Thứ năm, 28/03/2024 16:24 (GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt làm gì để đón sóng

MTĐT -  Thứ năm, 04/05/2017 13:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Nguyễn Trung Chính - PCT Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, CMC mong muốn được chia sẻ và hợp lực cùng tất cả các DN Việt tận dụng mọi cơ hội hiện có để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Buộc phải bắt kịp nếu không muốn bị đào thải
Theo ông Lê Chí Dũng – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo CMC: DN Việt  Nam quyết không bỏ lỡ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Sau khi đặt ra những vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 qua những đặc trưng, xu thế và thực trạng, CMC đúc kết những cơ hội và thách thức đối với các DN nói chung. Đó là, cơ hội cải tiến phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ, cơ hội cho các ngành nghề truyền thống như nông nghiệp, giao thông… trở nên thông minh hơn, cơ hội hình thành những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó là các thách thức khi buộc phải thu hẹp và đào thải các DN chậm đổi mới công nghệ; những thách thức từ vấn đề thay đổi thị trường lao động, an ninh an toàn thông tin, thay đổi lối sống…
Chia sẻ về mô hình sáng tạo của CMC và sứ mệnh của tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) top 2 tại Việt Nam, ông Dũng nhấn mạnh, CMC xác định sứ mệnh hỗ trợ khách hàng là Chính phủ, DN và người dùng trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, góp phần nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và cải thiện năng lực cạnh tranh. Đồng thời thông tin, các định hướng nghiên cứu được CMC đầu tư trong giai đoạn sắp tới là các giải pháp an ninh bảo mật trong môi trường Mạng lưới thiết bị kết nối Internet và Điện toán đám mây (IoT & Cloud), giải pháp ứng dụng IoT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo BigData/AI, ứng dụng robot trong sản xuất và cung cấp dịch vụ. “Đây đều là những ứng dụng vô cùng thiết thực, được nhiều DN quan tâm hưởng ứng” – ông Dũng cho biết.
Cuộc cách mạng về hạ tầng công nghệ
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 mới đây, CMC nói riêng và các DN tư nhân Việt Nam nói chung đều thể hiện rõ tinh thần nỗ lực sáng tạo, đối mới, tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển DN của mình hơn nữa, từ đó đóng góp không ngừng vào sự lớn mạnh của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng như nền kinh tế đất nước.
Một cuộc khảo sát về quan điểm với cuộc CMCN 4.0 được Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội vừa thực hiện với 2.000 hội viên chính thức tại 19 chi hội, câu lạc bộ trực thuộc cho thấy, có trên 85% đại diện DN tham gia cuộc khảo sát tại Hà Nội thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng này. Trong đó, 55% DN Việt Nam đánh giá cuộc CMCN 4.0 có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động, 6% không biết.
Tuy nhiên, về chiến lược có đến 79% DN được khảo sát trả lời rằng họ chưa làm gì để đón sóng cuộc CMCN 4.0; 55% DN cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu; 19% DN đã xây dựng kế hoạch; chỉ có 12% DN đang triển khai.
Theo ông Dũng, hiện tại có tình trạng chỗ nào cũng nói đến CMCN 4.0 nhưng không biết phải làm gì. Tạm gác lại quy mô thay đổi ở tầm quốc gia thì với các DN để thích ứng với cuộc CMCN 4.0 cần phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng CNTT. Cần quy trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của DN, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn, từ đó mới áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của IoT, Cloud, robot.
Đặc biệt, các DN CNTT và viễn thông có sứ mệnh vô cùng quan trọng trong hỗ trợ các DN trong nước chuyển đổi nhanh chóng để bắt kịp cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp tổng thể về CNTT và viễn thông, DN CNTT Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu các ứng dụng mới theo các xu thế tất yếu của công nghệ như: Xu thế Cloud, IoT, xu thế kết nối (IoS), xu thế dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu, xu thế trí tuệ thông minh (AI), xu thế in 3D, xu thế bảo mật, xu thế thực tại ảo…
Mục tiêu cao nhất của các DN CNTT, trong đó có CMC là giúp cho sức cạnh tranh của các DN Việt được duy trì và phát triển bởi các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn. Do sự thay đổi công nghệ sẽ diễn ra rất nhanh và đa dạng, nên cách thức vận hành của tổ chức CNTT phải đảm bảo cho sự sáng tạo cao nhất để kịp thời bắt nhịp, vươn lên phía trước và ở CMC đã và đang xây dựng trở thành một tổ chức học tập không ngừng.
Tại Lễ vinh danh các doanh nhân - DN tiêu biểu tại Diễn đàn, Tập đoàn Công nghệ CMC vinh dự nhận Giải thưởng "DN tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước". Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nhân - DN Việt Nam xuất sắc, ghi nhận những thành tích của các DN tư nhân xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

CMC là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với hơn 23 năm xây dựng và phát triển. Được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con với 10 công ty thành viên, liên doanh và viện nghiên cứu hoạt động tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. CMC đã khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và quốc tế thông qua những hoạt động kinh doanh chủ lực, gồm: Tích hợp hệ thống, viễn thông - internet, dịch vụ phần mềm và sản xuất - phân phối các sản phẩm CNTT và truyền thông (ICT).
Bạn đang đọc bài viết Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt làm gì để đón sóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới