Thứ năm, 25/04/2024 07:27 (GMT+7)

Truyền thống văn hoá và những phong tục, tập quán đặc sắc của vùng đất Nhã Nam xưa và nay

MTĐT -  Thứ hai, 05/12/2022 15:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 06/11/1957 huyện Yên Thế, Bắc Giang xưa được chia tách thành 2 huyện là huyện Yên Thế (Yên Thế thượng) và huyện Tân Yên (Yên Thế Hạ) như ngày nay. Huyện lỵ của Yên Thế mới đặt tại thị trấn Cầu Gồ, còn huyện lỵ của huyện Tân Yên ở thị trấn Cao Thượng

Như mọi người đều đã biết ngày 06/11/1957 huyện Yên Thế xưa được chia tách thành 2 huyện là huyện Yên Thế (Yên Thế thượng) và huyện Tân Yên (là Yên Thế Hạ) như ngày nay. Huyện lỵ của Yên Thế mới đặt tại thị trấn Cầu Gồ, còn huyện lỵ của huyện Tân Yên ở thị trấn Cao Thượng.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Huyện Yên Thế xưa, phủ lỵ đã nhiều lần thay đổi. Thời Lê đặt ở Phủ thành Lăng Cao, sau chuyển sang Hữu Mục. Thời Nguyễn năm 1864 chuyển đến Phủ Mọc; năm 1866 đặt ở Tỉnh Đạo. Từ năm 1885 chuyển phủ lỵ về Nhã Nam, dinh phủ đặt trên đồi phủ (năm 1891). Có một nhận định qua các lần chuyển đổi lỵ, sở của Yên Thế xưa là:

- Các địa điểm chọn đặt lỵ sở đều đặt ở vùng hạ Yên Thế, tức Tân Yên ngày nay.

- Qua thời gian, đến nay hầu hết các lỵ sở đều không còn dấu tích vật chất nào đáng kể.

- Tuy nhiên với Nhã Nam thì khác. Đã qua 65 năm, Nhã Nam không còn là lỵ sở (1957 -2022) nhưng Nhã Nam (thị trấn Nhã Nam) không những không bị mai một mà vẫn được duy trì và ngày một phát triển và nay đã trở thành thị trấn với quy mô lớn hơn cả về diện tích và dân số, đã mang dáng dấp của một thị trấn đô thị cửa rừng sầm uất. Điều đó chứng tỏ vùng Nhã Nam có những yếu tố riêng biệt cần được làm rõ. Bài viết gồm các phần:

- Vài nét về quá trình hình thành từ Nhã Nam làng đến Nhã Nam phố và nay là thị trấn Nhã Nam

- Những truyền thống văn hóa – phong tục đặc sắc xưa và nay của vùng đất Nhã Nam.

- Những đề xuất về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời kỳ mới của thị trấn Nhã Nam

Phần thứ nhất

Vài nét về quá trình hình thành từ Nhã Nam làng đến Nhã Nam phố và nay là thị trấn Nhã Nam

* Những mốc thời gian quan trọng

- Vào thời Trần (thế kỷ XIII), chính thức có tên địa danh Yên Thế, đống thời cũng có tên địa danh Nhã Nam. Gốc của địa danh Nhã Nam là từ làng Chuông, tên chữ là Nhã Nam (Sau này còn có tên Tiến Phan) (lịch sử xã Nhã Nam -2002 trang 9)

- Thời Lê Quang Thuận (1460-1469) huyện chính thức có tên Yên Thế được ghi chép trong sách dư địa chí của Nguyễn Trãi.

- Thời Nguyễn (Triều Minh Mệnh thứ 13-1831), thành lập đơn vị cấp xã, cấp tổng, khi đó Nhã Nam trở thành xã Nhã Nam, xã Nhã Nam thuộc tổng Nhã Nam, phủ Yên Thế. Phủ Yên Thế khi đó có 8 tổng 42 xã gồm: Tổng Yên Thế, Tổng Vân Cầu, Tổng Lan giới, Tổng Nhã Nam, Tổng Mục Sơn, Tổng Quế Nham, Tổng An Lễ, Tổng Bảo Sơn. Tổng Nhã Nam khi đó có 5 xã thôn là: Lục Giới, (Thôn Thượng), Lục Giới (Làng Trung Hạ), Lục Giới (thôn Hùng Lĩnh), Nhã Nam (Làng Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh đạo), Dương Lâm (Dương Lâm, Hạ, Nguộn, Non).

Như vậy vào những thập niên đầu thế kỷ XIX xã Nhã Nam có 5 thôn là: Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh Đạo (Địa chí địa lý kinh tế Bắc Giang năm 2005 trang 52, 53). Và cũng trong giai đoạn này xuất hiện các tên gọi Nhã Nam thôn, Nhã Nam làng, Nhã Nam xã, Nhã Nam tổng (Tổng Nhã Nam).

- Thời thực dân Pháp xâm chiếm Nam – Trung – Bắc Kỳ từ 1858

Cũng trong giai đoạn này Bắc Kỳ còn chịu thêm cảnh cướp, phá, giết chóc tàn ác của lũ giặc phỉ Tàu tàn quân của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc) tràn sang. Năm 1866 thực dân pháp lập đạo quan binh Yên Thế đặt Phủ lỵ tại Tỉnh Đạo. Tháng 11/1899 thực phân Pháp giải tán đạo quan bình Yên Thế thành lập đại lý Nhã Nam và chuyển phủ về Nhã Nam, dinh phủ đặt trên núi Nam Sơn từ đây có tên gọi là Đồi Phủ.

tm-img-alt
Đền thờ Cả Trọng là nơi thờ Hoàng Đức Trọng - vị tướng của nghĩa quân Yên Thế. Đền ngoảnh hướng Bắc, dựa lưng vào Đồi Phủ (Nhã Nam). Ảnh VHTT TY

Việc xây dựng dinh phủ tại Nhã Nam nhằm đề thực dân Pháp tập trung lực lượng chống lại các cuộc nổi dậy của sỹ phu yêu nước đang bùng lên khắp nơi ở Bắc Kỳ mà trực tiếp là chống lại các nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo.

Việc xây dựng Phủ và đồn binh ở Nhã Nam là một bước ngoặt lớn tác động đến sự phát triển của lịch sử vùng đất Nhã nam và là tiền đề cho việc hình thành Nhã Nam phố hay phố Nhã Nam sau này.

Đó là điều tất yếu theo quy luật. Bởi vì việc xây dựng phủ với hàng loạt các công trình dinh thự, trại lính cùng các công trình phụ trợ đi theo đòi hỏi một lượng vật liệu và nhân công rất lớn không chỉ lấy từ địa phương mà từ nhiều nơi khác, nhiều tỉnh thành của xứ Bắc Kỳ đổ về đây.

Tiếp theo đó cần phải có một nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng rất lớn, phục vụ bộ máy quan lại, binh lính và gia đình họ đi theo. Từ đó xuất hiện nhiều ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp bám xung quanh phủ lỵ.

Cũng từ đây hình thành lớp cư dân phi nông nghiệp tách ra khỏi lũy tre làng ở Nhã Nam hoặc những người có tay nghề và nhu cầu tìm việc làm từ các nơi khác đến đất Nhã Nam. Họ là những cư dân đầu tiên của dân phố thị hay Nhã Nam Phố.

Có một thực tế là trong suốt quá trình hình thành Nhã Nam Phố thì những người trong Nhã Nam làng luôn coi mình là dân chính cư, dân gốc, dân cựu còn dân phố thị là dân ngụ cư, dân mới.

Chính vì thế xuất hiện tên gọi Nhã Nam cựu (trong các làng) và Nhã Nam tân là người người ngoài phố. Cách gọi này ban đầu là để phân biệt hai lớp dân cư ở Nhã Nam từ khoảng giữa thế kỷ XIX nhưng dần dần về sau là để gọi 2 đơn vị hành chính là Nhã Nam xã (Nhã Nam cựu) và Nhã Nam phố (Nhã Nam thị, sau này là thị trấn Nhã Nam) là Nhã Nam tân

- Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, phủ, đã hợp nhất 2 đơn vị nhã Nam xã, Nhã Nam thị thành một đơn vị chung là xã Nhã Nam

- Đến tháng 02 năm 1948 xã Nhã Nam hợp nhất với xã Phú Lộc thành xã mới là xã Hợp Tiến

- Tháng 12 năm 1953 xã Hợp Tiến lại được tách ra thành 5 xã là : xã Nhã Nam, xã Quang Tiến, xã Hùng Tiến, xã Tân Hiệp và xã Tiến Thắng (Nay Tân Hiệp và Tiến Thắng thuộc huyện Yên Thế)

- Ngày 20/7/1957 Bộ Nội vụ ban hành Nghị quyết số 483- NV/ND về việc thành lập 5 thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (trong đó có thị trấn Nhã Nam). Thị trấn Nhã Nam chính thức có tên từ đây, với 4 phố là Tân Quang, Tiến Thắng, Tân Hòa, Đề Thám sau đó phố Đề Thám đổi thành phố Lao Động.

- Ngày 5/8/1978 xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam lại hợp nhất thành một đơn vị hành chính là xã Nhã Nam

- Năm 2003 lại tách thành 2 đơn vị là xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam (lần này thị trấn Nhã Nam có điều chỉnh bổ sung và mở rộng hơn về diện tích)

- Ngày 21/11/2019, (Nghị quyết 813 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nhà nước sáp nhập xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam thành một đơn vị hành chính là thị trấn Nhã Nam

Tóm lại kể từ mốc thời gian 1858 khi thực dân Pháp chuyển và lập dinh phủ Yên Thế về đất Nhã Nam cho đến trước ngày giải phóng Phủ Yên Thế 17/7/1945 thì vùng đất và con người Nhã Nam đã có những sự thay đổi lớn. Từ một Nhã Nam làng thuần nhất nay đã xuất hiện một Nhã Nam phố.

Từ sau năm 1945 đến nay đơn vị hành chính Nhã Nam đã qua 7 lần tách nhập giữa Nhã Nam xã với Nhã Nam thị. Thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên chính thức được thành lập năm 1957 bên cạnh đơn vị xã Nhã nam, thị trấn Nhã Nam được thành lập gần đây (chính thức đi vào hoạt động ngày 1/3/2020) sau khi sáp nhập xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam đã mang một tầm vóc lớn hơn cả về diện tích, quy mô dân số và định hướng phát triển.

Phần thứ hai

Những truyền thống văn hóa – phong tục đặc sắc xưa và nay của vùng đất Nhã Nam

Như đã trình bày ở trên cho thấy vùng đất Nhã Nam là vùng đất cổ, có bề dày hàng trăm năm, đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử. Do vậy Nhã Nam đã tích tụ trong mình một bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Về văn hóa đã ghi nhận một sự phong phú, đa dạng cả ở văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể

* Về văn hóa vật thể

- Làng cổ Nhã Nam: Nói đến Nhã Nam trước tiên là Nhã Nam làng với những làng cổ hàng trăm năm tuổi, tiêu biểu như làng Chuông có từ thế kỷ XIII. Những dấu tích kiến trúc về các làng cổ ở đây không còn nhiều nhưng dấu ấn về làng cổ Nhã Nam vẫn còn khá đậm nét qua các truyện kể về sự tích lập làng, về những phong tục tập quán, về những nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa (nói ở phần sau).

Kiến trúc làng cổ Nhã Nam đề cao yếu tổ phong thủy, chọn đất, chọn hướng. Tuy nhiên do yêu cầu phải bố phòng chống giặc cướp nên nhiều làng cổ Nhã Nam trước dây có sự bố trí liên hoàn theo nhóm làng. Mỗi làng cổ đều có cổng làng chắc chắn, có bờ thành là lũy tre gai, có hệ ao hồ vừa để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và khi cần trở thành hào lũy chiến đấu bảo vệ làng khi có giặc cướp.

Một đặc trưng nữa là các làng cổ đều có chung một giếng nước gọi là giếng làng, giếng làng được thày địa lý chọn địa điểm cẩn trọng như: làng Chuông có giếng Phan, làng Vàng có giếng Vàng, làng Lã có giếng lã, làng Cầu có giếng Cầu, làng Nguộn có giếng Nguộn, làng Thượng có giếng Thượng…

- Phố cổ Nhã Nam: Như trên đã trình bày, kể từ khi có Đồn Phủ chuyển về Nhã Nam xuất hiện nhiều người làm những nghề phi nông nghiệp bám xung quanh phủ lỵ. Từ đó xuất hiện các khu vực, các dãy cửa hàng, cửa hiệu buôn bán tức là đã hình thành những dãy phố với đủ các loại nghề phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và cả phục vụ cho lối sống ăn chơi của lực lượng công chức, binh lính là người Việt, người Pháp.

Đây là những đối tượng được hưởng lương và các bổng lộc khác của nhà nước Pháp bảo hộ. Như thế phố Nhã Nam đã có từ trên dưới 150 năm nay. Theo thông tin và các cứ liệu điền dã có được từ người dân địa phương thì hình hài phố cổ Nhã Nam một thời có thể phác họa như sau: Những dẫy phố đầu tiên được hình thành là hai dãy trước cổng phủ từ ngã tư lên Đồi Phủ. Phố có nhiều cửa hiệu của người Việt và người Hoa như: Hiệu Chính Xương (người Hoa), hiệu Quảng Phát, Quảng Bảy, Trưởng Cảnh. Các ty rượu có ty rượu Phông - Ten (rượu Pháp) ty rượu Văn Điển; tiếp là cửa hàng bán thuốc bệnh có hiệu thuốc Bắc Tế - Y- cục, Đông Chấn Hưng có bán cả thuốc phiện, Hiệu ăn có Quản Dân, Hợp Hưng Lẩu và một số hiệu nhỏ khác.

