Thứ sáu, 29/03/2024 21:30 (GMT+7)

Doanh nghiệp có thể phá sản vì thuế môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 16/02/2012 11:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), việc áp dụng Luật thuế Bảo vệ Môi trường có thể đẩy các doanh nghiệp nhựa vào tình thế phá sản.

Phá sản vì thuế?
 
Báo Đất Việt dẫn lời ông Phạm Trung Cang, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng, nêu trường hợp cụ thể sản phẩm bao bì đựng phân bón hai lớp (ngoài là PP và trong là PE dày) của công ty ông cũng bị đánh thuế vì có nhựa PE. Sản phẩm này xuất khẩu sang các nước Liên minh Châu Âu (EU) không phải chịu thuế trong khi bán nội địa lại chịu thuế. Đối tác là Công ty Phân bón Việt Nhật tuyên bố sẽ không mua bao bì của công ty nữa nếu giá tăng thêm 40.000 đồng/kg (vì phải cộng thêm thuế).

 
“Với cách hiểu của ngành thuế hiện nay, tất cả sản phẩm của công ty đều bị áp thuế với mức 40.000 đồng/kg. Nói thẳng ra, mấy anh thuế cứ thấy có chữ PE trong sản phẩm hoặc thấy sản phẩm có chữ bao bì là “quất” thuế thẳng thừng. Tôi cho rằng đây là một cách lạm thu thuế” - ông Cang nói trên Báo Tuổi Trẻ.

 
Cũng theo ông Cang, với công suất sản xuất 8.000 tấn bao bì/năm, số tiền thuế có thể lên đến 320 tỉ đồng. Và do bị đánh thuế nên công ty buộc phải tăng giá bao bì cung cấp cho một số công ty sản xuất phân bón, hóa phẩm. Kết quả là các doanh nghiệp này cho biết sẽ không mua bao bì của công ty ông nữa, thay vào đó sẽ nhập từ nước ngoài với giá thành rẻ hơn.

 
Thuế này khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng bao bì của doanh nghiệp trong nước để đóng gói có kế hoạch chuyển sang nhập khẩu bao bì với thuế gần bằng 0%, thay vì đặt mua từ các doanh nghiệp trong nước.

 
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Tiến Thành, cho biết do bị đánh thuế, chi phí tăng, giá thành sản phẩm của công ty tăng gấp đôi so với mặt hàng cùng chủng loại của Thái Lan, Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

 
“Liệu chúng tôi có tồn tại được không?” - ông Nguyễn Xuân Hùng băn khoăn hỏi.

 
Ông Nguyễn Xuân Tùng được Báo Đất Việt trích dẫn cho rằng không thế hiểu đơn giản là nếu chịu thuế, doanh nghiệp cứ việc cộng thêm thuế vào giá bán để cho người mua gánh chịu là xong. Trong khi đó, quy định của luật lại không rõ ràng, nếu doanh nghiệp xác định sản phẩm của mình không chịu thuế vẫn bán cho khách với giá cũ, đến khi cơ quan thuế bảo phải đóng thuế thì doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị truy thu thuế rất lớn. Mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 1.000 tấn hàng, nguy cơ bị truy thu 40 tỷ đồng sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình thế phá sản.

 
Thu thuế trước, nói chuyện sau
 
Theo ông Nguyễn Văn Khá, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tiến Hưng, sở dĩ có tình trạng ngành thuế “thu thuế trước, nói chuyện sau” với các doanh nghiệp sản xuất bao bì là do thông tư hướng dẫn của nghị định về Luật thuế bảo vệ môi trường chưa được đầy đủ, cụ thể và chính xác. Điều này dẫn đến cơ quan thuế ở từng địa phương hiểu khác nhau về nguyên liệu, tên gọi và quy cách sản phẩm nên cứ thu thuế triệt để. Đại diện một doanh nghiệp nhựa ở Q.Bình Tân cho hay Luật thuế Bảo vệ Môi trường nói ưu tiên những bao bì thân thiện môi trường không phải đóng thuế.

 
“Tôi đã gọi điện thoại tới Bộ Tài nguyên&Môi trường để hỏi cụ thể thế nào là thân thiện môi trường thì bộ cũng chưa trả lời cụ thể được tiêu chí đó là gì”, ông Khá chia sẻ trên Tuổi Trẻ, “Đến bộ mà trả lời như vậy thì làm sao ở dưới hiểu cho đúng để tính thuế.”

