Thứ năm, 28/03/2024 20:20 (GMT+7)

TT Y tế quận Hoàn Kiếm: “Khó” nên chưa có đề án bảo vệ môi trường?

NHÓM PV -  Thứ bảy, 13/04/2019 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khuôn viên phòng khám có khoảng 3, 4 hàng nước. Những chủ hàng nước này lại sử dụng khoảng trống sát nơi lưu giữ chất thải nguy hại để các vật dụng như cốc, ấm nước, đồ ăn, thức uống...

Vấn đề quản lý chất thải y tế trong bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh là mối quan tâm không chỉ của ngành y mà còn là của toàn xã hội. Trong những năm qua, ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý chất thải y tế.

Tuy nhiên, thời gian gần đây qua khảo sát và ghi nhận thực tế của PV, phát hiện một số cơ sở chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, chưa thực hiện đúng Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường.        

Đặc biệt, thực trạng lưu giữ chất thải y tế nguy hại đang diễn ra tại Phòng khám 36 Ngô Quyền khiến PV lo ngại về việc lây lan dịch bệnh từ chính nơi đây. Theo quan sát, nơi lưu giữ chất thải nguy hại của phòng khám được quây sơ sài bằng lưới thép, không có cửa và biển cảnh báo, các túi đựng chất thải nguy hại đầy ắp miệng thùng chuyên dụng, thùng chứa chất thải thông thường cũng được đặt chung tại đây.

Nơi lưu giữ chất thải nguy hại của phòng khám được quây sơ sài bằng lưới thép, không có cửa và biển cảnh báo.

Điều đáng lo ngại nhất, đó là trong khuôn viên phòng khám có khoảng 3, 4 hàng nước. Những chủ hàng nước này lại sử dụng khoảng trống sát nơi lưu giữ chất thải nguy hại để các vật dụng như cốc, ấm nước, đồ ăn, thức uống...

Như vậy, ai có thể đảm bảo đủ an toàn vệ sinh thực phẩm khi một bên là vật dụng đựng đồ ăn, thức uống còn một bên là chất thải nguy hại?

Một bên là vật dụng đựng đồ ăn, thức uống còn một bên là chất thải nguy hại.

Để làm rõ thông tin trên, ngày 10/4 PV đã có buổi làm việc với phía Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm về vấn đề quản lý chất thải y tế của Phòng khám 36 Ngô Quyền. Buổi làm việc gồm có bà Nguyễn Thị Kim Quy – Phó Giám đốc trung tâm, bà Nguyễn Hải Hà – Trưởng Phòng khám 36 Ngô Quyền, ông Nguyễn Sĩ Nguyên – Kế toán trung tâm.

Trao đổi với PV, bà Hà cho biết: “Năm 1954 chủ nhà đã hiến đất để xây dựng phòng khám, hiện nay phòng khám hoạt động ở tầng 1 còn chủ nhà ở tầng 2. Những quán hàng nước, đồ ăn bên trong trung tâm là do chủ nhà cho thuê chứ không phải do trung tâm cho thuê”.

Về nơi lưu giữ chất thải, bà Hà lý giải: “Nguyên tắc để chất thải nguy hại cùng nơi lưu giữ với chất thải thông thường là không được, tuy nhiên chúng tôi cũng đã cho vào các thùng riêng và để tách ra. Diện tích kho chỉ có bằng đấy, chúng tôi có muốn làm gì thêm cũng không được vì bà chủ nhà thường gây khó dễ, không cho chúng tôi sửa chữa gì cả. Việc nơi lưu giữ chất thải nguy hại ở ngay cạnh khu vực để đồ của các hàng nước trong phòng khám chúng tôi rất khó xử lý vì không đủ thẩm quyền mà chỉ góp ý nhẹ nhàng với chủ nhà thôi”.

Bà Hà và ông Nguyễn cũng khẳng định, hiện nay tại Phòng khám 36 Ngô Quyền vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải, chỉ xử lý bằng bể lọc chứ không phải xả thẳng ra môi trường.

Chúng tôi cũng đang xin xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng việc này đang gặp khó khăn từ chính phía chủ nhà”, vị Trưởng phòng khám 36 Ngô Quyền nói thêm.

Trong buổi làm việc, phía Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cũng chỉ cung cấp được một số hồ sơ như: Hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; Hợp đồng xử lý chất thải sinh hoạt; Nhật ký thu gom, giao nhận chất thải nguy hại...

Hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại của Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm.

Đến thời điểm hiện tại, Phòng khám 36 Ngô Quyền vẫn chưa có Đề án bảo vệ môi trường, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không hề thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hàng năm.

Lý do dẫn đến sự thiếu sót này, theo bà Nguyễn Thị Kim Quy – Phó Giám đốc trung tâm khẳng định: “Chưa có, vì Sở Y tế Hà Nội không yêu cầu nên chúng tôi cũng không biết là phải có”.

Điều 17, Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định rất rõ hồ sơ quản lý chất thải y tế. Trong đó yêu cầu phải có Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Báo cáo quan trắc, giám sát chất lượng môi trường định kỳ và các văn bản, tài liệu khác về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường,… cùng một số hồ sơ khác.

Ông Nguyên chia sẻ thêm với PV: “Hiện nay Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm có tất cả 4 phòng khám, trong đó duy nhất có một phòng khám có đầy đủ hồ sơ vì đất chủ quyền làm hồ sơ dễ, 2 phòng khám còn lại cũng đang trong tình trạng thiếu hồ sơ như phòng khám 36 Ngô Quyền”.

Thực trạng đáng buồn diễn ra tại Phòng khám 36 Ngô Quyền thuộc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm khiến PV đặt ra câu hỏi: Liệu lãnh đạo trung tâm và cơ quan chức năng có đang buông lỏng công tác quản lý chất thải tại Phòng khám 36 Ngô Quyền hay không? Vì sao phòng khám này có thể “qua mặt” cơ quan chức năng nhiều năm như vậy dù chưa đủ hồ sơ?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết TT Y tế quận Hoàn Kiếm: “Khó” nên chưa có đề án bảo vệ môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái chú trọng bảo vệ môi trường y tế
Thực hiện xử lý chất thải, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chú trọng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.