Về cơ khí giao thông có hãng ô tô khách của Cả Tụng bà Cả Tuần, có đội phu kéo xe ba gác. Đầu phố lên phủ có nhà văn chỉ nơi hội họp của chánh tổng, lý trưởng trong phủ. Tiếp đến có rạp hát tuồng Chấn Ký, Quảng Lạc; vào trong ngõ có nhà hát cô đầu, dãy chơi xóc đĩa, tài sửu, bài tây.

Mở rộng lên tuyến đi Cầu Gồ, Bố Hạ có rạp xi - nê (chiếu bóng chỉ có phim câm), nhà Dây Thép (Bưu điện). Theo trục phố đi Cầu Trắng có khu phố cân gạo, lò ba toa (giết mổ), thợ kim hoàn ông Phó Túc, Phó Duyên và các cửa hàng lò rèn, thợ mộc…

- Phác họa Phủ đường trên Đồi Phủ: Nhìn theo trục chính từ 2 dãy phố lên Đồi Phủ là cổng phủ, cạnh cổng phủ có cây đa rất to (nay không còn). Nhìn trực diện phía sân trên đồi là dãy nhà chính 2 tầng (nhà tây) là nơi làm việc của Tri phủ, các quan thân cận, phòng khách và các phòng liên quan.

Phía sau dãy nhà tầng là khu nhà dành riêng cho vợ con các vị quan lại Việt, Pháp. Hai bên phải, trái nhà tầng là dãy nhà dành cho các quan lục sự, thừa phái và nha lại khác.

Phía dưới xung quanh là dãy nhà quan huấn đạo (giáo dục) nhà thương, trường công có từ lớp 1 đến lớp 4 dành cho con các quan lại trong phủ. Gần cổng có lô cốt và trại lính, trại giam.

Phác thảo cho ta thấy phủ đường thời Pháp là một công trình kiến trúc khá bề thế và hoàn chỉnh. Nhưng do những biến cố lịch sử từ sau 1945 đến nay dấu tích vật chất của Phủ đường nơi làm việc của 13 đời quan tri phủ Yên Thế đều không còn. Đỉnh Đồi Phủ nay chỉ là bãi đất trống, xung quanh đồi có dấu hiện xâm cư của một số hộ dân

- Chợ Nhã Nam – Chợ Tỉnh: Chợ Nhã Nam cũng ra đời từ những năm cuối thế kỷ 19 từ khi hình thành Nhã Nam phố do nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và sản xuất phát triển không chỉ riêng ở Nhã Nam mà của cả vùng. Do sự sầm uất hàng hóa và quy mô giao thương nên có giai đoạn chợ Nhã Nam còn được gọi là Chợ Tỉnh. Tên Chợ Tỉnh được gọi trong suốt thời gian dài cho mãi đến khi thay đổi địa điểm.

Chợ đầu tiên đặt ở vị trí cổng phủ (nay là vị trí kho gạo cũ, thời gian chia tách đây là trụ sở UBND thị trấn Nhã Nam). Chợ Nhã Nam xưa họp theo phiên là ngày 2,5,7,10 âm lịch so le với chợ phiên Rừng Quanh nay là chợ Lữ Vân xã Phúc Sơn là ngày 1,4,6,9 cách Nhã Nam 7-8km về phía tây.

Ngoài những dãy buôn bán ngoài trời chủ yếu là nông sản của người dân trong vùng thì chợ còn có các dãy lều quán liên hoàn thành các cầu chợ. Chợ Nhã Nam còn qua một số lần chuyển địa điểm là khoảng những năm 80 của thế kỷ trước chuyển đến khu nghĩa địa tây được san ủi mặt bằng.

Nay chợ về địa điểm đầu phố tuyến Nhã Nam đi Cao Thượng đối diện hơi chếch với cổng trường THPT Nhã Nam. Nay chợ không còn theo phiên do sản xuất và lưu thông hàng hóa phát triển nên chợ lúc nào cũng có hàng quán người mua kẻ bán. Có cửa hàng gần như suốt ngày ở chợ ( sẽ nói rõ hơn ở mục văn hóa chợ).

- Di tích lịch sử văn hóa Nhã Nam: đã qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, nhiều thôn xã nay không còn thuộc Nhã Nam nữa. Vì vậy mục di tích lịch sử văn hóa và phong tục chỉ nêu trong địa bàn thuộc thị trấn Nhã Nam hiện nay. Nhã Nam có mật độ di tích khá dày với nhiều thể loại và cấp độ đã được cấp bằng và chưa cấp bằng di tích .

Theo tiến trình thời gian trước tiên cần kể đến là nhóm cổ vật do cơ quan văn hóa từ khi tỉnh Hà Bắc (nay là bảo tàng Bắc Giang) phát hiện gồm nhiều mảnh gốm thời đồ đồng đầu đồ sắt. Tiếp theo là là nhóm cổ vật có phong cách hoa văn trang trí thời Trần – Lê khá độc đáo. Đó là những viên gạch, ngói, hòn kê... ở khu vực xung quanh Đồi Phủ và các làng cổ Nhã Nam.

