Thứ tư, 24/04/2024 17:47 (GMT+7)

TP.HCM: Dùng sà lan di động lắp “siêu máy bơm” chống ngập?

MTĐT -  Thứ sáu, 28/02/2020 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã đề xuất dùng hệ thống đập sà lan có lắp máy bơm công suất lớn chống ngập cho lưu vực kênh Tam Lương, TP.HCM.

Theo TTO đưa tin, Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá, đường Phan Huy Ích và kênh Tham Lương bằng đập sà lan di động chở máy bơm công suất lớn của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) theo hình thức thuê dịch vụ trọn gói (không ngập không lấy tiền).

Một trong những điểm chú ý mà Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đề xuất lần này là sử dụng sà lan di động gắn bơm có công suất lớn tạo thành "đập" đặt ở điểm đầu và điểm cuối kênh Tham Lương. "Siêu bơm" trên sà lan sẽ hút nước hai đầu kênh tạo ra dòng chảy rút nước chống ngập trên diện rộng.

Từ đề xuất ý tưởng, Sở Xây dựng TP cho biết đã họp với các sở ban ngành lấy ý kiến đánh giá về giải pháp chống ngập nêu trên.

Đường Phan Huy Ích cũng là một trong những tuyến thường xuyên ngập úng.

Đánh giá về giải pháp này, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho rằng đây là một ý tưởng về biện pháp công trình độc đáo. Tuy nhiên, biện pháp công trình này cần có các giải pháp kỹ thuật chi tiết để chứng minh tính khả thi về mặt công nghệ, bởi biện pháp công trình chống ngập này có thể gây xung đột với các vấn đề khác như giao thông thủy, sạt lở, môi trường.

Cũng theo Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, việc đầu tư hệ thống thoát nước theo nguyên lý nước chảy theo trọng trường là hiệu quả và kinh tế nhất. Trong trường hợp phải dùng biện pháp cưỡng bức để cải thiện năng lực của hệ thống thoát nước thì việc xác định công suất của máy bơm phải căn cứ vào nhiệm vụ mà hệ thống thoát nước hiện hành không giải quyết được.

Do đó, phải căn cứ vào kết quả tính toán thủy văn, thủy lực công trình để chọn công suất máy bơm cho phù hợp.

Đồng quan điểm, Sở Xây dựng nhận định giải pháp chống ngập trên diện rộng bằng hệ thống đập sà lan di động có lắp bơm công suất lớn là giải pháp có tính sáng tạo cao, nếu thành công có thể nhân rộng áp dụng cho nhiều khu vực có cao độ địa hình thấp bị ảnh hưởng triều.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng vấp nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi và điều kiện triển khai, trong đó bao gồm cả tính pháp lý, sự tác động môi trường, khả năng giao thông thủy...

Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP cho rằng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến giao thông thủy nội địa cấp 5. Do đó, nếu sử dụng xà lan di động lắp bơm công suất lớn chặn ở điểm đầu và cuối kênh Tham Lương sẽ làm cho phương tiện đường thủy không thể lưu thông.

Ý kiến từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, bơm công suất lớn sẽ làm tăng vận tốc dòng chảy trong hệ thống cống, làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của hệ thống cống hiện hữu. Do đó cần đánh giá, xác định hiện trạng hệ thống cống hiện nay ở toàn lưu vực, từ đó so sánh với công suất bơm đề xuất.

Mặt khác, sở này cũng đánh giá theo đề xuất của doanh nghiệp, công suất máy bơm cần tính toán trên cơ sở thực tế (lưu vực, kịch bản ngập ứng với công suất bơm khác nhau). Ngược lại, cần xác định cụ thể nguyên nhân gây ngập trên lưu vực, từ đó có cơ sở lựa chọn phương án, giải pháp. Tuy nhiên nếu nguyên nhân gây ngập đường Phan Huy Ích và Nguyễn Văn Quá do hệ thống cống xuống cấp, kênh rạch bị bồi lắng bùn ách tắc dòng chảy..., việc dùng sà lan di động lắp máy bơm chưa thể giải quyết được ngập.

Được biết, hiện nay Công ty Quang Trung đang cho thuê dịch vụ bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với mức giá 14,2 tỉ đồng mỗi năm. Máy bơm chống ngập tại đây có công suất lên đến 97.000 m3 mỗi giờ, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Việc thuê máy bơm chống ngập là hình thức chưa có tiền lệ, lần đầu tiên triển khai tại TP HCM.

P.G (TH)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Dùng sà lan di động lắp “siêu máy bơm” chống ngập?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.