Thứ năm, 28/03/2024 19:37 (GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh: Quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị

MTĐT -  Thứ ba, 09/08/2022 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những năm qua, ngập lụt đô thị là loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện và gây nhiều bức súc, thiệt hại cho người dân TP. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh đó, Thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Ngập do đâu?

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố xuất hiện 10 đợt triều cường cao, trong đó 5 đợt trên báo động cấp II và 5 đợt trên báo động cấp III. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,71m, xuất hiện lúc 3 giờ 30 phút, ngày 5/12/2021.

Các đợt triều cường trên đã gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân như: Quận 1 (đường Calmette); Quận 4 (đường Trương Đình Hợi); Quận 7 (đường Phạm Hữu Lầu, Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập; Quận 8 (đường Trịnh Quang Nghị); huyện Nhà Bè (đường Lê Văn Lương, Đào Sư Tích); huyện Bình Chánh (Quốc lộ 50).

1(1).jpg
Triều cường gây ngập lụt đô thị là loại hình thiên tai gây nhiều thiệt hại cho người dân TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Dương

Nguyên nhân gây ngập lụt tại Thành phố được lý giải là do mưa lớn có xu hướng ngày càng gia tăng, tần suất xuất hiện những trận mưa có lượng mưa lớn trên 100mm nhiều hơn, tập trung trong thời gian ngắn. Theo số liệu thống kê, trong vòng 40 năm (1970 đến 2010), trên địa bàn Thành phố xuất hiện 11 trận mưa trong 3 tiếng, đạt lượng mưa trên 100mm, riêng trong hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 29 trận mưa trong 3 tiếng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021 có 4 trận mưa, chỉ trong 60 phút lượng mưa đã đạt tới 100mm - 212mm. Qua đó cho thấy thời gian qua mưa tăng cả tần suất và lượng mưa.

Bên cạnh đó, triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, trong 27 năm (từ năm 1980 đến 2007) đỉnh triều ở mức cao nhất chỉ đạt dưới +1,50m (tại trạm Phú An). Nhưng trong 12 năm (từ năm 2008 đến nay) đỉnh triều đã vượt trên mức +1,50m, đồng thời tần suất xuất hiện đỉnh triều ngày càng gia tăng. Nếu như từ năm 2006 đến 2015 tần suất xuất hiện đỉnh triều trên +1,50m chỉ có 94 lần, thì trong 5 năm (từ năm 2017 đến 2021) đã có tới 151 lần (gấp hơn 1,6 lần), đặc biệt đỉnh triều đã chạm mức +1,77m.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên là các nguyên nhân chủ quan. Điển hình là tiến độ thực hiện các Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố, Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng còn chậm. Măt khác, hiện hệ thống thoát nước của Thành phố chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch với khoảng 2.953 tuyến, tổng chiều dài khoảng 4.371km. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép, xả rác xuống sông, kênh, rạch vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước, tạo nước dâng cục bộ; đồng thời, việc đầu tư nạo vét hệ thống sông, kênh, rạch còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của cả hệ thống.

Trong quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp đô thị, một số tuyến đường chính được nâng cao theo đúng cao trình theo quy hoạch (+2.0m), nhưng nhà dân không nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường. Trong khi đó lại không xây dựng hệ thống thu gom nước chảy tràn, gây ra tình trạng nước chảy tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn hoặc cũng có trường hợp một số tuyến đường hẻm hai bên chưa được nâng cấp đồng bộ, không đấu nối được hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập cục bộ.

Một nguyên nhân khác là do một số dự án thoát nước, xóa, giảm ngập, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai thi công chưa đạt tiến độ đề ra do gặp khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nhiều dự án nạo vét kênh, rạch quy mô lớn chưa thể triển khai do vướng nhà dân lấn chiếm, thủ tục đền bù giải tỏa dẫn đến tiến độ đầu tư kéo dài. Việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công tác xóa, giảm ngập và ngăn chặn phát sinh các điểm ngập mới trên địa bàn Thành phố có lúc, có nơi chưa được đồng bộ do những hạn chế về nguồn lực, kinh phí.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình chống ngập

Trước thực trạng này, nhằm từng bước khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng. Theo đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, tích hợp vào đồ án quy hoạch chung của Thành phố, đồ án quy hoạch chống ngập úng, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết và quy hoạch cốt cao độ nền; đồng thời nghiên cứu, xem xét thống nhất và kết nối đồng bộ các quy hoạch.

2(1).jpg
Thành phố đang triển khai nhiều dự án lớn nhằm khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị. Ảnh: K. Cường

Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn các địa phương, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị mới; kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ (không phải hồ cảnh quan) trước khi thực hiện san lấp; đồng thời, thực hiện rà soát và tận dụng những khu vực trống để tăng cường các mảng xanh nhằm điều hòa lượng nước, tăng hệ số thấm, góp phần bổ cập lượng nước ngầm của Thành phố.

Đặc biệt, Thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập lụt. Thành phố đã triển khai một số nội dung trước mắt nhằm kéo giảm tình hình ngập, như cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch bằng nguồn vốn trùng tu, ủy quyền; vận hành, duy tu, nạo vét cống các loại, sửa chữa hầm ga; thuê dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh...

Tổ chức nghiên cứu thay đổi quy trình vận hành 26 trạm bơm (56 máy) có công suất từ 168m3/giờ - 84.000m3/giờ (tổng công suất 302.880m3/giờ); 13 cống kiểm soát triều lớn; tăng cường công tác điều tiết nước, trữ nước trong các tuyến sông, kênh, rạch, khi xuất hiện mưa, kết hợp vận hành bơm tại các cống kiểm soát triều đảm bảo chống ngập khu vực trung tâm thành phố; xây lắp sửa chữa, vận hành 1.077 van ngăn triều, đê bao tạm, phay chặn giải quyết ngập do triều trong khi chờ các dự án thuộc Quy hoạch 1547.

Triển khai thực hiện các hạng mục công trình cấp bách khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới. Tổ chức lập danh mục đầu tư nạo vét hệ thống sông, kênh, rạch kết nối với các cống kiểm soát triều và hệ thống thoát nước các tuyến đường, hẻm đồng bộ với kế hoạch đầu tư dự án. Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực tế, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm để cải tạo, chỉnh trang đô thị. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước hiện hữu đảm bảo chất lượng.

Trong trung và dài hạn, Thành phố sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các công trình thoát nước theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-TTg và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg.

Theo đó, đến nay, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với quy mô xây dựng 6 cống kiểm soát triều và các đoạn kè xung yếu ven sông Sài Gòn với chiều dài 6,004km đã thi công ước đạt 93% khối lượng. Thành phố đang tập trung giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành trong đầu năm 2023.

Thành phố cũng đã thi công ước đạt khoảng 76,5% khối lượng đối với 2 dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang và đoạn từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm). Triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung 92,56km cống các loại và nạo vét 60,85km kênh, rạch. Đồng thời, đang chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2), dự án Nạo vét rạch Bà Lớn, dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo rạch khu vực nội đô gồm Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp.

Thành phố đang mời gọi đầu tư xây dựng 2 hồ điều tiết Gò Dưa rộng 23ha tại thành phố Thủ Đức, hồ điều tiết Khánh Hội rộng 4,8ha (Quận 4), 5 dự án: cải tạo trục tiêu thoát nước Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, Cống Sông Kinh và tuyến kênh nhánh (kênh Tham Lương đến Chợ Đệm) từ nguồn xã hội hóa.

Thành phố cũng xác định tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 18 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước, gồm 16 dự án: dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp; dự án Cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (từ ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học Quốc gia); dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư)...

Bạn đang đọc bài viết TP. Hồ Chí Minh: Quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TN&MT

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.