Thứ năm, 28/03/2024 15:34 (GMT+7)

TPHCM: Tranh cãi về mức phí bảo vệ môi trường với nước thải CN

MTĐT -  Thứ sáu, 16/03/2018 13:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc tăng phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp là nội dung đã được đưa ra thảo luận trong kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra vào ngày 15/3, vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ DN.

Cụ thể, công thức tính phí mới là: F = (f * K) + C

Trong đó:

* f: Mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm

* K: Lưu lượng xả thải

* C: Hàm lượng các chất gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, cách tính này đã đánh vào lượng xả thải của doanh nghiệp, thiếu phân biệt là chất lượng nước thải như thế nào. Nói cách khác, việc "đánh đồng" chất lượng nước thải của một doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống xử lý với một doanh nghiệp chẳng đầu tư gì mà xả thẳng ra môi trường. Chủ đề này đã gây ra khá nhiều ý kiến tranh luận.

Đại diện Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND TP đã phản biện ý kiến này bởi các doanh nghiệp khi đã được cấp phép hoạt động đều đã phải đầu tư hệ thống xả thải chứ không có chuyện doanh nghiệp được xả trực tiếp ra môi trường.

Ngoài ra, nếu so sánh với cách tính cũ là F = f + C mà không nhân cho hệ số lưu lượng "K" thì công thức mới hợp lý hơn nhiều khi phân loại được trong cùng loại hình sản xuất, mức độ ô nhiễm như nhau, doanh nghiệp nào xả nhiều, dĩ nhiên phải trả phí nhiều hơn.

Hệ số K trong công thức sẽ được quy đổi theo lượng xả thải được đo bằng đồng hồ, giấy phép xả nước thải vào nguồn, hóa đơn tiền nước...

Đề án tăng mức phí BVMT với nước thải công nghiệp ở TP. HCM gây tranh cãi trong các doanh nghiệp. Ảnh: Internet.

Một số đại biểu cho rằng phương pháp tính lưu lượng xả thải cần cụ thể và mang tính thống nhất hơn nữa trong các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng phát sinh tranh cãi do các doanh nghiệp dựa vào nhiều phương pháp khác nhau.

Tuy nhiên, để tránh gây bỡ ngỡ cho doanh nghiệp, trong năm 2018, TP. HCM vẫn sẽ xác định hệ số K này là 1, tạm không có gì thay đổi so với công thức cũ.

Trước đó, TP. HCM đã đưa ra đề án tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả thải ô nhiễm.

Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3 mỗi ngày đêm thì nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng một năm; trên 5 m3 sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải. Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.

Theo tính toán, sau khi bổ sung, có tổng cộng 3.300 cơ sở phải đóng phí; lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000 m3 mỗi ngày đêm. Ngoài ra, khi thu phí theo phương thức mới, TP. HCM có thể thu được 60 tỷ đồng mỗi năm.

UBND TP cho rằng, việc tăng mức thu phí sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội. Nó có thể làm tăng mức phí các dịch vụ liên quan y tế, xử lý rác và từ đó tác động đến người dân.

Tuy nhiên, việc tăng phí này cũng tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải (giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường) và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.

Sau khi UBND TP đưa ra Dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, mức tăng phí trên còn bộc lộ nhiều bất cập và chưa phản ánh được công tác bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM cho biết, cách thức thu phí hiện nay dựa trên cơ sở đối tượng đóng phí tự kê khai mức phát thải. Sở và quận, huyện có kiểm tra xác suất hằng năm để định lượng lại mức phí thu. Tuy nhiên, cách làm này không đạt được hiệu quả tốt do có nhiều đối tượng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng việc vận hành không thường xuyên, không đúng quy định. Do vậy, việc điều chỉnh cách thu và mức thu là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cho rằng Dự thảo đề án chưa bao quát được công tác bảo vệ môi trường tại TP HCM, ông Đồng Văn Khiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nêu, đối tượng thực hiện mà Dự thảo nêu chỉ là nước thải công nghiệp. Trong khi, TP. HCM còn có nguồn thải từ các ngành chế biến, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ngành dịch vụ, xây dựng… Đơn cử về chất thải nguy hại trong ngành nông nghiệp, ông Khiêm dẫn chứng về thuốc bảo vệ thực vật đang được người dân sử dụng tràn lan và bừa bãi, khiến cho vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nông thôn ngoại thành đang rất nhức nhối. Do đó, tên Dự thảo đề án nên đổi từ “công nghiệp” thành “độc hại”.

Bà Lê Bích Loan, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố cho rằng, đề án nói, “thu để doanh nghiệp tiết kiệm nước” là không thuyết phục mà cần khuyến khích DN sử dụng công nghệ tiết kiệm nước. Nếu tính theo hệ số K thì doanh nghiệp đóng thêm gần 1,6 tỷ đồng mỗi năm, gấp 150 lần hiện nay là quá cao.

Thế nên, TP. HCM cần thiết phải có sự khảo sát nhất định về lượng chất thải đang gây ô nhiễm cho hệ thống kênh rạch. Từ đó, điều chỉnh mức giá trên hàm lượng ô nhiễm này, thay vì điều chỉnh thêm hệ số về lưu lượng nước thải như Dự thảo nêu.

Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất có lượng nước thải chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm nặng sẽ phải đầu tư thêm công nghệ xử lý để giảm chi phí bảo vệ môi trường phải đóng.

P.V (tổng hợp theo VTV, Nhân dân)

Bạn đang đọc bài viết TPHCM: Tranh cãi về mức phí bảo vệ môi trường với nước thải CN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.