 
Các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa ủng hộ việc đóng thuế với mục đích bảo vệ môi trường, nhưng ông Lê Quang Doanh - Chủ tịch VPA – cho rằng “vấn đề ở chỗ việc áp dụng luật phải đúng đối tượng, thành phần và tiêu chí, không thể hiểu khác nhau rồi áp dụng không đúng”.

 
“Ngay cả mức thu thuế 30.000-40.000 đồng/kg cũng tạo nhiều bức xúc cho doanh nghiệp khi không có quy định cụ thể loại nào thì bị áp thuế 30.000 đồng/kg, loại nào chịu 40.000 đồng/kg”, ông Cang nói, “Doanh nghiệp gánh chịu khi ngành thuế đồng loạt chọn mức cao nhất là 40.000 đồng/kg để áp thuế.”

 
Đáng tiếc hơn, theo ông Doanh, trong quá trình xây dựng Luật thuế Bảo vệ Môi trường, các ý kiến đóng góp của VPA đã không được các bộ ngành quan tâm lưu ý. Điều này dẫn đến các văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa đầy đủ, rõ ràng, đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan thi hành luật khi áp dụng trong cuộc sống thực tiễn.

 
“Doanh nghiệp đang lúng túng, không thể định hướng phát triển sản xuất kinh doanh trong tương lai do không đủ vốn, thông tin để chuyển hướng sản xuất các mặt hàng khác nhằm tránh mức thuế cao. Khả năng sản xuất ngưng trệ, phá sản là điều có thể thấy được nếu những vướng mắc này không được tháo gỡ một cách quyết liệt, kịp thời” - ông Doanh nhấn mạnh.

 
Kiến nghị tạm ngưng áp dụng
 
Để tránh “giết chết” ngành nhựa, VPA kiến nghị tạm ngưng việc thực hiện đánh thuế với các sản phẩm bao bì nhựa trước khi có các quy định rõ ràng, để các doanh nghiệp định hướng được sản xuất. Cụ thể, nên quy định túi nilon thuộc diện chịu thuế là túi nhựa, bao bì nhựa mỏng hơn 0,021 mm, có quai, làm từ nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên&Môi trường. Bởi đây mới chính là loại túi có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cần hạn chế sử dụng; thực tế một số nước như Bỉ, Đan Mạch cũng áp dụng quy định này.

 
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên&Môi trường cũng cần sớm ban hành bộ tiêu chí thế nào là túi thân thiện với môi trường, để thị trường bớt bát nháo và doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện thực sự không phải chịu thuế như hiện nay. Ngoài ra, phải có sản phẩm thay thế nếu không sử dụng sản phẩm túi nilon. Hiện chưa có sản phẩm thay thế nên việc sử dụng túi nilon của dân cũng không giảm được bao nhiêu.

 
Trong khi đó, thị trường vừa qua đã phản ứng tiêu cực với việc nhiều mặt hàng bao bì nhựa giá bị đẩy lên cao, có tình trạng gom hàng, thiếu hàng giả tạo, nhất là Tết Nhâm thìn vừa qua. Giá nhiều loại bao bì đột ngột tăng gấp đôi bất chấp hàng bán mua từ trước với giá chỉ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Theo phản ánh của các tiểu thương tại TP HCM phải sử dụng nhiều bao bì để đựng hàng cho khách, thời gian gần đây giá bao bì đã phần nào hạ nhiệt, chỉ tăng cỡ 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các loại bao bì này đều không có nhãn mác, rất có thể được sản xuất chui hoặc là hàng nhập lậu.

 
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch VPA, cho biết hiện VPA tiếp tục kiến nghị khẩn đến các bộ ngành liên quan về những bức xúc của các doanh nghiệp trong đó đề xuất tạm ngưng thực hiện việc đánh thuế với các sản phẩm bao bì nhựa. Đối với sản phẩm bao bì nhựa, việc áp dụng thuế cần có lộ trình thực hiện. Đồng thời, cần phải cho VPA tham gia việc đóng góp hướng dẫn thực hiện Luật thuế Bảo vệ Môi trường để khi quy định đi vào cuộc sống nó sẽ được hiểu và thực thi một cách chính xác, hiệu quả hơn.


 
Theo VPA, đến hết năm 2011, ngành nhựa có khoảng 2.200 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 200.000 lao động, doanh thu ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 38% so với năm trước, trong đó doanh thu xuất khẩu theo số liệu thống kê của Bộ Công thương là 1,37 tỷ USD. Các nước nhập khẩu nhiều sản phẩm nhựa của Việt Nam là: Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hà Lan, Campuchia, Anh...

 
Mai Anh (vfej.vn)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp có thể phá sản vì thuế môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới