Thứ sáu, 19/04/2024 07:52 (GMT+7)

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Gắn chặt trách nhiệm mới

MTĐT -  Thứ tư, 10/05/2017 09:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công tác đổi mới, phát triển DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn nhiều tồn tại, thậm chí có cả những thất bại trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Hoàn thiện hệ thống thể chế trong quản lý DNNN là một trong những nội dung mà Hội nghị T.Ư 5 đang bàn thảo.

Có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Hiện nay, quản lý Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN đang từng bước được đổi mới theo hướng có quy định cụ thể hơn các nội dung và phân công, phân cấp thực hiện quản lý Nhà nước tách với các nội dung và phân công, phân cấp thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước. Việc thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước đối với DNNN và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DNNN thực hiện chậm và có nhiều khó khăn.

Phần lớn các DNNN về thực chất vẫn có bộ hoặc UBND địa phương là chủ quản. Các cơ quan này đồng thời cũng thực hiện chức năng quản lý đối với các DN. Vì đóng cả hai vai vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý Nhà nước cho nên xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; Một số văn bản pháp luật ban hành còn chậm, chất lượng không cao; Nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn và sự vận hành của DN theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế; Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn vào hoạt động của DNNN, cải cách hành chính chậm, đang là một rào cản đối với sự phát triển của DNNN. Hoạt động kiểm tra, giám sát của các bộ và UBND tỉnh, TP đối với DNNN còn nhiều hạn chế, không phát hiện được hoặc chậm phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của DN.

Về thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN, đến nay, các cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu đã chủ động, tích cực thực hiện quyền được phân công, phân cấp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn này tại DN. Việc phân công, phân cấp thực hiện bước đầu được quy định cụ thể và rõ ràng hơn; Nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản lý, giám sát DNNN và vốn Nhà nước tại DN.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN được chú trọng hơn, tạo chuyển biến nhất định về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại DN, bước đầu khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, giám sát đối với DNNN.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, việc thực hiện một số quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước chưa được triển khai đầy đủ, có hiệu quả. Kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu còn mang tính hình thức, có nơi, có lúc bị buông lỏng. Chế độ tiếp nhận báo cáo, xử lý thông tin của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu còn hạn chế. Chồng chéo giữa quyền của chủ sở hữu với chức năng quản lý Nhà nước...

Tăng trách nhiệm với vốn Nhà nước

Các cơ quan quản lý Nhà nước được giao vừa thực hiện chức năng hoạch định chính sách và điều tiết thị trường, vừa thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN nên dễ gây xung đột lợi ích.

Việc phân tán quyền chủ sở hữu nhà nước dẫn tới tình trạng không rõ về trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền chủ sở hữu. Một số DN có sai phạm lớn, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của kinh tế Nhà nước, nhưng không kịp thời được phát hiện, ngăn ngừa, cảnh báo.

Công tác quản lý cán bộ, quản lý DN từ phía cơ quan đại diện chủ sở hữu có những bất cập, chưa chặt chẽ. Trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và hiệu quả hoạt động của DNNN trực thuộc là vấn đề còn chưa rõ.

Việc phân cấp cho cán bộ làm đại diện chủ sở hữu tại DN có nhiều điểm chưa hợp lý: Vừa xây dựng thể chế và thực hiện quản lý Nhà nước, vừa phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản Nhà nước, quản lý, bổ nhiệm cán bộ viên chức lãnh đạo DN, sẽ dẫn đến việc đề ra chính sách ưu đãi cho DN, phê duyệt, thẩm định các dự án đầu tư có lợi cho DN thuộc bộ quản lý.

Công tác đổi mới, phát triển DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn quá nhiều tồn tại, yếu kém, thậm chí thất bại trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN. Hệ thống thể chế đang ngày càng hoàn thiện, song bộ máy tổ chức thực hiện – nhân tố quyết định sự hiệu quả, thành công vẫn đang là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi cần phải hoàn thiện. Vấn đề cốt lõi của DNNN là “đồng tiền, bát gạo không gắn liền với khúc ruột, máu thịt của người quản lý” vẫn còn là vấn đề trăn trở hơn 30 năm qua.

Câu hỏi đặt ra cần phải lựa chọn mô hình tổ chức như thế nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này, thực hiện đúng trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu đối với vốn Nhà nước đầu tư tại DN trong nền kinh tế thị trường, công khai, minh bạch. Vì thế, cần thiết phải xác định rõ và hình thành ngay tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN để thực hiện hiệu quả việc quản lý trực tiếp đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư tại DN.

Theo Kinh tế Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Gắn chặt trách nhiệm mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.