Thứ bảy, 20/04/2024 11:46 (GMT+7)

TP.HCM: Đề xuất Khu chế xuất Tân Thuận trở thành "hậu cần" cho Thủ Thiêm

MTĐT -  Thứ ba, 28/06/2022 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Hội thảo "Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng Khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa,... làm "hậu cần" cho Thủ Thiêm.

Ngày 28-6, Quận ủy quận 7 tổ chức Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đặt vấn đề không gian đô thị TP HCM đang mở rộng, các nhà máy ở Khu chế xuất Tân Thuận với công nghệ cách đây 20, 30 năm đã trở nên lạc hậu, trong khi đó trình độ công nghệ của các khu công nghiệp ở địa phương bạn đã phát triển cao. Khu chế xuất Tân Thuận cần định hình lại một cách cơ bản. Điều này góp phần để TP HCM giữ vững và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế phía Nam và của đất nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM tại Hội thảo 

Ông Nguyễn Văn Đua cho rằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu quy hoạch đô thị Cảng Hiệp Phước (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) là 2 nhân tố quan trọng tác động đến việc tạo nên diện mạo mới, vai trò mới của Khu chế xuất Tân Thuận.

Theo ông Nguyễn Văn Đua, nếu Khu chế xuất Tân Thuận được thay đổi về chất để cùng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm với tư cách một trung tâm dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu "đến làm việc, sáng tạo ở Thủ Thiêm và sinh sống ở Tân Thuận" thì khi đó những nhà máy tại đây sẽ được dịch chuyển, nhường chỗ cho các trường học, bệnh viện, nhà hát, trung tâm thương mại, khách sạn… có chất lượng, đạt trình độ châu Á và thế giới. Đây mới là diện mạo, vai trò mới, đóng góp mới của Khu chế xuất Tân Thuận. 

Cụ thể, nhiều nhà máy của Khu chế xuất Tân Thuận có thể dịch chuyển đến các khu công nghiệp khác ở trong TP HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ở giai đoạn 2, 3 thì Khu công nghiệp Hiệp Phước có đủ diện tích để tiếp nhận hạ tầng đồng bộ về cảng, về logistics, về khu lưu trú công nhân. Đều quan trọng nhất là phải có chủ trương hình thành Khu đô thị Hiệp Phước chứ không chỉ dừng lại là một khu công nghiệp…

tm-img-alt
Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho rằng Tân Thuận được lập cách đây hơn 30 năm, công năng sử dụng không còn phù hợp định hướng phát triển của quận, đem nguồn thu ngân sách thấp, không tương xứng quy mô diện tích, vị trí và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, quận đề xuất thành phố sớm chuyển đổi nơi đây thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại. Khu vực này sẽ kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) thành một quần thể, tạo điểm nhấn đối xứng hai bên sông Sài Gòn.

Khu chế xuất Tân Thuận cũng là một trong 4 khu đất được quận 7 đề xuất chuyển đổi nhằm thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm y tế - giáo dục, thương mại, dịch vụ kết hợp du lịch của khu Nam TP HCM. Quận 7 cho rằng để theo đuổi mô hình này, địa phương cần hình thành một hệ sinh thái các trường học, đại học, cơ sở khám bệnh, bệnh viện, dự kiến rộng trên 500 ha.

PGS-TS Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP HCM, cho rằng quận 7 cần xem lại cơ cấu công nghiệp. "Là quận nội thành thì có thể ngưng không phát triển công nghiệp, trước tiên là tạm ngưng không cho thành lập mới các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các nhà máy sản xuất, chế biến, sửa chữa công nghiệp và vận tải biển... Nên có lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp hiện nay ra các khu công nghiệp ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận" – PGS-TS Trương Thị Hiền nói.

Theo PGS- TS Trương Thị Hiền, Khu chế xuất Tân Thuận cũng cần có kế hoạch và lộ trình chuyển đổi dần các ngành sản xuất công nghiệp gia công, lắp ráp sang các ngành công nghệ cao, tự động hóa để hạn chế tối đa sử dụng công nhân lắp ráp, gia công.

"Về lâu dài, quận nên tính đến phương án chuyển đổi toàn bộ Khu chế xuất Tân Thuận thành các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất các sản phẩm mới công nghệ cao như các ngành tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, robot, sản xuất phần mềm" - PGS-TS Trương Thị Hiền nói. 

Trong phần chia sẻ của mình, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng quận 7 cần kiến nghị thành phố xem xét mô hình Khu chế xuất Tân Thuận theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ để nơi đây là nơi sản xuất những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, từng bước giảm cơ sở sản xuất thâm dụng lao động và khuyến khích có thêm những dịch vụ cao cấp.

Nói về đề xuất này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng thành phố cần đánh giá lại công năng của Khu chế xuất Tân Thuận để tái cơ cấu. Đồng thời, địa phương phải tính toán xem nơi đây có còn dư địa để phát triển theo hướng công nghiệp hay không.

"Chắc chắn phải chuyển đổi các ngành công nghiệp phổ thông, thâm dụng lao động trong khu chế xuất Tân Thuận theo hướng công nghệ cao, kết nối chức năng, hoạt động của trung tâm tài chính", ông Mãi nói.

Duy Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Đề xuất Khu chế xuất Tân Thuận trở thành "hậu cần" cho Thủ Thiêm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