Phát hiện trên cho thấy khoảng 2000 năm trước vùng Nhã Nam đã có con người cư trú và đông dần lên vào thời Trần- Lê- Mạc- Nguyễn sau này. Về các di tích năm 2017 huyện Tân Yên đã có biểu thống kê các di tích xếp hạng gồm:

+ Nhóm di tích quốc gia đặc biệt được công nhận năm 2012 (trước đó đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1998) chủ yếu là các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế gồm: Đình Làng Chuông, Đồi Phủ, Đền Cả Trọng, Đền Gốc Khế, Nghĩa Địa Pháp, Chùa Nam Thiên, địa điểm Ao Chấn Ký.

+ Di tích Quốc gia: Chùa Tứ Giáp.

+ Di tích cấp Tỉnh: Đền Đề Truật, Đình Cầu Thượng.

Ngoài các di tích đã xếp hạng trên, Nhã Nam còn các di tích, dấu tích, địa danh văn hóa- lịch sử khác cần đề cập là: Địa điểm Ngã ba Cai Chanh (còn gọi quán Cai Chanh hay “Cai Chanh đốt quán” - Sự kiện tập hợp nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế). Địa điểm trận phục kích tại Cầu Trắng mở đầu trận đánh cướp phủ Yên Thế thắng lợi 17-7-1945.

tm-img-alt
Đền Đức Trọng là tên đền do nhân dân thôn Đoàn Kết đặt trong lần trùng tu vào năm 1989 - được lấy từ hai chữ cuối của cái tên Hoàng Đức Trọng (tức Cả Trọng), con trai cả của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Đền Bà Cả Thục nơi thờ Đức Thánh Thần và vong linh các dân binh hy sinh trong trận đánh chống lại phỉ- Tầu vào triệt hạ các làng ở Nhã Nam cuối thế kỷ 19. Khu miếu thờ liệt nữ Dương Thị Phan tại giếng Phan. Và mới nhất là “khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND” trong quần thể di tích chùa Tứ Giáp.

* Về văn hóa phi vật thể 

- Văn hóa chợ Nhã Nam xưa (Chợ Tỉnh): Ca dao vùng Yên Thế từ xưa có câu “Nhã Nam có chợ thông thương, nón ô đi lại rợp đường cái quan” hay “Nhã Nam phố đẹp chợ đông, ai đi đến đó thì không muốn về”.

Điểm đặc sắc của chợ Nhã Nam xưa (Chợ Tỉnh) là ở chỗ chợ ở đây không đơn thuần chỉ là buôn bán trao đổi hàng hóa trong vùng, hàng hóa xuôi ngược mà còn là dịp giao lưu tình cảm, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng, giao lưu văn nghệ giữa các kíp thợ cấy, thợ cày vùng xuôi lên đất Yên Thế, đất Nhã Nam làm thuê làm mướn quanh năm hoặc theo thời vụ. Vì vậy chợ Nhã Nam xưa có thể nâng lên thành Chợ văn hóa hay văn hóa chợ phiên Nhã Nam.

Trước hết nói về mức độ phong phú của hàng hóa mang đến buôn bán trao đổi ở chợ. Người xuôi mang đến chợ các mặt hàng vùng biển gồm hải sản như: cá mắm, cá khô, tôm hê, tôm hùm, xứa, các mặt hàng chế biến như mắm, muối, mắm tôm, ngoài ra chợ còn các mặt hàng đặc sản các tỉnh vùng duyên hải như thuốc lào Vĩnh Bảo, Tiên Lãng (Hải Phòng), vôi, đá, gốm xứ Đông Triều “Chiếu Nga sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông” như thơ Tố Hữu đã viết.

Người miền núi ở các xã vùng thượng Yên Thế rồi Trại Cau, Võ Nhai (Thái Nguyên) cả Hữu Lũng (Lạng Sơn) mang đến chè Thái Nguyên, mật ong và nhiều thứ lâm thổ sản, thú rừng như: Cam Bố Hạ, củ nâu nhuộm vải, vỏ ăn trầu, mây tre dang nứa, chạc chão cày, trám đen, trám trắng, hạt dẻ, than củi; các loại thịt thú rừng như hươu, nai, lợn rừng, tê tê, đàn đàn, trăn rắn; các loại chim nuôi như sáo, vẹt iểng.., các loại dược liệu từ rừng.

Đặc biệt, chợ Nhã Nam xưa có cả phân khu chợ trâu, bò, ngựa, nhiều nhất là trâu vì vậy có hẳn những phiên chợ trâu. Đó là chưa kể rất nhiều các mặt hàng tạp hóa từ cái kim sợi chỉ trở lên (thời đó còn gọi là hàng xén) và các mặt hàng thủ công khác. Đặc biệt hơn có cả những nghệ nhân mang các sạp tranh Đông Hồ bán trong các dịp tết.

Chợ phiên Nhã Nam họp các ngày ta 2-5-7-10 thì từ chiều hôm trước khách từ các làng bản vùng cao xa đã xuống chợ Tỉnh với lỉnh kỉnh hàng hóa, ngựa thồ. Trai gái trong sắc phục các dân tộc Tày- Nùng - Dao - Hoa- Sán Dìu, Sán Chay gùi hàng xuống chợ. Tối đến họ ăn uống và ngủ tại các quán hàng trong chợ, say xưa hát hò và ngủ lại các lều quán chờ chợ sớm mai.

Đến cuối chiều chợ phiên khi mọi việc bán mua trao đổi hàng hóa đã xong xuôi các khách chợ vùng xa chưa về ngay, họ tập trung từng tốp, từng nhóm trai gái để hát giao duyên đối đáp sí lượn, vừa đi vừa hát trên đường về làng bản.

Còn các đám thợ cấy, thợ cày vùng xuôi tụ tập một số địa điểm chờ người hỏi làm thuê rồi cũng hát giao duyên đối đáp như hát ví, cò lả… trực tiếp hay qua hát ống bơ sợi chỉ. Lời hát phần nhiều từ các câu ca dao, vốn cổ và cả tự ứng tác. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên qua các cuộc hát giao duyên ở chợ Nhã Nam xưa. Hình thức sinh hoạt chợ như trên ở chợ Nhã Nam xưa kéo dài mãi tới tận những năm 50,60 của thể kỷ trước.

Sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh: Dân cư ở Nhã Nam ngoài số dân gốc định cư qua nhiều đời thì càng về sau càng có nhiều người ở nhiều tỉnh đổ về đây nhất là dân các tỉnh đồng bằng – trung du Bắc Bộ. Vì vậy sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cũng có nhiều sắc thái, với dân gốc ở Nhã Nam họ đề cao thuyết phong thủy, thuyết âm dương ngũ hành. Tương truyền đất Nhã Nam có địa thế “Sư tử hý cầu”.

Một con sư tư lớn đang vươn cao chống hai chân trước, đầu sư tử là núi Nam Sơn tức Đồi Phủ, 4 chân là vị trí của bốn giếng làng cổ là Làng Chuông (Giếng Phan), Làng Vàng, làng Lã và Làng Ngò. Có ý kiến cho rằng thực dân Pháp đã lợi dụng tín ngưỡng này nên đã tìm cách triệt các làng bằng cách yểm huyệt các giếng trên.

Về tín ngưỡng, dân vùng Nhã Nam cũng theo tín ngưỡng thờ đa thần như phổ biến trong cư dân Việt nhưng đậm nét hơn. Tại Đình Chuông phối thờ Đức Thánh Cao Sơn- Quý Minh và Đức Thánh Trấn Đô Thống.

Đình còn thờ các nhân vật lịch sử là người Làng Chuông như Nữ Giã đại thần (tức Dương Thị Giã), quan Hàn Lâm Học sỹ Nguyễn Đức Hiện, liệt nữ Dương Thị Phan hy sinh trong trận đánh giặc Tàu vào cướp làng.

Đền Cả Trọng thờ tướng Hoàng Đức Trọng vị tướng tài ba và là con cả của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (dân tin phần mộ của Cả Trọng nằm tại đây). Điện Nam Thiên thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Đền Gốc Khế thờ Đức Thánh Trần và một số vị đề đốc nghĩa quân Yên Thế.

Đền Đề Truật thờ Dương Văn Truật- một tướng giỏi nghĩa quân Yên Thế. Đền Bà Cả Thục thờ Đức Thánh Trần và vong linh các dân binh các làng ở Nhã Nam hy sinh trong trận liên kết đánh lại quân phỉ Tàu cuối thế kỷ 19. Chùa Phố có khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…

- Tục kết ước giữa các làng trong xã và ngoài xã. Tục kết ước ở Nhã Nam đã có từ rất lâu đời. Các làng xã kết ước có quy ước ràng buộc nhau là khi một bên gặp hoạn nạn bên kia phải giúp đỡ chia sẻ, khi có giặc cướp thì bên kia phải có lực lượng đến chi viện chống giặc cướp.

