Thứ tư, 17/04/2024 00:29 (GMT+7)

TT-Huế: 'Hô biến' chất thải rắn xây dựng thành cát, gạch không nung

MTĐT -  Chủ nhật, 16/08/2020 06:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thay vì phải loại bỏ chất thải rắn xây dựng, một Công ty ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và đưa vào hoạt động dây chuyền “hô biến” chúng thành cát, gạch không nung.

Mô hình này đã và đang chứng minh được sự hiệu quả, thiết thực của nó.
Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường Dương Duy Long bày tỏ, ông cũng như nhiều người nhận thấy rằng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khan hiếm về vật liệu xây dựng mà đặc biệt là cát.

Vị giám đốc này cũng nhận định, thực tế khan hiếm vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn trong thời gian qua.

Cùng với đó, ông Long cho rằng, đa số chất thải rắn xây dựng bị người ta bỏ đi và việc xử lý loại phế thải này khá tốn kém khiến nhiều người đã đổ trộm tại nhiều địa điểm công cộng gây mất vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.

“Ban đầu chúng (chất thải rắn xây dựng) cũng từ cát, sỏi mà ra, sau này chúng cũng sẽ trở lại là cát, sỏi rồi được mưa cuốn xuống sông và chúng ta lại đi khai thác về. Vậy, thay vì đi khai thác từ sông tại sao chúng ta không gom chúng lại một nơi và biến chúng trở lại thành cát, sỏi như trước đó để xử dụng?”, ông Long lập luận.

Cát được tạo ra từ chất thải rắn vật liệu xây dựng.


Ông Long đã biến lập luận của mình trở thành thực tế bằng việc thành lập nhà máy tái chế chất thải rắn xây dựng thành cát, bờ lô… và cho biết, sau khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, đến nay, mỗi ngày công ty của ông có thể tái chế khoảng 500 m3 chất thải rắn vật liệu xây dựng thành các loại cát san lấp, cát xây và gạch bờ lô (gạch không nung).

Cũng theo ông Long đánh giá, chất lượng của thành phẩm tạo nên từ chất thải rắn vật liệu xây dựng nói trên không thua kém so với vật liệu xây dựng được khai thác trực tiếp từ thiên nhiên.

Hiện tại, mỗi ngày dây chuyền công nghệ của công ty TNHH MTV Long Tường đang sàng lọc được khoảng 560 m3 vật liệu đầu vào, cho ra tỉ lệ tương ứng 160m3 sỏi, đá; 100m3 đá (vật liệu đúc bờ lô); 100m3 cát đúc, xây; 150m3 cát trát (mịn); 50m3 đất.

Chất thải rắn vật liệu xây dựng cũng có thể tạo thành bờ lô (gạch không nung).


Từ thực tế này, ông Long nhận định, nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 10 mô hình tương tự thì hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán thiếu hụt vật liệu xây dựng đang diễn ra.

Để xây dựng được một dây chuyền “hô biến” chất thải rắn xây dựng thành vật liệu xây dựng sạch tương tự như Công ty TNHH MTV Long Tường đang vận hành, ông Tường ước tính giá thành tương đương khoảng 4 tỷ đồng.

Ông Long bật mí, về cơ bản, máy móc áp dụng trong dây chuyền chế biến chất thải rắn xây dựng thành vật liệu xây dựng sạch đều được bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, lắp đặt như thế nào để có thể chế biến và phân loại được cát xây, cát trát, cát san lấp, đá, đất… mới là vấn đề chính.

Được biết, việc vận hành hệ thống dây chuyền nói trên cần rất ít nhân công. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Long Tường chỉ cần 03 công nhân là có thể vận hành được dây chuyền này.

Việc vận hành dây chuyền sản xuất cũng tương đối đơn giản.


Một nam công nhân 24 tuổi đang làm việc tại công ty cho biết, trước đây anh đã từng đi làm việc tại nhiều thành phố khác nhau và vừa qua mới trở về TT - Huế để làm việc, sinh sống. Kể từ khi làm việc tại Công ty TNHH MTV Long Tường, đời sống của anh được cải thiện rất nhiều. Thêm nữa, với công việc chủ yếu là đứng và vận hành máy móc nên công việc ít vất vả hơn so với trước đây.

Nói thêm về những khó khăn khi thực hiện dây chuyền chế biến vật liệu xây dựng từ chất thải rắn xây dựng, ông Long cho hay, việc khó khăn nhất thời điểm hiện tại mà đơn vị đang gặp phải chính là nguồn nguyên liệu đầu vào.

Sau khi Công ty TNHH MTV Long Tường đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định đã từng đến kiểm tra thực tế. Tại buổi kiểm tra này, ông Định đánh giá cao về mô hình vì đã mang lại lợi ích kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt vật liệu xây dựng của địa phương.

Ông Định cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Long Tường tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình này.

Theo Văn Nghĩa/Kinh Tế Nông Thôn

Bạn đang đọc bài viết TT-Huế: 'Hô biến' chất thải rắn xây dựng thành cát, gạch không nung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.