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc lên đường về quê, được các lực lượng chức năng vận động quay trở lại TP.HCM.

Gia đình anh Nam chỉ là một trong số hàng nghìn gia đình lao động có ý định rời TP.HCM về quê sáng hôm 15/8.

Tuy nhiên, họ được các lực lượng chức năng giải thích, đề nghị trở lại phòng trọ tại các chốt kiểm soát trong thành phố như cầu vượt Linh Xuân, Sóng Thần và khu vực Suối Tiên..., nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Hiện nay, chính quyền cũng vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà. Trường hợp chủ trọ không đồng ý, địa phương sẽ có phương án chăm lo, đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm để người dân sống trong thời gian giãn cách sắp tới.

Hết lòng vì đoàn viên, người lao động

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh lên đời sống người lao động, thời gian qua các cấp Công đoàn TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đoàn viên, công nhân lao động như: Chương trình hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu; “Siêu thị 0 đồng”; đi chợ cho công nhân tại khu cách ly trên địa bàn dân cư và doanh nghiệp; bếp ăn từ thiện tại các khu phong tỏa; vận động chủ nhà trọ có “Tổ công nhân tự quản” giảm giá thuê phòng, điện nước, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, chăm lo cho con của đoàn viên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, còn có các mô hình, cách làm hay như: Đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà; chuyến xe nghĩa tình; chương trình "Giữ tổ ấm giữa đại dịch"...

Cán bộ công đoàn phục vụ công nhân và người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chị Vũ Thị Tuyết Hương (trọ tại khu phố 4, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM) cho biết: "Vì dịch bệnh kéo dài, tiền bạc, thực phẩm trong nhà cạn kiệt trong khi đang nuôi 3 đứa con nhỏ và chồng bị bệnh, quá bí bách nên tôi đã gọi đến đường dây nóng của LĐLĐ quận nhờ hỗ trợ. Ngay hôm sau, đại diện LĐLĐ quận Bình Tân đã trực tiếp đến nhà trọ thăm hỏi và hỗ trợ 5 kg gạo, 1 thùng mì cho gia đình".

Tại quận Bình Thạnh, LĐLĐ quận phối hợp cùng Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tổ chức chương trình “Siêu thị mini 0 đồng” nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, rau củ quả cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ phải tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Mang thực phẩm đến với người lao động tại khu vực phong tỏa.

Ông Cao Hồng Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh chia sẻ: "Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng” là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực mà tổ chức Công đoàn quận tiếp tục duy trì thực hiện nhằm hỗ trợ cho người lao động trước nhu cầu tiếp cận các mặt hàng nhu yếu phẩm đang gặp khó khăn”.

Theo đó, tại “Siêu thị mini 0 đồng”, mỗi cá nhân tham gia nhận được phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng. Công nhân lao động sẽ đến siêu thị vào các khung giờ khác nhau; đồng thời chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19 như khai báo y tế, giữ khoảng cách 2m và luân phiên vào mua hàng.

Các cán bộ công đoàn kịp thời vận chuyển nhu yếu phẩm đến với người lao động.

Ngày 14/8, LĐLĐ TP.HCM cũng triển khai chương trình hỗ trợ 150.000 suất nhu yếu phẩm cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền 22,5 tỷ đồng.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM cho biết, đây là công tác hỗ trợ khẩn cấp nên yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm theo quy định tại điều 22 Luật Đấu thầu, đảm bảo hồ sơ thanh, quyết toán.

Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ tài chính Công đoàn tích lũy của các đơn vị, riêng huyện Cần Giờ 1.000 suất và huyện Nhà Bè 8.000 suất sẽ do thành phố cấp kinh phí.

Trước đó, LĐLĐ TP.HCM đã thực hiện các gói hỗ trợ chăm lo đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam với hơn 18.000 trường hợp; chi trợ giúp theo Phương án 03 của LĐLĐ thành phố đến nay được 13.633 trường hợp.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn TP.HCM còn thực hiện chi hỗ trợ hàng trăm lượt cán bộ chuyên trách công đoàn; hỗ trợ trường hợp con của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Theo Lê Tuấn/ Cuộc sống an toàn

Bạn đang đọc bài viết TP HCM: Nhiều hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.