Thứ năm, 28/03/2024 22:40 (GMT+7)

Tranh chấp chung cư, người dân chịu thiệt

MTĐT -  Thứ hai, 29/07/2019 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thu phí bảo trì, công tác quản lý và vận hành, tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản trị với cư dân… đang là vấn đề “nóng” tại các diễn đàn nói về nhà chung cư hiện nay.

Tồn tại nhiều bất cập

Theo số liệu thống kê từ 40 địa phương đến cuối tháng 3/2019 cho thấy, cả nước hiện nay có tới 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư.

Tại Hà Nội, có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện; TP.HCM cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau; trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.

Thông thường những tranh chấp thường gặp nhất trong quản lý vận hành nhà chung cư chính là việc chậm bàn giao 2% kinh phí bảo trì tòa nhà, kèm theo đó là những tranh chấp về diện tích sở hữu chung – riêng trong tòa nhà, sử dụng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư…. Đây đều là những nguyên nhân phổ biến dẫn phát tranh chấp bùng nổ.

Tranh chấp kéo dài khiến chính cư dân là người chịu thiệt.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, có những ban quản trị hoạt động rất nhiệt tình, rất có trách nhiệm, đặt lợi ít cư dân lên trên hết và góp phần rất quan trọng cho công tác quản lý và sử dụng nhà ở chung cư hiệu quả. Có nhiều trường hợp chủ đầu tư, ban quản trị và chính quyền địa phương phải tiếp xúc, phải vận động, phải năn nỉ thì họ mới chịu làm.

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp rất khó khăn trong việc đi tìm ban quản trị mà không ai chịu làm, có những trường hợp chọn không được vì có nhiều người đăng ký, tranh chấp với nhau để được vào ban quản trị. Nhiều người tham gia ban quản trị mà động cơ không trong sáng, tham gia ban quản trị mà nhận thức không đúng về nhiệm vụ, vị trí, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật, đây là cơ chế tự quản mà trong điều kiện pháp luật chưa chặt chẽ.

“Phải thừa nhận một điều rằng là không ai được đào tạo làm ban quản trị, nên chúng ta không có nghề, nhưng luật pháp quy định rất rõ ban quản trị cần phải làm những gì. Do đó, vấn đề tranh chấp nằm ở chỗ năng lực ban quản trị chưa hoàn thiện”, ông Phúc nói.

Cư dân chịu thiệt

Là một cư dân sống trong chung cư có “nội chiến” về việc bầu chọn ban quản trị, chị Vũ Ngọc Tâm chia sẻ, sau khi ban quản trị chung cư được thành lập và vận hành, một số nhóm cư dân cho rằng, ban quản trị được bầu không đúng quy định, hoạt động thiếu trách nhiệm, thành viên ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đứng về phía cư dân… nên vận động chị ký vào đơn để họp hội nghị nhà chung cư, bầu lại ban quản trị mới.

“Cứ mỗi ngày đi làm về, chưa kịp nghỉ ngơi thì lại có nhóm người đến vận động tôi ký vào đơn đề nghị bãi nhiệm ban quản trị hiện tại và yêu cầu tổ chức họp hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị mới. Nhiều lúc tôi thấy rất phiền phức và mệt mỏi”, chị Tâm nói.

Lý giải cho mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt” này, một chuyên gia bất động sản cho biết, vấn đề này thực chất không có gì quá bất ngờ, bởi khi bầu ra Ban quản trị, cư dân không thể chắc chắn rằng những người này đều có chuyên môn quản lý, điều hành tốt, mà chỉ dựa trên sự tin tưởng là chính.

Từ đây, hàng loạt hệ lụy khác kéo theo như lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ không chuyên nghiệp,  không có năng lực giám sát dẫn đến “tiền mất tật mang”… Đó là chưa kể việc không minh bạch trong quản lý cũng là một trong những thực tế đang diễn ra tại không ít dự án chung cư.

Trong đó, có không ít cá nhân cơ hội, tham gia vào Ban quản trị nhằm mục đích trục lợi với vỏ bọc “vì lợi ích chung của cư dân”. Và như vậy, những lùm xùm tại các chung cư chưa biết ai đúng, ai sai, nhưng một điều chắc chắn rằng cư dân chính là người chịu thiệt. Bỏ ra số tiền lớn để sở hữu nơi an cư nhưng dường như những nơi đây chỉ cư mà không an.

BÌNH AN

Bạn đang đọc bài viết Tranh chấp chung cư, người dân chịu thiệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.