Thứ bảy, 20/04/2024 06:07 (GMT+7)

TP.HCM: Khúc mắc từ việc cho mượn đất làm trường học ở Củ Chi

Ngọc Thạch -  Thứ ba, 04/12/2018 05:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ đất cho chính quyền mượn đất hơn 30 năm để xây trường mẫu giáo, đến lúc đề nghị trả lại đất thì bị bác bỏ vì lý do không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Vừa qua Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã tiếp nhận đơn phản ánh của bà Phùng Thị Bích (ngụ ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) về việc tranh chấp đất đai tại phần diện tích đất 378m2 do gia đình bà Bích cho chính quyền mượn để xây dựng trường mẫu giáo. 

Tuy nhiên, đến khi gia đình bà Bích có nguyện vọng muốn lấy lại mảnh đất thì lại bị chính quyền bác bỏ. Vì quá ấm ức nên bà Phùng Thị Bích đã làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Củ Chi và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi xem xétgiải quyết vấn đề liên quan tới việc tranh chấp phần diện tích 378m2.

Ngôi trường đã hoang phế nhiều năm song chính quyền vẫn không trả đất cho dân.

 Để làm rõ thông tin vụ việc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ làm việc với UBND Huyện Củ Chi. Đến ngày 17/10/ 2018, UBND Huyện đã có văn bản số 13077/ UBND-TNMT trả lời.

Tuy nhiên, từ năm 2013 tới nay trường đã đóng cửa và có dấu hiệu mục nát xuống cấp nên gia đình bà Phùng Thị Bích đã có văn bản gửi UBND xã An Nhơn Tây để xin lại diện tích đất trên.

Theo hồ sơ cung cấp, phần diện tích đất khoảng 378m2 (ngang 21m, dài 18m) tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM do cha ruột của bà Bích là ông Phùng Văn Cảnh quản lý và sở hữu.

Đến năm 1984, ông Trịnh Văn Chẹt - Trưởng ban ấp Ba Sòng và ông Nguyễn Văn Sườn - Bí thư chi bộ ấp Ba Sòng (đã chết) xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, hỏi mượn ông Phùng Văn Cảnh mảnh đất có diện tích khoảng 378m2 nêu trên để xây dựng trường mẫu giáo (Trường mẫu giáo Bông Sen).

Theo đó, diện tích xây dựng trường mẫu giáo là 126.5m2 còn lại 251.5m2 để làm sân chơi. 

Văn bản trả lời báo chí của UBND huyện Củ Chi.

Theo văn bản trả lời báo chí, ngày 01/7/2016 UBND huyện Củ Chi ban hành công văn số 5515/UBND-TNMT, trong đó có ghi rõ, lý do không đồng ý với yêu cầu trả lại phần đất có diện tích 126.5m2 cho bà Phùng Thị Bích vì không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Tiếp đó, ngày 11/6/2018 UBND Huyện Củ Chi tiếp tục ban hành quyết định giải quyết khiếu nại số 6406/QD-UBND công nhận nội dung công văn số 5515/UBND-TNMT Ngày 1/7/2016 của UBND huyện Củ Chi về vấn đề bác bỏ nội dung khiếu nại của bà Phùng Thị Bích.

Văn bản 6406/QD-UBND quyết định giải quyết đơn khiếu nại của bà Bích.
Văn bản 6406/QD-UBND quyết định giải quyết đơn khiếu nại của bà Bích

Tuy nhiên, về phần đất có diện tích 251.5m2 còn lại trong tổng diện tích 378m2 mà bà Phùng Thị Bích khiếu nại UBND huyện Củ Chi thì đơn vị này "né tránh" không hề đề cập tới trong văn bản.

Theo tìm hiểu của PV, phần diện tích 251.5m2 để làm sân chơi trường mần non còn lại hiện bà Nguyễn Thi Ngọc Hà đang sử dụng.

Do đó, bà Bích vô cùng bức xúc và không khỏi đặt nghi vấn liệu chính quyền có "ưu ái" hay "hợp thức hóa" phần đất trên cho người khác canh tác sử dụng?.

Để làm rõ vụ việc, PV đã tiến hành liên hệ với ông Trịnh Văn Chẹt, là người trực tiếp đứng ra mượn đất của ông Phùng Văn Cảnh để xây dựng trường mầm non.

Ông Chẹt cho biết: Vào năm 1984, ông Chẹt và ông Nguyễn Văn Sườn có đến nhà ông Phùng Văn Cảnh để hỏi mượn phần đất có diện tích khoảng 378m2, ngang 21m, dài 18m tọa lạc tại ấp Ba Sòng xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM để xây cất trường mẫu giáo cho con em ấp Ba Sòng có nơi học tập.

Vì sự nghiệp giáo dục của địa phương, ông Phùng Văn Cảnh đồng ý cho mượn đất. Ngoài ra ông cũng dặn không được sử dụng mảnh đất đó vào mục đích gì khác ngoài làm trường mẫu giáo.

Việc xây cất trường học được sử dụng cho đến khi nhà trường không còn dùng để dạy học thì phải trả lại cho ông Cảnh để ông cho con cháu ở và sản xuất lo cho đời sống.

Sau khi được sự đồng ý của ông Phùng Văn Cảnh, chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng trường mẫu giáo ấp Ba Sòng. Trường hoạt động tới năm 2013 thì không còn hoạt động nữa.

Đơn xác nhận của ông Trịnh Văn Chẹt người đứng ra mượn đất.

Ngày 8/10, PV đã tiếp tục liên hệ với UBND xã An Nhơn Tây và đặt câu hỏi. Tuy nhiên những câu trả lời của UBND xã An Nhơn Tây cũng gần giống nội dung UBND huyện trả lời PV.

Theo văn bản số 6406/QĐ-UBND ngày 11/6/2018 của UBND huyện Củ Chi về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phùng Thị Bích có nêu "qua làm việc với UBND Xã An Nhơn Tây được biết, quan điểm của Đảng ủy, UBND xã An Nhơn Tây xác định giữ khu đất này để làm điểm sinh hoạt văn hóa ấp Ba Sòng. Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020". Nhưng qua tìm hiểu của PV, hiện ấp Ba Sòng đã có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa ấp Ba Sòng.

UBND huyện Củ Chi ra quyết định về việc bà Phùng Thị Bích yêu cầu UBND huyện Củ Chi trả lại đất và công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất diện tích 126.5m2 là không có cơ sở xem xét và bác bỏ nội dung văn bản của bà Phùng Thị Bích. 

Quá bức xúc về việc chính quyền huyện Củ Chi không trao trả lại đất mà còn “ưu ái” cấp đất cho cá nhân khác nên bà Bích đã làm đơn lên các cơ quan chức năng để đòi lại quyền lợi.

Theo đó, Sở Tài Nguyên - Môi Trường TP.HCM đã ban hành văn bản số 9415/TB-STNMT-TTr về việc thụ lý giải quyết khiếu nại.

Văn bản của Sở Tài nguyên môi trường thụ lý giải quyết khiếu nại của bà Phùng Thị Bích.

Chúng tôi sẽ thông tin tiếp về sự việc trên. 

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Khúc mắc từ việc cho mượn đất làm trường học ở Củ Chi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...