Thứ sáu, 29/03/2024 01:42 (GMT+7)

TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm còn lắm gian nan

MTĐT -  Thứ ba, 11/04/2017 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay các cơ quan chức năng TP HCM mới chỉ kiểm soát được chất lượng nông sản, thịt cá tại các chợ đầu mối, còn tại các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ vẫn đang bị bỏ ngỏ…

Ăn xong mới biết bẩn hay sạch

Chợ đầu mối Bình Điền được biết đến là một trong những chợ đầu mối lớn nhất cả nước. Tất cả các mặt hàng từ nông sản, thủy hải sản….được các tiểu thương bày bán trong bảy nhà lồng với diện tích cả hàng chục nghìn mét vuông. Mỗi đêm, có gần 3000 lượt xe tải chuyên chở rau quả, thực phẩm từ các tỉnh thành đưa về đây. Bình quân mỗi đêm có khoảng 2400 tấn hành hóa được giao dịch thành công tại đây.

Thế nhưng, theo ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh thì vẫn còn nhiều nỗi lo xung quanh việc quản lý và kiểm soát thực phẩm đang buôn bán tại đây.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, qua kiểm tra 462 mẫu thịt heo tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, Chi cục Thú y TP đã phát hiện 107 mẫu thịt heo, trong đó tại chợ Bình Điền có 105 trường hợp có nguồn gốc từ Long An đưa về bị thương lái bơm nước. Dù 87% động vật tươi sống được đưa từ các tỉnh về đây đều được đóng dấu kiểm soát trên sản phẩm cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch.

“Dù chợ Bình Điền có kho lạnh nhưng việc giữ sản phẩm từ 48 - 72 giờ để chờ kết quả kiểm mẫu cũng gặp nhiều khó khăn, vì nếu kết quả không vi phạm, hàng hóa lưu kho giảm chất lượng, hư hỏng thì cơ quan thú y phải chịu trách nhiệm đền bù”, ông Thảo cho biết.

Việc kiểm tra chất lượng thịt lớn gian nan một thì việc kiểm tra định lượng các mẫu thủy hải sản gian nan gấp mười. Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: “Mỗi mẫu phân tích định lượng mất từ ba-năm ngày mới ra kết quả. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế cho tạm giữ lô hàng bị nghi ngờ có chất lượng không đạt yêu cầu nên khi cơ quan chức năng cầm kết quả trên tay thì hàng hóa đã... vô bao tử người tiêu dùng”. 

Còn theo ông Lê Hoàng Phong - Phó phòng Kinh doanh của chợ đầu mối Hóc Môn cho biết: “Mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 1.800 - 2.000 tấn nông sản từ các tỉnh đổ về. Để đảm bảo, Ban quản lý chợ Hóc Môn cũng thành lập một tổ an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật TP lấy mẫu định kỳ, xoay tua các sạp hàng để kiểm tra chất lượng nông sản, có thể một tháng lấy một lần hoặc ít hơn. Thế năm 2016 chỉ lấy 116 mẫu và có một mẫu bông cải không đạt do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”.

Cũng theo ông Phong thì hiện nay ngoài việc thiếu kinh phí dành cho việc lấy mẫu kiểm tra thì Ban quản lý chợ còn chưa có kho lạnh để lưu trữ hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm. Chờ đến lúc có kết quả thì hành hóa đã được tiểu thương bán hết cho người tiêu dùng và sử dụng hết rồi khi phải mất từ hai đến bốn ngày mới có  kết quả phân tích định lượng.

Không chỉ có chợ đầu mối Hóc Môn gặp những khó khăn trên, chợ đầu mối rau quả Thủ Đức, nơi tiêu thụ gần 3000 tấn hành hóa nông sản mỗi ngày cũng gặp những khó khăn tương tự. Chưa kể đến những loại hành hóa được quản lý thông qua bao bì, nhãn hiệu cũng như kinh nghiệm của các thành viên ban quản lý các chợ.

70% thực phẩm tại TP được đưa từ nơi khác về

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết thì lượng nông sản do nông dân TP Hồ Chí Minh sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu của người dân TP. 70% lượng rau củ quả mà người dân đang tiêu thụ hàng ngày được còn lại từ các tỉnh, thành chuyển về thông qua nhiều kênh, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Dù đã nỗ lực khắc phục, nhưng đến nay các cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được chất lượng nông sản, thịt cá tại các chợ đầu mối, còn tại các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Để khắc phục tình trạng trên, TP Hồ Chí Minh tiến hành xây dựng thí điểm mô hình chuỗi thực phẩm an toàn nhằm thiết lập hệ thống giám sát, quản lý thực phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối.

Qua ba năm triển khai, đến nay đã có 97 giấy chứng nhận được cấp cho trang trại, cơ sở sản xuất tại TP.HCM và 11 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng… với tổng sản lượng 45.500 tấn/năm (không gồm trứng gà và nước mắm - PV).

Trong đó, chuỗi rau củ quả có 17 cơ sở tham gia chuỗi với bốn cơ sở của TP.HCM, 10 Lâm Đồng, hai Long An và một Tiền Giang cung cấp 20.640 tấn/năm, đáp ứng 1/5 nhu cầu thực tế của TP.HCM.

Riêng thịt gà khoảng 24.400 con/ngày (đạt 22,3% so với lượng tiêu thụ tại thành phố), thịt heo sản lượng khoảng 915 con/ngày (đạt 9,4% so với lượng heo tiêu thụ tại thành phố). 

Để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh dự kiến ký kết hợp tác với 21 tỉnh, thành trên cả nước nâng sản lượng rau quả, thịt cung cấp ra thị trường nằm trong chuỗi an toàn lên 30 - 50% nhu cầu thị trường.

Theo Sức khoẻ Môi trường

Bạn đang đọc bài viết TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm còn lắm gian nan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.