Thứ sáu, 29/03/2024 06:22 (GMT+7)

Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới'

MTĐT -  Thứ sáu, 29/01/2021 10:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa người dân vùng nông thôn với thành thị.

Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh"1. Xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người nông dân. Trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mục tiêu: "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường".

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu chung: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các mục tiêu cụ thể được xác định, đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28,0%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên: 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%). Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 13,8; Đồng bằng sông Hồng: 18,0; Bắc Trung Bộ: 16,5; Duyên hải Nam Trung Bộ: 16,5; Tây Nguyên: 15,2; Đông Nam Bộ: 17,5; Đồng bằng sông Cửu Long: 16,6); Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; Tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Với trách nhiệm đoàn kết, tập hợp, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền cho nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận động nhân dân tham gia hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, tại Hội nghị lần thứ ba, khóa VII, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bàn và đề ra nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện, trong đó xác định giải pháp để Mặt trận tham gia xây dựng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là việc thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, trực tiếp là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa các yêu cầu, nhiệm vụ góp phần xây dựng nông thôn mới vào nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kết quả đạt được thể hiện qua các nội dung:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thứ hai, thường xuyên vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", vận động các nguồn lực đóng góp từ nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (như hiến đất làm đường, xây dựng các công trình dân sinh nông thôn...). Thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới), Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phương thức làm ăn mới, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển sản xuất, chia sẻ thành công. Thông qua thực hiện quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội, trong 10 năm (2009-2019), quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp đã vận động được 12.933 tỷ đồng; vận động an sinh xã hội được 41.828 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa được 818.066 nhà Đại đoàn kết. Qua đó tạo thêm nguồn lực giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở, ổn định cuộc sống. Công tác cứu trợ được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm thực hiện kịp thời. Hàng năm, khi thiên tai bão lũ xảy ra, đối với những đợt thiên tai nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi vận động ủng hộ; kịp thời đi thăm hỏi, động viên, cứu trợ trực tiếp đến địa phương và nhân dân vùng bị thiệt hại, giúp họ ổn định cuộc sống. Cũng trong 10 năm qua, Ban Cứu trợ các cấp đã vận động phân bổ giúp đỡ hàng nghìn tỷ đồng giúp đỡ các địa phương và người dân bị thiên tai (riêng Quỹ Cứu trợ Trung ương vận động tiếp nhận được 240,748 tỷ đồng, phân bổ 185,948 tỷ đồng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra).

Cùng đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động nhân dân nỗ lực thực hiện tiêu chí về môi trường. Bằng các mô hình, Mặt trận đã hướng dẫn nhân dân thực hiện các nội dung, như: phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải đúng quy định, tham gia các hoạt động phát quang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa ven đường... xây dựng môi trường sống ở nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Ngoài ra, Mặt trận đã thường xuyên tuyên truyền các quy định pháp luật cho nhân dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; thông qua tổ hòa giải cơ sở, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã hỗ trợ nhân dân giải quyết các bất hòa trong cộng đồng, xây dựng khu dân cư hòa thuận, đoàn kết...

Thứ ba, Mặt trận các cấp đã hướng dẫn nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc giám sát các nội dung, dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn. Khi có Quy chế Giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát được thực hiện hiệu quả hơn. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xác định nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các chính sách, dự án trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận đã giúp Chính phủ, chính quyền và ngành chức năng điều chỉnh các nội dung và chính sách trong xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách phù hợp hơn và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các hoạt động giám sát trong nông nghiệp, nông thôn nổi bật như: giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giám sát bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư; giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá, giống, vốn, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; giám sát xây dựng các công trình dân sinh; bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo; xây dựng và quản lý quỹ hỗ trợ nông dân. Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, chủ động đăng ký với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia giám sát trong xây dựng nông thôn mới, như: thực hiện các công trình phúc lợi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế hỗ trợ và huy động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa... Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ, người dân nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập với cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến đề xuất vào dự thảo các văn bản của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành về các chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tham gia góp ý vào các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội ban hành, tham gia góp ý vào một số cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn2. Thông qua các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp và kiến nghị những nội dung sát hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 122/HD-MTTW-BTT ngày 29/1/2019 (thay thế Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT ngày 24/4/2017) về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã; xây dựng phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân. Việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Việc thực hiện này bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp ý kiến người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc các cấp là một trong những căn cứ quan trọng, cần thiết để Hội đồng thẩm định nông thôn mới các cấp xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của xã, huyện.

Thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” đã góp phần tích cực trong việc xây dựng và làm thay đổi diện mạo nông thôn của cả nước. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Mặt trận Tổ quốc đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, từ đó phát huy được nội lực, thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc đã góp phần làm cho các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hỗ trợ nông dân ngày càng hiệu quả, chất lượng, đáp ứng được mong đợi của nhân dân.

Một số vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vẫn còn những hạn chế nhất định. Kết cấu hạ tầng nông thôn tuy đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn chưa bền vững; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng so với nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn ở nhiều nơi vẫn còn thấp, sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo tại một số xã miền núi vẫn còn cao, số hộ tái nghèo sau từng năm chiếm tỷ lệ khá cao so với hộ thoát nghèo.

Việc huy động nguồn lực trong nhân dân đang còn nhiều ý kiến khác nhau nhất là ở các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Một số kết quả đạt được về cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện, kết quả về sản xuất, thu nhập, văn hoá, xã hội, môi trường còn chưa thật vững chắc. Sản xuất vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ lớn, đời sống văn hoá thấp. Tính liên kết của các quy hoạch chung cấp xã trên địa bàn huyện, liên huyện còn thấp. Kết nối giao thông giữa các xã trong huyện, giữa xã với khu vực đô thị còn nhiều bất cập. Chưa gắn với quy hoạch phát triển đô thị (theo Quyết định số 676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ): tính liên kết vùng trong tổ chức sản xuất; quy hoạch chi tiết trung tâm xã, các điểm dân cư nông thôn mới… Cảnh quan, môi trường nông thôn sạch, thoáng nhưng tình trạng “đồng bằng hóa miền núi, đô thị hóa nông thôn, bê tông hóa làng quê” đang diễn ra phổ biến, kiến trúc nông thôn đang mất dần tính sinh thái, bản sắc văn hóa truyền thống. Công trình kiến trúc nhà ở còn lộn xộn, chưa định hình rõ những nét đặc trưng, truyền thống của khu vực nông thôn. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp. Xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn chưa căn cơ, thiếu nguồn lực, giải pháp đồng bộ…

Những hạn chế trên do nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp (nhất là ở cơ sở) và người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ; chưa hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tất yếu đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở một số nơi còn cầm chừng, hình thức, chưa huy động được sức mạnh toàn dân. Phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân chậm đổi mới so với yêu cầu phát triển. Vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở.

Các giải pháp thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo tự quản của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục vận động nguồn lực xã hội để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống người dân đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

Từ thực tiễn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thể hiện sự đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở địa bàn nông thôn.

Để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo tự quản của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, qua việc triển khai nội dung “Đoàn kết phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Mặt trận từng cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể để vận động nguồn lực thông qua quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội, nhằm thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống người dân; xây dựng các mô hình hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm phát huy thực chất hơn vai trò chủ thể của người dân trong giám sát tại cộng đồng.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy trách nhiệm trong việc tổ chức phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án… về xây dựng nông thôn mới; những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phản ánh khách quan, thực chất ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương; kịp thời phản ánh và giám sát việc giải quyết những kiến nghị của người dân về kết quả nông thôn mới của chính quyền các cấp.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc với các ngành liên quan đảm bảo cơ chế cung cấp thông tin hai chiều (các cơ quan cung cấp thông tin về các dự án, chương trình để Mặt trận có cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia và thực hiện trách nhiệm giám sát; Mặt trận phản ánh tình hình nhân dân để các cơ quan có biện pháp giải quyết, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân); phát huy trách nhiệm chủ trì phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên trong thực hiện các nội dung cuộc vận động đảm bảo tính hiệu quả, cụ thể.

Trương Thị Ngọc Ánh

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Theo Tapchimattran.vn

Bạn đang đọc bài viết Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.