Thứ năm, 25/04/2024 12:08 (GMT+7)

Triển vọng phục hồi kinh tế gặp nhiều thách thức

MTĐT -  Thứ hai, 16/08/2021 11:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kiểm soát tình hình dịch bệnh bằng giãn cách, vaccine và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn là “chiến thuật” cho tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới...

Với diễn biến phức tạp, lan rộng và kéo dài của đợt dịch Covid-19 thứ tư, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 được nhiều tổ chức điều chỉnh giảm. Kiểm soát tình hình dịch bệnh bằng giãn cách, vaccine và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn là “chiến thuật” cho tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới...

Đầu tư công vẫn là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh khó khăn như hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng

Trước sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong tháng 7/2021 tăng hơn 30%, nhiều doanh nghiệp bắt đầu “đuối sức” khi phải thực hiện “1 cung đường, 2 điểm dừng" hay "3 tại chỗ” trong hơn 1 tháng triển khai. Vì vậy, nhiều tổ chức đã điều chỉnh hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế giảm sút

Báo cáo vĩ mô được Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố đầu tháng 8/2021 hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 4,0%. Đây là mức điều chỉnh khá mạnh so với mức dự báo 5,6% được đưa ra trước đó khi loạt chỉ tiêu sản xuất, tiêu dùng và đầu tư ước tính giảm mạnh.

“Việc điều chỉnh dự báo của VDSC phản ánh tác động của các chính sách thắt chặt với nhiều hoạt động trong nước, năng lực sản xuất cũng như ảnh hưởng của việc nâng cao các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19”, báo cáo nêu rõ.

Cụ thể, dịch bệnh đang tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế, đặc biệt là khu vực sản xuất, chế biến - khu vực đóng góp tới hơn 70% GDP quốc gia. Trong đó, VDSC ước tính ít nhất 70% doanh nghiệp sản xuất ở miền Nam phải trì hoãn sản xuất ngay khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ngoài ra, do các công ty/doanh nghiệp buộc phải hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm dừng” và kiểm soát dịch chặt chẽ đẩy chi phí vận hành tăng khiến hoạt động sản xuất bị giảm 40-50% công suất.

Thậm chí, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hết sức phức tạp như hiện nay, VDSC cho rằng nếu phải tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt chặt hoạt động sản xuất phòng chống dịch sau tháng 8/2021, VDSC cho biết công ty có thể sẽ phải tiếp tục hạ tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 trong báo cáo cập nhật sắp tới. Đặc biệt, trong quý 4/2021, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hoạt động kinh tế sẽ phục hồi ở mức thấp, nhất là ở những lĩnh vực du lịch, lữ hành và bán lẻ.

Tương tự như VDSC, Standard Chartered và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng bày tỏ lo ngại về diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam gần đây và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 lần lượt ở mức 0,2 và 0,9 điểm phần trăm so với trước đó.

Cụ thể, Standard Chartered đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5%, giảm nhẹ so với mức dự báo 6,7% được đưa ra trước đó. Trong đó, ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu làn sóng dịch Covid-19 hiện tại kéo dài.

“Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế trong nước khi lĩnh vực du lịch bị co hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu. Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục”, Standard Chartered nhận định và cho rằng “Khả năng kiểm soát dịch sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn”.

Trong khi đó, phía ADB tỏ ra thận trọng hơn khi hạ dự báo GDP Việt Nam xuống còn 5,8% từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4/2021. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm và áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước gây ảnh hưởng đến lưu thông thương mại, hạn chế các hoạt động kinh tế.

Thậm chí, chuyên gia Võ Trí Thành còn cho rằng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cần xây dựng thêm kịch bản tăng trưởng kinh tế với việc kéo dài thời hạn kiểm soát dịch bệnh so với dự báo tháng 8/2021 và tháng 10/2021 được CIEM đưa ra trước đó.

Khó khăn còn kéo dài sang năm 2022

Do khả năng các làn sóng Delta và các biến thể mới chưa biết bao giờ mới kết thúc, do đó, VDSC cho rằng sự phục hồi sẽ còn khó khăn không chỉ trong 2021 mà cả 2022. Khi 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng mới cho phép hầu hết các ngành kinh tế mở cửa trở lại, việc lưu thông giữa các tỉnh được tiếp tục và nới lỏng hơn đối với các hoạt động xã hội. “Vì vậy, để quay trở lại tình trạng bình thường mới, vấn đề mấu chốt của Việt Nam lúc này là phải đẩy nhanh tiêm chủng và kiểm soát được dịch trong thời gian sớm nhất có thể”, VDSC khuyến nghị.

Để nền kinh tế sớm quay trở lại tình trạng “bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã đề xuất 2 nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. “Trong đó, vấn đề quan trọng là phải duy trì “sức khỏe” cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các giải pháp hỗ trợ sức chống chịu như miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… và đặc biệt là tránh gây đổ vỡ chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa sản xuất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định ưu tiên số 1 lúc này là chống dịch. “Chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, chống dịch không thành công thì gặp khó khăn nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân”, Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, coi đây là một động lực tăng trưởng kinh tế, thực hiện bằng mọi biện pháp và dứt khoát không để dây dưa, kéo dài, dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung khắc phục, giải quyết các khó khăn, các điểm yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp đang có chiều hướng giảm; chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh; sản lượng thủy sản tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm; cán cân thương mại 7 tháng ước nhập siêu; sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương dịch bùng phát và trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội.

Vì vậy, để giảm thiểu những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và đưa nền kinh tế hoạt động trở lại, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới.

Thứ nhất, cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa.

Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ.

Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này.

Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” gây khó thêm cho doanh nghiệp./.

Theo Anh Nhi/vneconomy

Bạn đang đọc bài viết Triển vọng phục hồi kinh tế gặp nhiều thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới