Trung Quốc: Hô biến mỏ than ngập nước thành trang trại năng lượng nặt trời khổng lồ
Trong một nỗ lực đáng chú ý nhằm cải thiện môi trường, Trung Quốc đã biến một mỏ than cũ bị ngập nước thành trang trại năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới với diện tích tương đương hơn 400 sân bóng đá.
Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự chuyển mình từ "kẻ" gây ô nhiễm sang "người" bảo vệ môi trường của các mỏ than.
Dù công nghệ năng lượng mặt trời nổi không còn mới mẻ và đã được áp dụng tại Nhật Bản, Israel và Anh, Trung Quốc vẫn dẫn đầu thế giới về quy mô triển khai. Theo các chuyên gia, hệ thống năng lượng mặt trời nổi trên mặt nước có nhiều lợi ích vượt trội. Nhiệt độ nước thấp giúp tăng hiệu suất lên đến 10%, các tấm pin luôn sạch sẽ do không bị bụi bẩn bám, và dễ dàng vệ sinh, giảm thiểu chất thải.
Khi lắp đặt trên các hồ chứa nước, các tấm pin mặt trời còn giúp giảm sự bốc hơi nước, tận dụng những khu vực mặt nước không sử dụng với chi phí rẻ hơn. Thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, nơi được biết đến với trữ lượng than đá dồi dào nhưng cũng dễ gặp lũ lụt do mưa lớn, đã được chọn để xây dựng trang trại năng lượng mặt trời này. Nước tại một số khu vực có thể sâu từ 4-10 mét, khiến đây trở thành địa điểm lý tưởng cho dự án.
Dự án điện mặt trời nổi tại tỉnh An Huy có diện tích 800.000 m², tương đương hơn 400 sân bóng đá, và có công suất 40 megawatt (MW), đủ để cung cấp năng lượng sạch cho 15.000 hộ gia đình. Dự án do Sungrow Power Supply phát triển và sở hữu, bắt đầu vận hành vào tháng 5/2017.
Hệ thống phao được bố trí cách xa mép hồ 200-300 mét để tránh ảnh hưởng khi mực nước xuống thấp. Bên dưới mặt nước, hơn 1.000 cọc bê tông làm trụ đỡ, giữ cho hệ thống phao ổn định. Theo đơn vị vận hành, dự án này không chỉ tận dụng tối đa khu vực mặt nước bỏ không, giảm nhu cầu về đất, mà còn tăng sản lượng điện sạch, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường.
Tùng Lâm