Vi phạm luật Bảo vệ Môi trường,vì sao TTYT Phúc Thọ không bị xử lý?
Những vi phạm tại Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ có thể bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, dù đi vào hoạt động từ nhiều năm đơn vị này vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý.
Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có đăng tải loạt bài viết phản ánh tình trạng lưu giữ chất thải y tế nguy hại tại Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ và Phòng khám Đa khoa Ngọc Tảo (thuộc TTYT huyện Phúc Thọ) không đảm bảo theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo những tài liệu PV thu thập được, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đi vào hoạt động gần 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường: Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường, Sổ đăng ký chủ nguồn thải, Báo cáo quan trắc môi trường định kỳ,...
Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đi vào hoạt động gần 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường. |
Phòng khám đa khoa Ngọc Tảo đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017 đến nay cũng chưa có Đề án bảo vệ môi trường, Giấy phép xả thải vào nguồn nước, nơi lưu giữ chất thải y tế nguy hại không đảm bảo.
Đơn vị này vẫn báo cáo định kỳ hàng năm lên Sở Y tế Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về công tác quản lý chất thải y tế và những hồ sơ về bảo vệ môi trường còn thiếu.
Từ những tài liệu thu thập được có thể thấy, hai đơn vị này có dấu hiệu vi phạm về luật Bảo vệ Môi trường.
Thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ vẫn chưa bị cơ quan chức năng “sờ gáy” mà chỉ nhận được những lời nhắc nhở “qua loa” từ Sở Y tế.
Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các đối tượng không lập đề án bảo vệ môi trường sẽ bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận.
Điểm b khoản 7 điều này quy định Biện pháp khắc phục hậu quả:Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.
Với những dấu hiệu vi phạm tại Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai thì có thể bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. |
Cũng tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP đối với trường hợp chủ thể không có sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
Điểm d khoản 12 điều này về Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. |
Ngoài ra, theo điểm b khoản 7 Điều 12 Nghị định này, việc không thực hiện quan trắc môi trường định kỳ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ (về thông số, vị trí, tần suất giám sát là 03 tháng một lần) hoặc đột xuất theo quy định đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường và các hồ sơ về môi trường tương đương của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; thực hiện không đúng, không đầy đủ (về thông số, vị trí, tần suất giám sát).
Như vậy, với những dấu hiệu vi phạm đã dẫn chứng tại Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ thì nếu bị thanh tra và kết luận có vi phạm, thì đơn vị này có thể bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Xử phạt vi phạm hành chính mục đích là để răn đe, nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức trong vấn đề bảo vệ môi trường. Vậy mà hoạt động gần 7 năm vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, nhưng cơ quan chức năng lại không ra một quyết định xử phạt hành chính nào đối với Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ. Phải chăng chính sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã khiến đơn vị này trở nên “nhờn” luật?
Liệu có hay không sự ưu ái, tạo điều kiện cho Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ hoạt động bất chấp pháp luật? Nếu không có sự ưu ái thì tại sao đơn vị này có thể thoát khỏi xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.
Để xảy ra tình trạng như nêu trên trong thời gian dài, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát của sở Y tế Hà Nội, sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội ở đâu? Trách nhiệm của các cá nhân và phòng ban ở đâu khi không kịp thời phát hiện xử lý và tham mưu cho lãnh đạo xử lý?
Những người đứng đầu các đơn vị này có làm tròn trách nhiệm của mình? Thanh tra sở Tài nguyên & Môi trường, thanh tra Sở Y tế, Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ liệu có buông lỏng quản lý lĩnh vực thuộc ngành mình giám sát theo dõi hay không?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh:monre.gov.vn) |
Chiều 3/1/2019 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, năm 2019, Tổng cục Môi trường cần tiếp tục phát huy, thực hiện các đợt thanh tra theo hình thức “cuốn chiếu”, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải gắn kết chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để không chồng chéo.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 10 Luật Cán bộ công chức quy định Nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu như sau: Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Luật này, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: 1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; 2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; Điều 7 Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của chính phủ, quy định về nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu: 1. Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. 2. Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. 3. Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản (bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt, công văn chỉ đạo, điều hành và nội quy, quy chế, điều lệ, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý). 4. Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật. |