Thứ sáu, 26/04/2024 05:53 (GMT+7)

TP.HCM: Sốt xuất huyết chưa qua, bệnh tay chân miệng lại đến

MTĐT -  Thứ năm, 12/05/2022 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào ngày 11/5, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm nổi các nốt nước đỏ ở miệng, tay, chân. Đây là biểu hiện của bệnh tay chân miệng.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Riêng chỉ trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5/2022), thành phố ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt ở các quận: Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, khu vực 3 thành phố Thủ Đức.
tm-img-alt
Báo động dịch bệnh tay chân miệng tại TP.HCM. (Ảnh minh hoạ)
Tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trung bình mỗi ngày điều trị cho từ 30-40 bệnh nhân mắc tay chân miệng. Theo các bác sĩ, giai đoạn từ tháng 5-8 là thời điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não nên dịch chồng dịch rất phức tạp.
Theo Th.S.BS Nguyễn Đình Qui - Phụ trách khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, ghi nhận trong vòng 1 tuần lễ, có gần 500 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, khoảng 40 trẻ phải nhập viện điều trị, tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đây. 
Nhằm đảm bảo công tác điều trị trước tình hình số trẻ nhập viện tăng, Khoa Truyền nhiễm đã phải bố trí thêm phòng ốc và giường xếp để bệnh nhi nhập viện điều trị. 
Cũng theo các bác sĩ, hiện nay, số trẻ nhập viện tăng cũng vì một phần phụ huynh lo lắng quá nên đưa con nhập viện. Vì thế, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục tư vấn sàng lọc bệnh, nếu trong vòng 24-48h theo dõi mà bệnh nhi không có nguy cơ trở nặng sẽ được cân nhắc cho về nhà điều trị. 
Với 5-6% trẻ mắc tay chân miệng độ 2B (độ nặng) trở lên, các bé sẽ được theo dõi tích cực, tránh tình trạng phát hiện muộn trẻ có thể bị viêm màng não hoặc virus tấn công vào trung khu não bộ khiến trẻ bị viêm não tối cấp, viêm cơ tim thứ cấp dẫn đến tử vong nhanh chóng. 
Cũng tại thời điểm này, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 28 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện nội trú. Con số này tăng gần gấp 3 lần so với đầu tháng 4.2022. 
Theo các bác sĩ, thời điểm này số trẻ nhập viện tăng là phù hợp khi trẻ đến trường học, giao lưu với bạn cùng lớp nên bệnh tay chân miệng lây nhanh.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 - 70 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, chủ yếu bệnh nhẹ. Tỷ lệ nhập viện (từ độ 2A trở lên) thấp.  
Trước đó, đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP.HCM xảy ra vào năm 2020 với 16.361 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong, chủ yếu vẫn là xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học. Khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do COVID-19, các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP.HCM như sốt xuất huyết, tay chân miệng... sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay. Do đó, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là điều rất quan trọng, không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong.
tm-img-alt
Sốt xuất huyết chưa qua, bệnh tay chân miệng lại đến. (Ảnh minh hoạ)
Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát
Bên cạnh việc gia tăng bệnh tay chân miệng, thời gian gần đây, Sở Y tế TP.HCM cũng như các bệnh viện trên địa bàn thành phố liên tục đưa ra cảnh báo bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng thành dịch khi số ca bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM đã tăng 345% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố có 4.491 trường hợp sốt xuất huyết, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, qua hệ thống báo cáo ghi nhận có 109 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca). Đây là con số đáng báo động nếu so sánh với năm 2019 - năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc nhưng số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn con số thống kê.
Các quận, huyện có số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 4 bao gồm: Quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Ghi nhận tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, rất đông trẻ lớn và nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết từ nặng đến nhẹ đang nằm điều trị. Theo thống kê, số trẻ nhập viện điều trị và khám ngoại trú sốt xuất huyết tại khoa đều tăng gấp đôi so với 2 tuần trước, trung bình có từ 30-35 ca bệnh nội trú, trong đó có 5-7 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu và truyền dịch. Đáng lưu ý là số trẻ mắc sốt xuất huyết nặng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với các năm trước do nhập viện trễ.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tăng từ 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng cao, nhất là các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng (sốc sốt xuất huyết Dengue). Chỉ trong nửa tháng 4/2022, khoa Hồi sức tích cực chống độc đã tiếp nhận 10 ca nặng và sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở, ngưng tim trước khi nhập viện.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Tuy nhiên đã có 3 trẻ tử vong do phát hiện muộn rồi nhập viện trễ, trong đó có 2 ca ở tỉnh chuyển đến, 1 ca ở TP.HCM.
Còn Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày khám ngoại trú cho từ 100-150 ca sốt xuất huyết, trong đó có từ 10-15 bệnh nhi được chỉ định nhập viện. Số bệnh nhân nặng từ 15-20 em, trong đó phần lớn là trẻ dư cân béo phí nặng, trẻ nhũ nhi.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, hiện có 3 loại bệnh cùng lưu hành và dễ nhầm lẫn với nhau là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19. Trong đó, có trường hợp xảy ra đồng nhiễm ở trẻ, vừa mắc tay chân miệng vừa mắc COVID-19, vừa mắc sốt xuất huyết vừa COVID-19, vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết.
Bác sĩ Tiến cho hay, riêng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh viện luôn lưu ý các bác sĩ dặn dò kỹ phụ huynh, cần đưa bệnh nhi đến khám kịp thời, không để tình trạng nặng dẫn đến sốc sâu, khó cứu chữa: "Vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh là ngày cao điểm dễ vào sốc, thì mình phải dặn bệnh nhân là những dấu hiệu cảnh báo nặng như bé bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen thì phải nhanh chóng vào bệnh viện. Đặc biệt kể cả trong đêm giữa khuya cháu trở nặng cũng phải đi tới bệnh viện ngay".

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Sốt xuất huyết chưa qua, bệnh tay chân miệng lại đến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.