Thứ năm, 25/04/2024 19:43 (GMT+7)

Truyền thống yêu nước và thượng võ của người Nhã Nam trong lịch sử dân tộc

MTĐT -  Thứ hai, 28/11/2022 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xa xưa, Nhã Nam vừa là danh xưng của một đơn vị hành chính cơ sở - tức là làng xã, vừa là danh xưng của đơn vị hành chính trung gian giữa xã và huyện, tức là hàng tổng trong hệ thống 5 cấp hành chính cũ: Tỉnh, Phủ, Huyện, Tổng, Xã.

Thời Lê - Nguyễn, tổng Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc (hoặc tỉnh Bắc Ninh từ 1831-1880) nhưng đến tháng 2-1880, do việc phải chống nạn Thanh phỉ, tổng này bị đưa vào đơn vị hành chính đặc biệt do các võ quan nắm quyền mang tên là đạo Lạng Giang.

Theo cách tổ chức đơn vị hành chính quân sự khi ấy, mỗi đạo có 1 Đề đốc, 2 Lãnh binh, 2000 binh sĩ trông coi đóng tại một tòa thành mang tên thành Tỉnh Đạo. Thành Tỉnh Đạo của đạo Lạng Giang được xây đắp trong một vùng gò đồi thuộc tổng Nhã Nam, nằm án ngữ trên con đường Bố Hạ - Nhã Nam - Hà Châu.

Thành Tỉnh Đạo xây theo kiểu thiết kế của kĩ sư Vauban, có hình gần vuông, xung quanh là hào sâu, lớp ao hồ tự nhiên phía trong thành được tận dụng như lớp hào phụ. Diện tích của thành ước chừng 10 mẫu, mở 4 cửa theo hương đông - tây - nam - bắc, trong đó cổng chính nằm ở phía tây và phía bắc. Nội thành chia làm 4 khu: khu cột cờ là nơi hội quân đặt gần cổng tây, khu nhà kho chứa lương thực, thực phẩm và vũ khí, khu trung dinh để tướng lĩnh sinh hoạt và khu nhà binh.

Khi thành Tỉnh Đạo trở thành hoang phế, hai thôn Chính Trong và Chính Ngoài cùng đình, chùa được dựng lên ở nội và ngoại vi. Ngày nay, phế tích thành Tỉnh Đạo thuộc xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với nhiều dấu vết còn khá rõ ở các góc thành, đường hào, đường qua cổng tây và cổng bắc. Một dãy ao dài sát với tường thành phía tây bắc và đông nam vốn là con hào bao quanh thành vẫn còn nhận ra.

Ngoài hai thôn Chính Trong và Chính Ngoài, nội thành Tỉnh Đạo còn có một ấp nhỏ gọi là Tán Đạo gắn với Tán lí quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Cao, con người tặc úy như thần, dân thân như phụ. Tại đây, ông Tán đã bảo lãnh, giáo hóa biết bao tù nhân trọng án của 5 tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ bằng cách xóa án cho họ tại chỗ, giao việc khẩn điền, lập làng, lập ấp.

Khi Nguyễn Cao qua đời, dân chúng ở Tỉnh Đạo tôn ông làm thành hoàng phụng thờ tại đình làng. Hàng năm, vào ngày rằm và 16 tháng Giêng, dân các thôn Chính Trong, Chính Ngoài, Thành Lập, Minh Sinh lại mở hội tri ân ông Tán Cách Bi.

Từ tháng 10-1895, Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang với hệ thống hành chính 4 cấp (cấp phủ không còn là cấp trung gian giữa tỉnh và huyện, phủ trở thành huyện lớn) nhưng vẫn thuộc chế độ quân quản do Tiểu quân khu, Đạo quan binh Yên Thế đứng đầu là các sĩ quan quản trị. Năm 1899, đơn vị quân quản này đổi gọi là Đại lý Nhã Nam mang dáng dấp dân sự một phần rồi nhận thêm 2 tổng Hữu Thượng, Hương Vĩ của huyện Hữu Lũng để đổi thành châu Yên Thế và cuối cùng là phủ Yên Thế.

Tổng Nhã Nam lúc đầu có 5 xã, trong đó có tới 3 xã Lục Giới (Thượng, Trung - Hạ và Hùng Lĩnh), xã Nhã Nam, xã Dương Lâm.

Xã Nhã Nam có 5 thôn: Nhã Nam, Chuông, Nguộn, Thượng, Tỉnh Đạo. Trong văn bản, giấy tờ, các thôn này được gọi chung là làng, có vẻ chưa chính xác vì khái niệm xưa làng và xã được coi là chung khái niệm.

Do việc xuất hiện của phố phường, sau cách mạng tháng 8-1945, xã này còn chia thành hai đơn vị hành chính: Nhã Nam Cựu (khu vực làm ruộng), Nhã Nam Tân (khu vực dịch vụ, buôn bán nằm hai bên đường cái quan). Năm 1957, Nhã Nam Cựu đổi thành xã Nhã Nam còn Nhã Nam Tân thành thị trấn Nhã Nam (có 4 phố là Đề Thám, Quang Trung, Lao Động, Tiến Thắng).

Năm 1978, hai đơn vị hành chính này sáp nhập trở lại là xã Nhã Nam với 15 đơn vị hành chính cấp thôn (Thị trấn 1, 2, 3; Đoàn Kết 1, 2; Tiến Phan 1, 2; Tiến Điền, Nam Cường, Đồng Thịnh, Bãi Ban, Cầu Thượng, Chùa Nguộn, Phúc Thành, Phúc Tiến).

Gần 1/4 thế kỷ sau, vào tháng 2-2003, xã lại chia đôi thành xã và thị trấn (thị trấn có thêm 1 phần địa giới hành chính của xã An Dương). Hơn 16 năm sau, vào tháng 11-2019, căn cứ vào Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, hai đơn vị hành chính vốn nhiều duyên nợ lại về chung một nhà với tên gọi THỊ TRẤN NHÃ NAM (5,6km2, 9.200 người).

Xã Nhã Nam cũ trong tổng Nhã Nam xưa ít nhất được bảo tồn khoảng 50% diện tích trong đơn vị hành chính mới. Riêng thôn Tỉnh Đạo suốt mấy chục năm thuộc về Quang Tiến cùng huyện (Quang Tiến ngoài diện tích tương đương với thị trấn Nhã Nam cũng có tới 15 đơn vị hành chính cấp thôn: Cầu Trấn, Công Thành, Non Dài, Cầu Đen, Thành Lập, Chính Ngoài, Chính Trong, Minh Sinh, Đồng Sào 5, Đồng Sào 6, Đồng Đồi, Sậu 1, Sậu 2, Trại Han).

Là cửa ngõ của khu vực núi rừng Việt Bắc và chiến khu xưa, trung tâm kinh tế của tiểu vùng, nơi chuyển tiếp núi đồi với đồng bằng, thị trấn Nhã Nam giữ vị trí chiến lược quan trọng và đầu mối giao thương thịnh đạt của toàn vùng.

Người Nhã Nam có bề dầy và truyền thống thượng võ trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tại đình thôn Chuông, hình tượng lẫm liệt của Cao Sơn - Quý Minh, những vị võ tướng huyền thoại vẫn còn lưu lại một thời giúp vua Hùng bảo vệ cõi bờ Văn Lang.

Cũng tại đây, nữ tướng Dương Thị Giã - tức Nàng Giã Đại Thần đã đứng lên cùng chị em Bà Trưng và hàng trăm tướng lĩnh khác dũng cảm chiến đấu đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán.

Với hàng trăm nghĩa binh thiện chiến, trang bị cung nỏ, Nàng Giã Đại Thần đã lập nhiều vũ công lớn, khiến Nguyễn Trãi khi viết những dòng trong bộ Dư địa chí, vẫn xác nhận rằng: “Tên nỏ của Yên Thế bắn trúng chỗ nào thì máu chảy vọt ra, một chốc thì chết. Tên tẩm thuốc độc được dùng vào việc chống giặc phương Bắc”.

Ngoài tên gọi kể trên, bà còn được dân gian gọi bằng cái tên trìu mến là Nàng Giã Tiên. Truyền thuyết của thôn Chuông nói bà được sinh ra tại đây, hy sinh tại Lý Cốt - tức Núi Đót (Phúc Sơn - Tân Yên). Hàng năm vào dịp ngày 8 tháng Tư âm lịch, dân thôn tổ chức giỗ trận kỷ niệm ngày bà qua đời rất uy nghiêm, trang trọng với tục cấm đồng, cấm lửa nghiêm ngặt. Việc nổi lửa nấu nướng, ra đồng bị cấm ngặt.

Kể từ khi lập nước, Nhã Nam cũng như toàn bộ Yên Thế không nằm trên hướng tấn công của các đội quân xâm lược Tống, Nguyên - Mông, Minh, Thanh nên ít có điều kiện đóng góp võ công vào các chiến công chung của dân tộc. Duy chỉ có hai trường hợp sau đây :

- Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320), danh tướng thời Trần, ngoài chiến công chống ngoại xâm, ông còn được ghi nhận là người có nhiều công lao giữ yên biên ải, thu phục các thủ lĩnh ở vùng núi. Có lẽ, để tưởng nhớ công lao của một tài tướng đối với địa phương, nhân dân Nhã Nam đã lập điện Nam Thiên thờ phụng ông cùng các chiến binh của thôn xã đã theo ông đánh dẹp. Sắc phong hiện còn lưu tại điện đã ghi nhận ông là bậc thần nhân có đức đạo, giúp nghiệp đế vương có thể sánh ngang bao bậc danh thần khác.

- Dương Đình Bột, quán xã Dương Lâm (nay thuộc xã An Dương cùng huyện), sống vào thời Mạc, là người có học và thông minh, từng là Cai tổng Nhã Nam, được dân chúng phong là Quận công. Giữa cái thời nhiễu nhương của cuộc chiến Nam triều - Bắc triều, viên Quận công này mở bễ đúc tiền, ý muốn lập ra một giang sơn riêng rẽ. Do mắc vào trọng tội ấy, lại không chịu xung trận theo lệnh nhà Mạc, ông bị khép vào tội phản nghịch. Hôm ra pháp trường, ông xin đọc bài thơ và nhờ đó mà thoát đại nạn:

“Nhân dịp Long xa tuần hành Bắc thành

Chật đường xa giá, đẹp bóng Loan chinh

Náo nức muôn lòng trẻ già nhi nữ

Mừng rằng nay có Thái bình Thiên tử

Mừng đặng nhìn xem thiên xứ nghi dong

Ngàn năm gặp hội Thăng Long

Mây che Tản Lĩnh, nước trong Nhị Hà”.

Vào thời Nguyễn, trong những năm Tự Đức trị vì, Yên Thế trở thành bãi chiến trường của Thanh phỉ - những toán cướp tàn dư của phong trào Thái Bình Thiên Quốc bên Trung Quốc do Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Lý Dương Tài, Tăng Á Trị cầm đầu. Khi Ngô Côn bị quân đội triều đình bắn chết dưới chân thành Bắc Ninh, tàn quân tràn lên cướp bóc Yên Thế.

Trước một đội quân hung tàn và đói khát mất hết tính người đó, nhân dân Nhã Nam cũng như bao xóm làng khác đã chung lưng đấu cật đào hào lũy, ken rào tre lập làng chiến đấu.

Đại tá Frey khi quan sát hệ thống làng chiến đấu được dân chúng dựng nên từ thời chống Thanh phỉ tồn tại mãi tới lúc viên sĩ quan Pháp này mang quân đánh vào Yên Thế đã phải thốt lên một cách kinh ngạc trong cuốn Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ rằng: “Từ lâu dân cư vùng Yên Thế đã phải tổ chức phòng vệ làng xóm của họ để chống lại những cuộc xâm chiếm luôn luôn xảy ra. Nhằm vào mục đích này, phần lớn các làng xóm đều được bao bọc bằng một lũy tre dày có hai hoặc ba lớp gồm rào tre và tường đất tạo nên một chướng ngại vật rất chắc chắn, giữa hai hàng rào tre là những ao sâu chạy liên tiếp.

Những đoạn đường nhỏ hẹp quanh co chỉ vừa rộng cho một con trâu đi lọt, chia làng ra làm vô số khu vực nhỏ hẹp riêng biệt, tạo thành những ổ đề kháng trong trường hợp cần thiết. Để đi vào trong làng, chỉ có hai hoặc ba cổng có ụ đất che chắn, phía trước có một lũy đất khúc khuỷu dài độ vài mét có đặt nhiều ổ bắn.

Những làng tựa lưng vào chân đổi cũng được bố trí tương tự; làng bao quanh thành đường vòng cung, cao dần có một hai chỗ bỏ ngỏ về phía sau làng để bảo đảm cho dân chúng con đường rút lui vào phần đất gồ ghề mà người ta có dụng ý để cho rừng và gai góc xâm chiếm. Trong chỗ rậm rạp ấy, có nhiều đường mòn ẩn náu, chỉ có dân làng mới biết được và do đó họ có thể trốn thoát được ra ngoài đồng khi thấy không thuận lợi”.

Nhìn vào hệ thống làng chiến đấu ở Nhã Nam cũng như ở Yên Thế, ta nhận thấy nét tương đồng từ bên ngoài với lũy tre dày bao bọc, bên trong là lũy đất kết hợp với ao chuôm thành dãy hào tự nhiên đầy chông gai. Cổng làng cũng được xây đắp kiên cố, canh giữ cẩn mật. Đường ngang, ngõ dọc như bàn cờ được tận dụng cho mọi phương án tác chiến. Ở phía sau làng, người ta dành ra những khu đất để cây rừng bao phủ, làm nơi rút lui, ẩn nấp. Các làng được liên kết chặt chẽ với nhau bởi những khoán ước và tục đi nước nghĩa, tục kết chạ.

Đồng thời với quá trình thiết lập làng chiến đấu này, Yên Thế đã xây dựng một đội ngũ những người quen trận mạc, giỏi đánh phòng ngự, vận động, vây thành, diệt viện, phục kích, tấn công. “Hầu hết mọi người ở đây đều đã chống lại kẻ xâm lược Tàu hoặc Pháp đôi khi không phải là không thắng lợi. Trong rất nhiều thôn làng vẫn tồn tại những kẻ già nua, nhiều kẻ thoát khỏi vòng chiến, thường làm quân sư khuyên bảo dân chúng nhiều điều rắc rối… hễ có dịp, lại sẵn sàng lấy ra khẩu súng bắn nhanh giấu trên xà nhà, trong một ống tre. Cho nên, có một cái trái ngược đập vào mắt ta là so với thái độ của người An Nam ở vùng đồng bằng thì người An Nam ở vùng Yên Thế rất kiêu hãnh dưới cái vỏ lễ phép có suy tính mà ta thấy được dưới những dấu hiệu của sự kính cẩn khoa trương kia có cái bản năng không sợ đánh nhau mà ta cần kể đến” như viên sĩ quan Pháp kể trên đã thừa nhận.

Làng chiến đấu ở Nhã Nam kiên cố nhất được xây dựng ở làng Chuông dưới sự chỉ huy của Dương Văn Truật (Đề Truật). Khi tướng Thanh phỉ là Tô Quốc Hán mang lực lượng tấn công vào đây đã hoàn toàn tỏ ra bất lực dù điên cuồng nã đạn, cho quân quấn rơm đầy người, tẩm dầu đốt rào lũy. Ngày 20-8-1879, lũ Thanh phỉ bị tổn thất lớn khi đối mặt với đội dân binh của Dương Văn Truật, Dương Văn Vật, Dương Văn Hóa, Dương Thị Phan được trang bị cả súng thần công và hỏa mai. Với tài cung nỏ - một thế mạnh cha truyền con nối của người dân Yên Thế, Dương Văn Truật, Dương Văn Vật đã hạ thủ hàng chục Thanh phỉ.

Tháng 9-1879, lũ Thanh phỉ lại liều lĩnh tấn công lần thứ 3 vào địa phương, chiếm được làng Ngò án ngữ ở phía bắc làng Chuông. Hay tin, Dương Văn Truật, Dương Văn Vật, Dương Văn Hóa đã cùng các đội dân binh làng Chuông, làng Cầu ứng cứu. Cùng lúc ấy, dân binh của làng Hạ, làng Thượng - hai nơi kết chạ với làng Chuông cũng điều vội đến, chẳng may sa vào trận địa phục binh của Thanh phỉ, thiệt hại khá nhiều.

Trung tuần tháng 3-1884, sau khi chiếm được tỉnh thành Bắc Ninh, Thiếu tướng Briere de l’Isle mang một lữ đoàn tiến quân lên hướng Yên Thế. Chúng nhanh chóng chiếm được thành Tỉnh Đạo, phá hủy toàn bộ 26 khẩu pháo, đốt cháy các kho dự trữ lương thực, dinh thự và thu được nhiều của cải, đạn dược. Sáng 16-3, quân Pháp rời thành Tỉnh Đạo hành quân lên đánh tỉnh thành Thái Nguyên.

Đội quân xâm lược đã lọt vào trận địa mai phục của đội nghĩa binh do Đề Nắm, Đề Sặt chỉ huy tại Đức Lân (Phú Bình - Thái Nguyên). Sau khi chặn giặc, Đề Nắm - Đề Sặt mang lực lượng về đình làng Thế Lộc - còn gọi là đình làng Hả, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Trong hàng ngũ nghĩa quân Yên Thế khi đó, có lực lượng dân binh làng Chuông đặt dưới sự chỉ huy của Dương Văn Truật. Qua một vài năm kháng địch tại các làng chiến đấu Chuông, Dương Sặt, Luộc Hạ, Thống Thượng và đại bản doanh Tỉnh Đạo, Đề Nắm nhận thấy cần phải chọn khu vực đồi rừng rậm rạp Hữu Thượng để xây dựng một hệ thống đồn binh liên hoàn để chống lại các cuộc tấn công dữ dội của địch.

Ngoài đồn Hố Chuối do Đề Thám trực tiếp chỉ huy là hệ thống 7 đồn dọc bờ sông Sỏi: đồn Khám Nghè (đồn Đề Nắm), đồn Đề Lâm, đồn Đề Truật, đồn Đề Trung, đồn Hom (đồn Đề Thám), đồn Thống Tài, đồn Hang Sọ (đồn Bá Phức, còn gọi là đồn Mỏ Trạng).

Cuối năm 1891, quân Pháp mở chiến dịch lớn vào Hữu Thượng, lần lượt chiếm được Hố Chuối và các đồn còn lại của nghĩa quân. Mùa xuân năm 1892, trong hoàn cảnh nghĩa quân bị tổn thất lớn, Đề Sặt đã hạ độc Đề Nắm, chưa kịp ra hàng Pháp đã bị Dương Văn Truật đem 12 nghĩa binh về Dương Sặt bắt sống viên thủ lĩnh phản bội này.

Tháng 8-1893, trên đường đưa lực lượng của Đề Công, Đề Lam về hoạt động ở Yên Thế, trong lúc nghỉ chân ở Bãi Bạc, gần thôn Hùng Lĩnh (nay thuộc xã An Thượng - Yên Thế), ông sa vào tay giặc. Ngày 12-8-1893 (mồng 1 tháng Bảy - Quý Tỵ) chúng chặt đầu ông đem bêu ở cổng phủ đường Yên Thế - ngay quê hương ông. Gần một tuần, nghĩa quân bí mật đưa về chôn cất. Hiện mộ phần của ông còn ở tổ dân phố Cường Thịnh, thị trấn Nhã Nam.

Ngoài mộ phần, hệ thống đồn lũy Đề Truật ở đồi Mã Giới vẫn còn dấu tích. Lũy được đắp bằng đất, dày hàng mét, trong ngoài 3 lớp, dài hơn 50 mét. Tại Đồng Cang, phía sau đồi Mã Giới, hậu duệ của ông hiện còn sinh sống, lập nghiệp. Sau khi ông mất, nhân dân địa phương lập đền thờ, gọi là đền Đề Truật, nay thuộc Cường Thịnh của thị trấn.

Tấm gương lẫm liệt của người con đất Nhã Nam Dương Văn Truật cũng như của hàng trăm hàng ngàn nghĩa quân Yên Thế khiến cho giặc Pháp kinh hoàng. Chúng đã coi Nhã Nam cũng như vùng Yên Thế là cấm địa bất khả xâm phạm.

“Đất Nhã Nam trả người Nam

Chỉ xin hai chữ bình an trở về

Đất này là đất Cụ Đề

Tây lên bỏ xác, Tây về tan xương”

Kế tục truyền thống yêu nước và tinh thần thượng võ của tiền nhân, từ khi có Đảng lãnh đạo công cuộc cách mạng, mọi tầng lớp nhân dân Nhã Nam đã một lòng đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân. Mặc dù đến tận năm 1941, Xứ ủy Bắc Kỳ mới cử ông Ngô Thế Sơn về xây dựng cơ sở ở Đồng Điều nhưng khi Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập, cùng với Lan Thễ, người dân Nhã Nam đã hào hứng tham gia. Cờ cách mạng được treo ở cây đa đầu phố Nhã Nam.

Ngày 15-4-1945, một đơn vị Cứu quốc quân phối hợp với tự vệ Yên Thế đột nhập Phủ đường khi đó đang đóng ở thị trấn Nhã Nam, thu 14 súng và một máy chữ. Ngày 15-7-1945, lực lượng cách mạng của phủ bố trí bắt sống viên Tri phủ Yên Thế cùng 2 Thừa phái đem xử tại Tòa cách mạng. Đêm 16 rạng ngày 17-7-1945, lực lượng vũ trang địa phương tổ chức đánh chiếm Phủ đường Yên Thế.

Theo Ba mươi năm hoạt động của Đảng bộ Tân Yên, diễn biến cuộc nổi dậy giành chính quyền như sau:

“Đêm ngày 16, rạng ngày 17-7-1945, theo kế hoạch do ta đề ra, viên Đội chỉ huy lính cơ dẫn một Tiểu đội đi tuần, bị ta tước vũ khí ở Cầu Trắng. Sau đó ta buộc chúng phải dẫn lực lượng vũ trang của ta vào cướp phủ Yên Thế. Kết quả ta thu được 20 súng, 2 máy chữ và toàn bộ hồ sơ của địch. Nhiều binh lính đã tình nguyện xin theo cách mạng, số còn lại ta giải thích chính sách của Việt Minh rồi cho về.

Quần chúng nhân dân khắp nơi đã vùng dậy đập tan chính quyền địch từ huyện đến xã. Cuộc khởi nghĩa từng phần đã thành công trong toàn huyện Yên Thế, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Để đảm bảo thành quả cách mạng, lực lượng du kích đã phá một số cầu từ Bắc Giang vào nhằm ngăn chặn sự chi viện của địch. Ủy ban nhân dân cách mạng chính thức được thành lập từ huyện đến xã. Ách thống trị của thực dân phong kiến bị xóa bỏ; quần chúng nhân dân từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.

Đó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành thắng lợi trong cao trào cách mạng tháng 8 ở tỉnh ta, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong phạm vi các huyện, thị”.

Sau Cách mạng tháng 8-1945, các đảng viên thuộc địa bàn Nhã Nam đã lập ra chi bộ Thành Công cùng sinh hoạt với đảng viên Văn phòng Huyện ủy.

Một địa vực chưa đầy 6km2, dân cư chưa đến 10.000 người mà có bề dầy lịch sử như thị trấn Nhã Nam, quả là xưa nay hiếm. Mong rằng niềm tự hào, kiêu hãnh đó sẽ là nguồn động lực lớn lao để Nhã Nam mạnh mẽ tiến vào tương lai./.

TS. KHỔNG ĐỨC THIÊM
Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bạn đang đọc bài viết Truyền thống yêu nước và thượng võ của người Nhã Nam trong lịch sử dân tộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng