Thứ sáu, 29/03/2024 07:58 (GMT+7)

Trồng mai vàng – Nghề lắm công phu

Nguyên Vương -  Thứ hai, 01/02/2021 08:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu như sắc đỏ hoa đào là biểu tượng mùa xuân ở miền Bắc thì hoa mai với sắc vàng tươi thắm là loài hoa đặc trưng của miền Nam mà xưa nay hầu hết gia đình nào cũng muốn có mỗi độ Tết đến, Xuân về...

Mang trên mình màu vàng của nắng mới cùng hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ loài hoa này đã làm say đắm biết bao nhà thơ, hóa thành những hồn thơ dạt dào cảm xúc những nét vui, buồn của cuộc sống…Nhà thơ Lê Viết Tư từng viết về loài hoa này: “Nhớ tuốt lá cho mai về kịp Tết, kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương”, có thể thấy ý nghĩa của loài hoa mai trong cái Tết của người dân Nam Bộ và thể hiện được sự thú vị trong sự kỳ công của nghệ thuật chăm sóc cây mai vàng.

Chỉ có yêu hoa mới làm được!

Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Ba ngụ ấp Nhất, xã Thạnh Hoà, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ông Ba là một trong những người yêu và nặng tình với hoa mai vàng. Hiện tại ông đang sở hữu hơn 500 gốc mai vàng, có giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Ông cho biết, khởi nguyên cây mai vàng là loài cây rừng có sức sống rất mạnh mẽ, vì thấy sắc hoa đẹp và tên gọi hay nên ngày càng nhiều người yêu thích và nhân giống về trồng trong gia đình mình. Đối với thú chơi loại cây này có rất nhiều trường phái nhưng cơ bản có 2 loại chính là: Trồng mai lấy hoa và trồng mai thế.

Những người trồng mai lấy hoa mỗi dịp Tết thì không khó khăn lắm, chỉ cần chọn cây giống tốt và chăm sóc cơ bản là đã có thể sở hữu một chậu hoa mai vàng trong mấy ngày xuân. Riêng trồng mai thế khó khăn hơn nhiều vì cần phải chọn “đế”, “thân”, “cành”, “nụ”… Trong mai thế lại chia thành 2 trường phái là: Cổ điển và cách tân. Cổ điển gồm 5 thế chính: Trực, nghiêng, xiên, ngã, đổ mỗi thế mang một hàm ý và giá trị ẩn dụ sâu sắc. Đối với trường phái cách tân có thể dựa theo các thế cơ bản trên biến tấu (như lưỡng long tranh châu, nhất trụ kình thiên, trực quân tử liên chi, hàng long phục hổ…) hoặc sử dụng thế của kiểng Nam Bộ vẫn được (như: tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, nhân lễ nghĩa trí tín…). Mỗi cây mai thế là một tác phẩm mà từ chính gốc cây thô ráp người nghệ nhân thổi hồn vào để nó sinh động và tự nhiên nhất, ở đó nó thể hiện được các giá trị cốt lõi mà người chơi muốn gởi đến khách thưởng lãm, đồng thời qua đó người xem cũng có thể hiểu được tính cách, cái nét riêng của từng người nghệ nhân.

Cây mai sau khi chưng Tết phải đem ra nơi có bóng râm, tỉa lại cành theo sở thích, nếu cây ra rễ nhiều thì phải cắt bớt rễ và thay chậu mới đồng thời phải bón phân kích thích ra rễ cho cây khoẻ. Thường xuyên theo dõi và bón phân hữu cơ trong suốt quá trình phục hồi và dưỡng sức cho đến Tết năm sau. Mỗi giai đoạn trong năm đều có chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc riêng, sau cùng là thời điểm tuốt lá mai cũng phải thật hợp lý, vì thời tiết mỗi năm không giống nhau. Điều này người chăm sóc phải có kinh nghiệm tính toán sao cho cây ra hoa vào những ngày đầu năm.

Thời tiết cuối năm chợt “đỏng đảnh” se lạnh khiến nhiều chủ vườn mai đang lo lắng vì có những cây mai cũng đã tự ra hoa, làm ảnh hưởng đến vụ hoa Tết.

Chia sẻ với chúng tôi anh Hà, chủ vườn mai hơn 300 gốc mai cũng lắt đầu lo lắng với thời tiết của những năm gần đây, anh Hà tâm sự: “Vài năm gần đây do mưa nắng thất thường nên vườn mai của tôi có khi đến tháng 11 âm lịch là ra hoa vài cây, tuy đã chăm sóc rất cẩn thận nhưng không tránh khỏi việc mai ra hoa sớm”.

Từ đam mê tạo ra hướng làm kinh tế mới!

Khi hỏi nói đến việc kinh tế để chăm sóc mai thì anh Hà chia sẻ: Lúc đầu chơi vì sự đam mê, thích sưu tầm và tạo dáng cho mai, khi bạn bè đến vườn mai tham quan thấy thích nên ngõ ý mua lại để về nhà chưng chơi vì thích cách tạo hình trên cây. Mình chỉ nghĩ đơn giản là để lại cho anh em, bạn bè chơi nên cũng không có suy nghĩ nhiều về vấn đề lời lỗ. Một thời gian sau lại có nhiều người tìm đến vườn mai của mình hỏi mua, lúc đó cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng cảm thấy nếu chỉ vì đam mê không thì lấy gì để nuôi dưỡng cho sự đam mê và kinh tế gia đình, từ đó tôi cũng quyết định hướng đi mới là tạo hình cây mai bán ra thị trường.

Theo anh Hà, muốn tạo hình thành công thì cũng mất tầm 3 năm trở lên mới được những hình ưng ý, nói đến vốn đầu tư thì khong thể tính ra được vì khi nào gặp cây mình thích thì cứ mua vô, sau vài năm dưỡng, tạo hình hoàn chỉnh thì bán ra với giá từ 3 đến 4 lần mua vào. Tuy thấy giá trị thu vào cao nhưng phải bỏ ra công chăm sóc đến vài năm nên tính các chi phí lại cũng không còn lãi nhiều.

 Còn ông Nguyễn Văn Ba thì cho rằng, “nghề” này chỉ khi nào nghỉ chơi mới biết được lời hay lỗ vì cứ còn đam mê, còn thích là đi đâu mà gặp gốc mai ưng ý thì nhất định trả giá mua cho bằng được mới thôi. “Có cây tôi mua đến cả trăm triệu đồng nhưng khi có người ngỏ ý muốn mua lại tôi cũng không muốn bán vì cảm thấy thích nó nên cứ để lại chăm sóc” ông Ba tâm sự.

Hoa Mai vàng không ngạt ngào hương sắc như bao loài hoa khác, nhưng chính đặc tính sống của loài hoa này cũng giống như ý chí mạnh mẽ của cha ông thời khai hoang mở đất, và trong suốt quá trình dài lịch sử ấy loài hoa mai vàng đã dần mang đủ hương, sắc, ý trọn vẹn trong nét văn hóa Tết của con người Nam Bộ. Để khi Tết đến xuân về, mỗi nhà đều có cho mình những cành hoa tươi sắc để dâng lên tổ tiên, trang trí trong nhà hoặc dành tặng nhau như một lời nguyện cầu một năm mới nhiều điều như ý, tốt đẹp.

Bạn đang đọc bài viết Trồng mai vàng – Nghề lắm công phu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.