Thứ sáu, 19/04/2024 23:55 (GMT+7)

TP HCM: Sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh để giải cứu “rốn ngập”

MTĐT -  Thứ hai, 26/03/2018 11:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi máy bơm “khủng” chống ngập không phát huy tác dụng, TP. HCM đã tính đến phương án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh với hy vọng sẽ giải cứu “rốn ngập” này.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh là một con đường được cho là "rốn ngập" ở TP. HCM, năm 2017 vừa qua mặc dù được đầu tư máy bơm “khủng” để bơm nước nhưng tuyến đường này vẫn nhiều lần bị ngập nặng.

Năm 2017, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (TP Hải Phòng) đã có đề xuất tự lắp ráp một máy bơm “khủng” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, với tuyến bố “không hết ngập không lấy tiền”.

Ông Cường cho biết, từ khi lắp đặt xong máy bơm (19/9/2017) đến ngày 24/10/2017 đã qua 13 lần hoạt động chứng tỏ hiệu quả của máy bơm “khủng” này. Tuy nhiên, thực tế có 2 lần đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng, dù máy bơm vẫn hoạt động khiến nhiều nhà khoa học đặt nghi vấn về tính hiệu quả lâu dài của hệ thống máy bơm trong việc chống ngập.

Với dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. HCM hy vọng sẽ giải quyết được bài toán ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Zing.

Trước thực tế trên, mới đây, Sở GTVT TP. HCM đã ban hành quyết định phê duyệt dự án sửa chữa toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài hơn 3,1 km. Dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện 2018-2019.

Theo đó, dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh được thực hiện theo tim đường cũ, không mở rộng thêm. Song nhiều hạng mục kỹ thuật sẽ được cải tạo, xây mới. Cụ thể, dự án sẽ xây thêm hệ thống chiếu sáng hiện đại (sử dụng đèn led) và kết nối với trung tâm điều khiển. Vỉa hè cũng được cải tạo, nâng cấp để bố trí các tuyến cáp ngầm phục vụ cấp nước, viễn thông và điện lực…

Hệ thống cây xanh, mảng xanh trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng sẽ được cải tạo, trồng mới, đồng thời ở dải phân cách giữa được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Theo các chuyên gia, với những vùng trũng, thấp như đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay, dùng máy bơm là điều bắt buộc, tuy nhiên sau khi hệ thống thoát nước bài bản đã hoàn thành, việc có cần tiếp tục sử dụng máy bơm hay không, sử dụng máy bơm ở công suất nào thì cần tính toán kỹ lưỡng.

Không chỉ tại đường Nguyễn Văn Cảnh, nhiều con đường khác ở TP. HCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Noi về nguyên nhân gây ngập lụt ở TP. HCM, ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc từng cho rằng, là do diện tích bề mặt không thấm trong thực tế lớn hơn tỷ lệ sử dụng để thiết kế hệ thống thoát nước. Mặt khác, lượng mưa đang tăng dần nên các hệ thống thoát nước được xây dựng mới sẽ bị quá tải, không đảm bảo hoạt động theo đúng chu kỳ tràn cống đã được thiết kế. Việc phát triển đô thị trên những khu vực thấp cũng làm gia tăng nguy cơ bị ngập.

Đồng thời, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước kết nối mang tính khu vực cho các khu dân cư mới đang diễn ra rất chậm so với tốc độ đô thị hóa, nên khả năng xuất hiện những điểm ngập mới là điều chắc chắn. Với tình trạng hầu hết các diện tích đất sẵn có đã được dành cho các mục đích khác, nên để bổ sung không gian điều tiết nước mưa cho TP. HCM, cần có các hồ chứa tập trung.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM), để thực hiện toàn diện các giải pháp chống ngập cho đến năm 2020, TP cần khoảng 100.000 tỷ đồng (gần 4,5 tỷ USD). Do chưa đủ vốn, TP sẽ điều chỉnh và bố trí ưu tiên các hạng mục để thực hiện cho phù hợp thực tế.

P.V (tổng hợp theo báo Giao thông, PLO)

Bạn đang đọc bài viết TP HCM: Sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh để giải cứu “rốn ngập”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...