Thứ sáu, 29/03/2024 03:58 (GMT+7)

Tốt gỗ... tốt cả nước sơn

MTĐT -  Thứ năm, 07/06/2012 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm thân thiện với môi trường và để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh… các doanh nghiệp cũng đã chú trọng đến quy trình sản xuất sạch hơn. Tuy nhiên, nhận diện sản phẩm nào tuân thủ quy trình sản xuất sạch hơn không hề dễ dàng. Sự ra đời của nhãn sinh thái đã giải quyết được nỗi lo đó cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tốt gỗ... cần tốt cả nước sơn

Khi ô nhiễm môi trường đang là nỗi lo chung, các doanh nghiệp nếu chỉ quan tâm tới phát triển sản phẩm, gây dựng thương hiệu mà không thấy được trách nhiệm bảo vệ môi trường sẽ không nhận được sự đồng tình của cộng đồng và bài học từ Vedan đã cho ta thấy rõ điều đó. Vì vậy, việc chú trọng vào quy trình sản xuất sạch hơn, lựa chọn hướng phát triển xanh thích hợp là giải pháp cần thiết giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường khi người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn tới những sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế - Tổng cục Môi trường - Bộ TN và MT, Dương Thanh An: “Chúng ta vẫn biết tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng rõ ràng gỗ đã tốt mà nước sơn chưa tốt thì vẫn còn nhiều điều phải băn khoăn”.

Câu nói ấy để nhấn mạnh một điều: khi các doanh nghiệp đã dần nhận thức được phải gắn phát triển sản phẩm với bảo vệ môi trường chẳng khác nào tốt gỗ nhưng vẫn còn băn khoăn ở chỗ là làm sao để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm, dịch vụ nào thân thiện với môi trường, khi ấy vai trò của nhãn sinh thái được đặt ra. Nhãn sinh thái (nhãn xanh) chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên các đánh giá vòng đời sản phẩm. Với mục tiêu giảm tác hại tiêu cực tới môi trường, hợp tác với mạng lưới nhãn sinh thái trên thế giới, gây dựng thị trường bền vững cho sản phẩm thân thiện với môi trường đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng; nhãn xanh thực sự đóng vai trò quan trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được gì?

Một trong những lợi ích mà nhãn xanh mang lại là sản phẩm được cấp nhãn sẽ chứng minh được tính ưu việt hơn về môi trường so với các sản phẩm cùng loại, từ đó sẽ tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng đồng thời nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội. Hoạt động cấp nhãn xanh cho các sản phẩm, dịch vụ còn khẳng định doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội theo hướng giảm tác động có hại tới tài nguyên và môi trường trong suốt quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, bao gói, vận chuyển, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm.

Những sản phẩm được cấp nhãn xanh còn được hưởng ưu đãi nhất định về thuế, phí mà theo Vụ trưởng Dương Thanh An: “Luật Thuế Bảo vệ môi trường có áp thuế đối với một số sản phẩm, dịch vụ nhưng nếu sản phẩm của doanh nghiệp được cấp nhãn xanh thì đương nhiên sẽ được miễn, giảm thuế”.

Lợi ích đối với những sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn xanh không dừng lại ở đó mà còn khiến cộng đồng dân cư địa phương, đối tác kinh doanh cũng như cơ quan quản lý có cách nhìn nhận tích cực hơn về doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, được cấp nhãn sinh thái đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó tiến hành hoạt động bài bản, làm ăn nghiêm túc cũng như cam kết lâu dài và tất yếu sẽ có nhiều thuận lợi trong kinh doanh nhất là việc ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài. Nhãn sinh thái còn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp tại những nơi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tự do hóa thương mại.

Đẩy nhanh tiến độ cấp nhãn

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng tại Việt Nam mới chỉ có 2 sản phẩm được thí điểm cấp nhãn là Bột giặt Tide của Công ty TNHH Procter&Gamble Đông Dương và sản phẩm bóng đèn Compact của Công ty Điện Quang trong khi số lượng sản phẩm được cấp nhãn xanh tại Trung Quốc lên tới gần 25.000 sản phẩm. Điều đó cho thấy, việc triển khai chương trình Nhãn sinh thái ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp Việt chưa thực sự nhận thức được lợi ích mà nhãn sinh thái mang lại.

Bên cạnh đó, theo quy định, tỷ lệ chi cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp, các doanh nghiệp phải đạt được các yêu cầu bảo vệ môi trường mới được gắn nhãn, nghĩa là phải bỏ ra một khoản tiền để đầu tư tới mức 20% tổng chi phí sản phẩm dành cho hàng hóa. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn đó, hiện các doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và các tổ chức quốc tế - tức là chỉ mất khoản chi phí đầu tiên để được cấp nhãn trong khi tại các nước phát triển, cấp nhãn sinh thái bao gồm chi phí đầu tiên cấp nhãn và trên mỗi đầu sản phẩm.

Nhằm góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường thông qua đẩy mạnh triển khai công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, Bộ TN - MT vừa ra Quyết định 221/QĐ - BTNMT kèm theo danh mục nhóm sản phẩm, dịch vụ chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2015, sản phẩm nông sản gồm: cà phê, rau quả, chè sẽ được xét để chứng nhận nhãn xanh.

Việc chứng nhận cấp nhãn xanh cho các sản phẩm nói chung và cho những sản phẩm nông sản không chỉ bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà còn giúp các doanh nghiệp thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường ngoài nước, đặc biệt là những thị trường khó tính, luôn có yêu cầu cao về sự thân thiện với môi trường. Qua đó, nâng cao sức sản xuất, tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp...

Thu Trang(daibieunhandan.vn)
Bạn đang đọc bài viết Tốt gỗ... tốt cả nước sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.