Thứ tư, 24/04/2024 21:25 (GMT+7)

Tp.HCM đưa ra quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ tư, 10/11/2021 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với quyết tâm đưa các khu công nghiệp hoạt động trở lại, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hướng dẫn tạm thời Phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh, KCN (doanh nghiệp).

Nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp hoạt động, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 11 năm 2021, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 8095/SYT-NVY về hướng dẫn tạm thời Phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở, kinh doanh, khu công nghiệp (doanh nghiệp).

Theo đó, doanh nghiệp phải thành lập Tổ y tế, là bộ phận chuyên trách và có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe người lao động, giám sát sự tuân thủ các quy định phòng, chống dịch và triển khai quy trình xử lý khi phát hiện có trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tổ y tế bao gồm các nhân viên y tế cơ hữu của đơn vị hoặc do đơn vị ký hợp đồng với các cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân.

Các đơn vị giám sát để phát hiện sớm F0 tại đơn vị bằng các biện pháp: theo dõi sức khỏe hàng ngày của người lao động (qua khai báo y tế, đo thân nhiệt, giám sát sức khỏe người lao động trong quá trình làm việc), thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động tại đơn vị ngay khi phát hiện có triệu chứng hoặc ghi nhận có yếu tố dịch tễ liên quan; tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao theo các hướng dẫn cụ thể của ngành y tế trong từng giai đoạn dịch.

Đối với người lao động đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh thì không thực hiện xét nghiệm, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc trường hợp người lao động đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

tm-img-alt
Quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại các cơ sở sản xuất

Quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại các cơ sở sản xuất gồm 4 bước:

Bước 1:

- Cách ly tạm thời F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của doanh nghiệp và liên hệ ngay cơ quan y tế của địa phương để được hỗ trợ
- Phân công Tổ y tế của doanh nghiệp thực hiện cách ly tạm thời F0; Trạm y tế, trung tâm y tế báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khi nhận thông báo có F0 tại doanh nghiệp.

Bước 2:

- Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0: Nếu có dấu hiệu suy hô hấp thì cho thở oxy và liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có khoa/đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 gần nhất bằng xe cấp cứu. Đối với đơn vị có cơ sở cách ly điều trị, sử dụng một liều thuốc kháng đông theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế trước khi chuyển bệnh; nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn và hướng dẫn F0 tự đánh giá mức đạt các tiêu chí cách ly tại nhà; nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà và đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm cho người cùng hộ nhất là người có nguy cơ cao: Tổ y tế liên hệ trung tâm y tế quận, huyện nơi đơn vị hoạt động để quản lý và hỗ trợ chuyển thông tin F0 đến trung tâm y tế quận, huyện nơi F0 cư trú để tiếp nhận chăm sóc, cung cấp gói thuốc điều trị và quản lý trong thời gian F0 cách ly tại nhà theo quy định; nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà: F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp (cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở cách ly tập trung tại phường, xã, thị trấn, quận, huyện, cơ sở cách ly có thu phí…).

- Phân công thực hiện: Tổ y tế của doanh nghiệp phối hợp với trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (nếu có) hoặc trạm y tế phường, xã, thị trấn nơi đơn vị hoạt động.

Bước 3:

- Nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”: đối với các đơn vị có cơ sở cách ly tập trung thì nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” (tài khoản do Sở Y tế cung cấp); đối với đơn vị không có cơ sở cách ly tập trung: báo cáo danh sách F0 về trung tâm y tế quận, huyện nơi doanh nghiệp hoạt động để nhập dữ liệu vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

- Phân công thực hiện: Tổ y tế của đơn vị.

Bước 4:
- Tạm ngưng hoạt động khu vực xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1 (theo quy mô ổ dịch), điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch

- Xác định F1 và xét nghiệm bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên

- Theo dõi F1:

 + Trường hợp doanh nghiệp có > 80% người lao động được tiêm đủ liều vắc xin thì được tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người ở cùng nhà nhất là người có nguy cơ cao; hạn chế tối đa giao tiếp với bên ngoài cho đến khi kết thúc thời gian theo dõi

+ Trường hợp cơ sở sản xuất có < 80% người lao động tiêm đủ liều vắc xin: đối với người lao động chưa được tiêm vắc xin đủ liều thì cách ly 14 ngày tại nhà (nếu có đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly, xét nghiệm lại vào ngày thứ 14. Đối với F1 đã tiêm vắc xin đầy đủ: xử lý như trường hợp F1 của cơ sở sản xuất có > 80% người lao động đã tiêm đủ vaccin.

- Phân công thực hiện: Tổ y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của doanh nghiệp chủ động tổ chức xử lý; Trạm y tế, trung tâm y tế hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện.

Căn cứ quy trình do Sở y tế hướng dẫn, trên cơ sở điều kiện thực tế, doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể xử lý tình huống phát hiện người nhiễm COVID-19 tại đơn vị; phổ biến cho toàn doanh nghiệp nắm vững để áp dụng khi xảy ra trên thực tế.

Ngoài ra, các cơ sở, kinh doanh, khu công nghiệp phải ký cam kết thực hiện phòng chống dịch với cơ quan, đơn vị quản lý, thành lập và đảm bảo thực hiện đúng Quy trình xử lý F0.

Song song đó, ngành y tế cũng cho biết, sẽ bổ sung danh sách đội tình nguyện tham gia chăm sóc F0 ở các trạm y tế lưu động, đặc biệt là đối với 4 địa phương có số F0 đang tăng cao, gồm: Quận 12, Bình Tân, Tp.Thủ Đức và huyện Bình Chánh.

Hiện nay, các trung tâm y tế đang chịu trách nhiệm chăm sóc, quản lý và cấp phát gói thuốc A, B, đặc biệt và gói thuốc C cho F0 cách ly tại nhà. Để giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, Sở Y tế sẽ kiểm tra thực hiện công tác quản lý và cấp thuốc cho F0 trên địa bàn. Nếu phát hiện đơn vị nào không thực hiện cấp phát thuốc F0, chưa sẵn sàng nghe điện thoại khi F0 gọi sẽ bị xử lý theo quy định.

Với chiến lược thích ứng linh hoạt nhưng không chủ quan, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời, dập dịch ngay không để dịch lan rộng.

Đồng thời, quản lý và chăm sóc F0 theo đúng quy định, trong đó, xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động phù hợp với nhu cầu chăm sóc. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt cho người dân.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần nhanh chóng tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các trạm y tế lưu động tương ứng với số lượng F0 mắc mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương./.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM đưa ra quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.