Ngoài ra các bên cũng chia sẻ khi bên kia có những sự kiện lớn như xây dựng, lễ hội… Lịch sử Nhã Nam còn ghi rõ sự kiện các làng Chuông, Vè, Vàng, Thượng, Mã Giới, Hạ, Nguộn đã liên kết chống giặc phỉ Tàu rất oanh liệt. Đặc biệt là tục kết ước giữa làng Chuông (Nhã Nam) và làng Lý Cốt (Phúc Sơn) có cách đây hàng trăm năm qua sự kiện nữ tướng Dương Thị Giã người làng Chuông tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ đầu công nguyên.

Dương Thị Giã hy sinh ở Núi Đót (Phúc Sơn) dân nơi đây chôn cất, lập đền thờ và tôn bà làm thần. Triều Nguyễn đã có sắc phong, bài vị thờ tại Đình Lý Cốt (Phúc Sơn) ghi “Nữ Giã đại thần”. Từ đó dân 2 nơi kết ước, đến ngày sự lệ 8/4 dân làng Chuông Nhã Nam có đoàn rước lễ đến đình Lý Cốt và ngược lại ngày giỗ bà tại làng Chuông dân Lý Cốt (Phúc Sơn) cũng có đoàn sang đáp lễ. Tục này có từ rất lâu đời được phủ bởi câu chuyện có tính huyền thoại về sự kiện 2 chị em một người ở làng Chuông người ở Lý Cốt và tục “Cấm lửa cấm đồng” ngày 8/4 ở Phúc Sơn. Tục này nay vẫn còn nhưng nghi thức cũng đã khác, không còn đậm đà như trước.

- Lễ hội dân gian: Trên đất Nhã Nam từ xưa đã có những lễ hội làng với nhiều nghi thức cổ truyền tế rước, trò chơi dân gian. Những năm gần đây Nhã Nam lại có thêm những lễ hội mới là lễ hội di tích, lễ hội kỷ niệm các sự kiện lịch sử tiêu biểu của vùng Nhã Nam.

Theo thống kê năm 2017 của huyện Tân Yên thì ở Nhã Nam hiện nay có 10 Lễ hội như sau: Lễ hội Đình Ngò (6/1 âm lịch), Lễ hội Đình Chùa Phố (tức Nam Thiên Tự) 8/1 âm lịch; Lễ Hội Chùa Tứ Giáp (9/1 âm lịch); Lễ hội Chùa Bùng (11/1 âm lịch); Lễ hội Đình Làng Chuông (11/1 âm lịch); Lễ hội Đình Cầu Thượng (12/01 âm lịch ); Lễ hội Đền Cả Trọng (15/01 âm lịch ); Lễ hội Tiến Trại (16/01 âm lịch); Lễ hội Đền Đề Truật (20/01 âm lịch); Lễ hội Đền bà Cả Thục (25/01 âm lịch).

Xưa các Lễ hội thường có các gánh hát, đoàn hát đến diễn các tích, trò cổ bên ta, bên Tầu. Ngày nay tham gia một số lễ Hội vùng, hội toàn huyện thì đoàn Nhã Nam thường có nghi thức rước hình tượng các nhân vật lịch sử người địa phương như: Đề Truật, nữ Giã Đại thần, Dương Thị Phan, Cả Trọng.

- Sinh hoạt văn hóa thể thao: Thời trước các hoạt động văn hóa- thể thao ở Nhã Nam thường diễn ra trong các dịp lễ hội, Xuân Tết. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp vùng Nhã Nam xưa có các cơ quan văn hóa cứu quốc và nhiều cơ quan khác sơ tán về đứng chân trong một trong một thời gian khá dài.

Nhiều văn nghệ sỹ lớn ở các lĩnh vực văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh, báo chí… đã về sống, làm việc, sáng tác và tham gia kháng chiến tại vùng Nhã Nam có trụ sở (đại bản doanh) ở khu Cầu Đen (nay thuộc Xã Quang Tiến) ở Lan Thễ (nay thuộc xã Lan Giới).

Vì vậy hoạt động văn nghệ thể thao Nhã Nam được thừa hưởng tích cực từ các văn nghệ sỹ. Từ khi hình thành Phố Nhã Nam ở đây đã có rạp hát tuồng thu hút nhiều gánh hát có tiếng về diễn như đoàn tuồng Quảng Lạc, Kép Tốn, Bạch Trà, Tuồng Bá Thuyên, Đồng Ấu.

Đến thời kháng chiến các đoàn tiếp tục về biểu diễn, có cả tuồng Trung Ương về diễn ở Nhã Nam. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng được viết tại vùng Nhã Nam, lấy cảm tác tại vùng đất và con người Nhã Nam được mệnh danh là thủ đô văn nghệ kháng chiến ví dụ: Nguyên Hồng với bộ tiểu thuyết nhiều tập lấy tên “Núi rừng Yên Thế”. Tố Hữu với bài thơ “Phá Đường” Xuân Diệu có câu thơ “Đứng trên đồi dẻ Nhã Nam, nhìn xem đất nước đang làm mùa xuân”...

Về văn nghệ dân gian tiêu biểu nhất là vốn ca dao tục ngữ của Yên Thế xưa nói về vùng Nhã Nam chiếm tỷ lệ khá cao ví dụ “Nước giếng Nhã Nam vừa trong, vừa mát, đường cái Nhã Nam lắm cát dễ đi”, “Tuồng làng Ngò, trò (chèo) làng Trũng” ; “Hội vui có vật làng Gia, Hội đu Đình Hả, chọi gà Nhã Nam” hay “Tượng chùa Lữ Vân, sân đình Lý Cốt, cột đình Nhã Nam”...

Về hoạt động thể thao vùng Nhã Nam khá nổi tiếng, từ rất sớm đã có các môn như võ, vật, bóng đá, bóng chuyền, múa kỳ lân sư tử, đấu bốc xinh. Trước và sau năm 1945 Nhã Nam có sân vận động hạng B có thể thi đấu bóng đá chân giầy (nay vẫn còn địa danh Bãi Ban) Đội bóng Nhã Nam đã từng thi đấu giao hữu với các đội mạnh trong vùng như đội Bố Hạ, đội thị trấn Thắng Hiệp Hòa, đội thị Cầu (Bắc Ninh). Năm 1959 chủ tịch UBND huyện Tân Yên khi ấy đã trao giấy chứng nhận cho đội bóng chân dày thị trấn Nhã Nam.

Phần thứ 3

Ý kiến đề xuất về việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của thị trấn Nhã Nam trong giai đoạn mới

Sau khi nêu những điểm đặc sắc của vùng đất Nhã Nam xưa về văn hóa cả vật thể và phi vật thể, có di sản còn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay và nhiều di sản cũng đã không còn nữa hoặc bị mai một đi nhiều. Tôi xin có mấy ý kiến đề xuất về việc bảo tồn văn hóa truyền thống của thị trấn Nhã Nam trong giai đoạn tới như sau.

Trước hết về mặt tư duy, đã đến lúc không nên giữ quan niệm “Nhã Nam cựu” “Nhã Nam Tân” để rồi một ngày nào đó lại chờ mong sự tách nhập như đã nhiều lần diễn ra với vùng đất Nhã Nam. Bởi vì đô thị hóa đang là một xu hướng toàn quốc, toàn cầu để phát triển. Chỉ có như vậy thì trong những dự định, những kế hoạch và quy hoạch cho thị trấn Nhã Nam mới cập được xu thế phát triển chung hiện nay.

Về bảo tồn chỉ xin có mấy đề xuất chính yếu sau:

Về xây dựng: cần có sự đầu tư thỏa đáng để cải tạo toàn diện khu Đồi Phủ để nơi đây thành một điểm nhấn của thị trấn Nhã Nam mới theo hướng đây là một Công Viên Văn Hóa - Lịch Sử

- Du Lịch, tương xứng với danh hiệu một di tích Quốc gia đã được công nhận trên 30 năm nay (1989) và di tích quốc gia đặc biệt 10 năm nay (2012). Tại đây có hai công trình trọng điểm là: Nhà (hoặc phòng) trưng bày truyền thống về sự kiện giải phóng Phủ Yên Thế 17/7/1945.

Thứ 2 là cụm tượng đài về thủ lĩnh Đề Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đặc biệt là những chi tiết về thủ lĩnh Đề Thám với Thủ Phủ Nhã Nam xưa) công trình này cần hoàn thành sớm là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập thị trấn Nhã Nam (1957- 2023) muộn là 70 năm (1957- 2027).

Về phong tục: Phối hợp với xã Phúc Sơn khôi phục lại một số phong tục giữa hai vùng đất có rất nhiều mối lương duyên trong lịch sử (đó là sự kiện nữ Giã Đại Thần với tục kết ước; làng Yên Lý (Phúc Sơn) vừa là đại bản doanh chỉ đạo trận đánh chiếm phủ Yên Thế năm 1945 vừa là hậu cứ rút vè mừng công sau khi việc giải phóng phủ thắng lợi; về giao thương các phiên chợ Nhã Nam so le với chợ Lữ Vân cũng gợi ý điều gì đó về phát triển kinh tế giữa 2 địa phương này…

Về văn hóa thể thao: Thị trấn Nhã Nam cần xây dựng được đội bóng đá nam mạnh làm nòng cốt của đội tuyển huyện Tân Yên, xây dựng một đội múa kỳ lân sư tử phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần tại địa phương và giao lưu với các đơn vị bạn.

Ngô Sỹ Lực
Nguyên Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Tân Yên, Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Truyền thống văn hoá và những phong tục, tập quán đặc sắc của vùng đất Nhã Nam xưa và nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành