Thứ năm, 25/04/2024 19:46 (GMT+7)

Tranh luận về cái… mái che vỉa hè!

MTĐT -  Thứ ba, 28/03/2023 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu chuyện “vỉa hè là của ai?” đã nhiều chục năm tốn không ít giấy mực của bàn dân thiên hạ mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Có mỗi sự kiện dự định làm mái che cho người đi bộ trên vỉa hè mà đã tạo ra một cuộc tranh cãi nảy lửa không chỉ trên một số phương tiện truyền thông, trong đội ngũ các chuyên gia, các nhà quản lý về quy hoạch và kiến trúc đô thị mà còn cả trên những bàn cà phê, trà đá của những người dân bình thường.

Câu chuyện “vỉa hè là của ai?” đã nhiều chục năm tốn không ít giấy mực của bàn dân thiên hạ mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trong những tháng ra quân đầu năm 2023 này, việc TP Hà Nội quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn đang trở nên nóng bỏng, bởi vỉa hè đang là nguồn làm ăn sinh sống của hàng vạn gia đình nghèo khó.

Nay chính quyền thành phố nỗ lực dẹp những quán ăn vỉa hè, rồi những gánh hàng rong mà không để ý đến nồi cơm của những gia đình ấy vơi hay đầy thì quả là một chủ trương cần thiết nhưng chưa trọn vẹn.

Còn ở TP.HCM, “cuộc chiến” lập lại trất tự đô thị, kiên quyết xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cách đây 6 năm vẫn còn ghi đậm dấu ấn nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước hồi đó, và một hậu quả không đáng có đã xảy ra, đó là vị chỉ huy chiến dịch nguyên là Phó chủ tịch UBND quận 1 phải thôi chức và sau đó tự xin thôi việc.

Đấy, lo cái vỉa hè cho người đi bộ đã nan giải như thế, vậy mà mới đây lại có tin, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) thì quả là một chủ trương “chu đáo toàn tập”, bởi không những vỉa hè ở con đường này đã rộng 5-6 m mà nay lại được đầu tư nhiều chục tỷ đồng để làm mái che cho người đi bộ nữa thì thật chu đáo đến hoàn hảo.

Tuy nhiên, tranh luận nổ ra không như nhiều dự án khác thường là liên quan đến việc lãng phí đầu tư công mà là tính hợp lý của nó. Một khi sáng kiến của một cơ quan hàng đầu về kiến trúc đô thị của thành phố nêu ra đều phải có cái lý của nó, tức là cái mái che ấy sẽ có nhiều tính ưu việt, không chỉ che nắng che mưa cho khách bộ hành mà còn làm tăng thêm mỹ quan đô thị ở một đường phố rộng và đẹp vào hàng bậc nhất của Sài Gòn.

Thật ra, trên thế giới, mái che cho người đi bộ có rất nhiều và có nhiều thiết kế cực đẹp. Tại đường Lê Lợi của TP.HCM, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng, giao thông thông thoáng.

Tuy vỉa hè khá rộng nhưng hiện trạng tuyến đường không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy, việc đề xuất giải pháp lắp mái che vừa che nắng che mưa, vừa được cho rằng sẽ tạo không gian đi bộ thuận lợi cho một khu vực thương mại - dịch vụ sầm uất.

Sau đây là ý kiến của bên ủng hộ được đăng trên báo Tuổi trẻ. Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM - cho rằng việc lắp đặt mái che ở tuyến đường Lê Lợi là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông, với thời tiết nắng nóng và mưa bất chợt như ở TP.HCM, việc lắp đặt mái che rất hữu ích, người dân và du khách có thể đi bộ không kể nắng mưa. Với cái nắng gắt như hiện nay tại TP.HCM, mái che sẽ giảm bớt cái nắng nóng, người dân cũng đỡ mất sức hơn khi đi bộ. Nếu trồng thêm cây xanh có thể sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của nhà ga metro bên dưới.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng cần những phân tích, tư liệu, số liệu chính xác mới có thể đánh giá lợi ích, cũng như hệ quả mang lại. Ông chia sẻ: "Khi thành phố lắp mái che xong, theo tôi, không quá lo các vấn đề về bán hàng rong tại vỉa hè hay người vô gia cư ngủ lại. Vì đây là con đường lớn, thành phố nên có cơ quan quản lý, tránh việc nhếch nhác lộn xộn diễn ra".

Tuy nhiên, bên canh đó là ý kiến phản đối và cho rằng nên trồng lại cây xanh trả lại cho con đường này mới là phương án gốc rễ. TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng chưa thực sự cần lắp thêm mái che cho tuyến đường Lê Lợi. Ông nhận định: "Nếu không gian nhỏ thì trồng cây nhỏ, không gian lớn thì trồng cây lớn. Chỉ 3 - 4 năm là đã có được bóng mát và hàng cây xanh trong khu đô thị rồi. Hiện nay, ban công nhà, sân thượng nhiều người còn trồng cây xanh được thì một vỉa hè rộng tại sao lại không?".

Chia sẻ về ý kiến lo sợ rễ cây ảnh hưởng đến các công trình khác, TS Cương gợi ý: "Việc chọn loại cây, đánh giá độ sâu của rễ sẽ có các kỹ thuật viên đánh giá. Có thể sử dụng các loại bồn thấp. Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5 m như đường Lê Lợi thì việc trồng các loại cây cao 2-6 m như cây bằng lăng, cây móng bò... là hoàn toàn có thể".

Ý kiến tranh luận còn khá nhiều nhưng theo kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ Online từ 12h đến chiều 26/3 cho thấy, có hơn 78% bạn đọc bình chọn phương án không làm mái che, chỉ có 21,5% ủng hộ làm mái che và 0,4% có ý kiến khác.

Thế là đã rõ, cũng là đồng tiền chi ra, cái gì liên quan đến lâu bền và thân thiện với môi trường thường được nhiều người ủng hộ.

Bạn đang đọc bài viết Tranh luận về cái… mái che vỉa hè!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Linh Anh/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng