Thứ bảy, 20/04/2024 09:23 (GMT+7)

Triển khai dự án bảo tồn 3 loài động vật hoang dã tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ tư, 15/02/2023 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quỹ Bảo tồn loài (SCF) đã công bố tài trợ khoản kinh phí 150.000 USD để triển khai 3 dự án bảo tồn 3 loài hoang dã nguy cấp tại Việt Nam là vượn má trắng, chà vá chân xám và cá chạch suối.

Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam vừa phát đi thông báo công bố khoản tài trợ 150.000 USD từ Quỹ Bảo tồn loài (SCF) thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, cho các dự án bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ tại Việt Nam.

Theo báo VietnamPlus đưa tin, vào chiều 14/2, đại diện WWF-Việt Nam cho biết các loài hoang dã cần ưu tiên bảo vệ gồm vượn má trắng, chà vá chân xám và cá chạch suối.

Trong đó, Trung tâm Con người và Thiên nhiên sẽ triển khai Dự án “Hiện trạng và bảo tồn cá chạch suối cực kỳ nguy cấp ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên-Huế".

tm-img-alt
Theo các chuyên gia, cá chạch suối được mô tả lần đầu tiên bởi nhà động vật học Valenciennes năm 1846 tại Thừa Lưu (Thừa Thiên - Huế). Kể từ đó đến nay vẫn chưa phát hiện lại loài cá nước ngọt này ở Việt Nam cũng như hiện trạng quần thể của chúng ngoài tự nhiên. Các nhà khoa học đánh giá quần thể của loài này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh: Wikipedia

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển nhận được tài trở để triển khai Dự án: “Bảo tồn Vượn má trắng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh,” nhằm đóng góp cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cũng như hỗ trợ chương trình điều tra và giám sát hiệu quả; thu hút sự quan tâm nhiều hơn của tất cả các bên liên quan đến công tác bảo tồn loài vượn má trắng cực kỳ nguy cấp ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

tm-img-alt
Vượn má trắng đực (ảnh trái) và cái (ảnh phải) là loài đặc hữu của Đông Nam Á. Đây là một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, hiện chỉ còn tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam và Bắc Lào. Vượn má trắng được xếp vào nhóm I trong danh mục động vật rừng nguy cấp, nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Ảnh: Wikipedia

Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh triển khai Dự án “Bảo tồn chà vá chân xám ở Vườn Quốc gia Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam.” Trong 12 tháng tới, dự án sẽ phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh tiến hành tổng điều tra quần thể và phân bố của loài chà vá chân xám; hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ loài và xây dựng kế hoạch 5 năm bảo tồn loài chà vá chân xám.

tm-img-alt
Chà vá chân xám hay voọc chà vá là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, Việt Nam. Chà vá chân xám nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) và là 1 trong "25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới". Ảnh: GreenViet

Trước đó, tháng 6/2022, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam đã ra mắt Quỹ Bảo tồn loài với tổng kinh phí 1,4 triệu USD (tương đương khoảng 38 tỷ đồng) với mục đích hỗ trợ các sáng kiến bảo tồn một hoặc nhiều loài ưu tiên ở 21 vườn quốc gia, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên thuộc 7 tỉnh dự án của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học USAID, bao gồm: Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Cụ thể, Quỹ Bảo tồn loài sẽ hỗ trợ các tổ chức địa phương và các tổ chức nghiên cứu, triển khai các hoạt động góp phần bảo tồn các loài hoang dã quan trọng tại thực địa. Đặc biệt, quỹ này sẽ cấp các gói tài trợ nhỏ, quy mô từ 20.000-50.000 USD, để thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo tồn loài trong khoảng thời gian từ 1-1,5 năm.

Chia sẻ về lần đầu tiên các tổ chức tại nước ta được tiếp cận nguồn vốn đặc biệt này, ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC), Phó trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sự tham gia của các đơn vị nhận được tài trợ của Quỹ bảo tồn loài (SCF) sẽ góp phần phát huy hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong Vườn Quốc gia tại các địa phương trên cả nước.

Quỹ Bảo tồn Loài (SCF) là một phần của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được khởi xướng bởi WWF-Việt Nam và các đối tác. Quỹ ra đời năm 2022 với mục tiêu tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam thông qua sự tham gia của các tổ chức địa phương.

Cụ thể, Quỹ sẽ tài trợ để tạo cơ hội cho các tổ chức địa phương và các tổ chức nghiên cứu thực hiện các hoạt động góp phần bảo tồn các loài ưu tiên trên thực địa. Với chương trình tài trợ này, các tổ chức địa phương sẽ tiến hành các dự án từ 1 - 1,5 năm để tăng cường năng lực của họ trong công tác bảo tồn các loài bị đe dọa toàn cầu.

Vĩnh Hải (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Triển khai dự án bảo tồn 3 loài động vật hoang dã tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam