Thứ sáu, 29/03/2024 01:48 (GMT+7)

Trả lại màu xanh cho sông Nhuệ, sông Đáy

MTĐT -  Thứ ba, 06/09/2016 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Sông Nhuệ, sông Đáy có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng đang bị ô nhiễm nặng nề. Là một trong 5 tỉnh, thành phố có lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua, Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp, sớm trả lại màu trong xanh vốn có của dòng sông…

Ô nhiễm nặng

Sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình. Mỗi ngày, lưu vực các sông này đang phải tiếp nhận khoảng 2,55 triệu mét khối nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi; 610 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt; 636 nghìn mét khối nước thải công nghiệp và hơn 15 nghìn mét khối nước thải bệnh viện… Hơn 100 làng nghề nằm dọc sông Nhuệ, sông Đáy đoạn đi qua địa bàn Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 45.000-60.000m3 nước thải từ hoạt động dệt nhuộm, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng… Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy chủ yếu là do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, làng nghề không qua xử lý đổ trực tiếp xuống sông. Ngoài ra, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông càng làm trầm trọng thêm quá trình ô nhiễm…

Bà Nguyễn Thị Hòa, phố Thanh Bình, phường Mộ Lao (Hà Đông) cho biết, vào mùa kiệt, đặc biệt là những ngày hè nóng bức, dòng sông Nhuệ ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang... Còn xuôi xuống các huyện phía Nam thành phố, dòng sông Đáy bây giờ chỉ còn cá rô phi là sống được… Ông Nguyễn Văn Thắng, ở thôn Hạ, xã Phùng Xá (Mỹ Đức) cho biết, do nguồn nước sông Đáy bị ô nhiễm nên nhiều người đã phải bỏ nghề chài lưới vốn là nguồn kiếm sống từ bao đời.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hiện nay trên địa bàn phụ thuộc vào sông Nhuệ. Nhưng dòng sông này đang bị ô nhiễm nặng khiến nhân dân rất bức xúc và lo lắng… Công ty TNHH Trường Thịnh là một trong những doanh nghiệp bị người dân cho là thủ phạm gây ô nhiễm sông Đáy, đoạn qua địa bàn xã Phùng Xá (Mỹ Đức). Giám đốc Nguyễn Duy Trường cho biết, doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên, chất lượng nước thải ra sông Đáy chưa bảo đảm tiêu chuẩn, do kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải ngành nhuộm quá lớn, doanh nghiệp làng nghề không đủ khả năng đầu tư. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức Trần Văn Thể cho biết, để phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, huyện đang xây dựng Trạm xử lý nước thải Phùng Xá, nhưng vì khó khăn về kinh phí nên chưa thể đẩy nhanh tiến độ…

Tìm hiểu các làng nghề thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ nằm trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy, hầu hết chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân làng nghề có quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bài toán cho việc xử lý nước thải thì chưa địa phương nào tự giải được, đều trông chờ nguồn vốn của thành phố…

“Giải cứu” dòng sông

Đề cập đến tiến độ thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Từ năm 1995 đến nay, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tính riêng năm 2016, các cấp, ngành của Hà Nội đã duyệt 209 báo cáo, kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; kiểm tra 264 cơ sở, phạt tiền hơn 690 triệu đồng 34 cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên nước...

Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, hiện nay, thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng (Hoài Đức) với tổng mức đầu tư gần 232 tỷ đồng, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại xã Vân Canh (Hoài Đức) với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2014-2017. Dự kiến tháng 11 năm nay, trạm xử lý nước thải cụm làng nghề xã Dương Liễu (Hoài Đức) có công suất khoảng 13.000m3/ngày đêm hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng xả chất thải chế biến nông sản, chăn nuôi vào sông Đáy…

Đối với việc xử lý nước thải công nghiệp tại 29 khu, cụm công nghiệp nằm trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, thành phố đã đầu tư 12 nhà máy và đang tiếp tục đầu tư 17 trạm xử lý… Dự kiến đến năm 2020, các dự án này sẽ hoàn thành, vận hành. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tích cực xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, đó là Trạm Kim Liên, Trúc Bạch, Hồ Tây, hồ Bảy Mẫu, Phú Đô, Nhà máy xử lý nước thải phía Tây sông Nhuệ…

Cùng với việc ngăn chặn nguồn thải, TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã duyệt 3 dự án làm sạch sông Nhuệ, sông Đáy với tổng mức đầu tư 5.670 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nạo vét sông Đáy từ Yên Nghĩa (Hà Đông) đến Ba Thá (Ứng Hòa); dự án chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức (Thạch Thất)…

Để thực hiện hiệu quả Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường ngày 24-8 vừa qua, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành cơ chế, chính sách liên quan tạo thuận lợi cho các địa phương có căn cứ pháp lý xử lý cơ sở vi phạm môi trường; đồng thời bổ sung ngân sách cho thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy…
Kim Văn/HNM
Bạn đang đọc bài viết Trả lại màu xanh cho sông Nhuệ, sông Đáy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.