Trấn Yên (Yên Bái): Triển khai mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn
Sáng 25/5, Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phối hợp với UBND xã Minh Quán tổ chức Hội nghị ra mắt mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ rác hữu cơ bằng ứng dụng công nghệ vi sinh theo mô hình thùng ủ tại thôn 8.
Đây là một trong hoạt động nằm trong Kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đối với hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên.
Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 17/3/2023 của UBND huyện Trấn Yên về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023; Công văn số 452/UBND-TNMT ngày 12/5/2021 của UBND huyện Trấn Yên về việc hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình đối với các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung trên địa bàn huyện.
Với mục tiêu trong năm 2023 có 100% tổ dân phố, các thôn tại thị trấn Cổ Phúc triển phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đến năm 2024, đạt 100% các thôn, bản của các xã, thị trấn thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã phối hợp với Phòng TNMT triển khai việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Cùng với đó đã mời Công ty cổ phần xây dựng An Bảo (Hải Phòng) về truyền thông hướng dẫn người dân ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, thông qua mô hình thùng ủ tại hộ gia đình tại tổ dân phố số 2, thị trấn Cổ Phúc. Sau một tháng triển khai đã mang lại hiệu quả.
Từ đó, để tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác thải tại nguồn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục tuyên truyền tới các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện.
Tại hội nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tuyên truyền tới người dân việc phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết và bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Sau khi phân loại rác thải, các chất thải hữu cơ có thể phân huỷ như: Vỏ rau củ quả, trái cây, thực phẩm, thức ăn thừa... sẽ cho vào thùng ủ với men vi sinh, sau 15-20 ngày rác thải hữu cơ đó sẽ trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Từ đó, sẽ hạn chế được lượng rác thải ra môi trường, giảm được chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Mặt khác, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch.
Theo Báo TNMT