Thứ sáu, 29/03/2024 13:42 (GMT+7)

“Từ chương trình “Cây chổi vàng” mong NLĐ được tôn vinh hơn nữa'

MTĐT -  Thứ tư, 27/03/2019 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là lời nói tâm huyết của Nhà văn Đặng Vương Hưng, người khởi xướng ra ý tưởng Chương trình “Cây chổi vàng”.

Chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức mới chỉ bước sang năm thứ hai nhưng đã nhận được sự ủng hộ của dư luận nói chung và những công nhân vệ sinh môi trường nói riêng.

Được biết, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã có nhiều năm làm công tác báo chí và xuất bản. Ông từng là Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân và An ninh Thế giới. Ông được bạn đọc biết đến là một Nhà văn chuyên về tư liệu chiến tranh; là người có duyên khơi nguồn cho sự ra đời của tủ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, trong đó có “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và nhiều cuốn sách tư liệu chiến tranh có giá trị tinh thần vô giá khác.

Nhà văn Đặng Vương Hưng (Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam).

Ông cũng chính là người khơi mạch nguồn cho chương trình “Cây chổi vàng” tôn vinh công nhân lao động ngành vệ sinh môi trường Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức.

Xin chào Nhà văn Đặng Vương Hưng, được biết nhà văn là tác giả của ý tưởng chương trình “Cây chổi vàng”. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với “Cây chổi vàng”?

Sau khi chính thức công tác tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam với vị trí là Phó Tổng biên tập, tôi đã được giao nhiệm vụ xây dựng một giải thưởng dành cho người lao động làm trong ngành vệ sinh môi trường. Sau khi đọc những bài viết về các anh chị em công nhân quét rác, tôi đã thầm cảm phục họ, ngay lập tức tôi đã nghĩ đến hình ảnh cây chổi tre gắn liền với nghề nghiệp, như “biểu tượng” của công nhân vệ sinh môi trường. Và từ đó, cái tên “Cây chổi vàng” đã hiện hữu trong tôi.

Thật may mắn, ý tưởng này được tập thể lãnh đạo Hiệp hội Môi trường, Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo Tạp chí đồng tình, ủng hộ.

Sau khi tổ chức Lễ tôn vinh và trao giải “Cây chổi vàng” lần thứ nhất 2017, chương trình đã gây được tiếng vang lớn nhờ các phần thưởng giá trị bằng vàng và bạc. Vì sao ông lại nghĩ đến việc tặng vàng, bạc cho người lao động?

Sở dĩ tôi đề xuất việc này, bởi trước đây tôi đã có kinh nghiệm làm giải thưởng của Cuộc thi sáng tác Thơ Lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012–2018) cùng với Tiến sĩ, luật sư Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Chương trình này đã trao giải thưởng “Lục bát trăng vàng” cho các tác giả và nhận được sự đồng thuận rất cao của dư luận. Cho đến “Cây chổi vàng”, tôi tiếp tục mong muốn các phần thưởng giá trị bằng vàng và bạc thật, sẽ giúp cho giải thưởng của công nhân vệ sinh môi trường quý giá hơn. “Của một đồng, công một nén”, các anh chị sẽ thật sự tự hào khi nghề nghiệp của mình được tôn vinh, được trao thưởng – đó cũng là tâm huyết của chúng tôi khi đưa ra nội quy bình xét giải thưởng.

Ngoài sự đồng thuận của lãnh đạo Hiệp hội, lãnh đạo Tạp chí, làm thế nào để chương trình thu hút được sự quan tâm của hàng trăm đơn vị, hàng ngàn công nhân trên cả nước tham gia ngay trong lần đầu tiên tổ chức?

Trước hết chúng tôi phải đưa ra quy chế xét chọn làm sao khách quan và công bằng nhất. Ban tổ chức mời rất nhiều nhà văn, nhà báo, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đô thị tham gia hội đồng bình chọn.

Song song với việc đó, tất cả những công nhân đề cử trong cuộc thi đều được bình bầu, đề xuất từ cơ sở. Từ đó, chương trình mới có thể trao đúng người, đúng giải, tôn vinh đúng những công nhân môi trường thật sự xứng đáng. Chính vì sự công tâm trong cách làm việc mà ngay từ lần đầu tiên, Ban tổ chức đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Và tôi nghĩ đó cũng là lý do để các đơn vị tin tưởng, ủng hộ chương trình.

Được biết trong Lễ tổng kết và trao giải “Cây chổi vàng” năm 2017, nhà văn đã trực tiếp làm người dẫn chương trình, ông hãy chia sẻ đôi chút với độc giả về cảm xúc khi đứng trên sân khấu trò chuyện với những công nhân vệ sinh môi trường?

Đó không phải là lần đầu tôi làm người dẫn chương trình truyền hình, nhưng đó là lần tôi cảm thấy xúc động nhất. Có nhiều công nhân khi nhắc đến khó khăn trong công việc, nhắc đến những thiệt thòi trong cuộc sống, họ đã rơi nước mắt. Nhất là chị Đỗ Thị Hiền (Bắc Giang) – người đạt giải Cây chổi Kim cương. Khi lên sân khấu chị đã rất bối rối, đôi mắt ngấn nước và đôi tay run run khi nhận bằng chứng nhận và hoa tươi. Tôi không giấu nổi cảm xúc khi nhìn thấy hình ảnh đó.

Trong lần thứ hai tổ chức “Cây chổi vàng” năm 2019, cuộc thi có điểm gì mới so với năm trước, thưa nhà văn?

Sau lần trao giải thứ nhất, cuộc thi đã tạo nên một làn sóng rất ý nghĩa trong dư luận, là đề tài tích cực và nhân văn của báo chí. Với tinh thần đổi mới thiết thực và hấp dẫn hơn, trong năm 2019 này, chúng tôi rất muốn không chỉ các cơ quan báo chí chính thống, các cơ sở công ty thuộc ngành Môi trường, Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam đề cử, mà cả mạng xã hội cũng tham gia đề cử, tuyên truyền, cổ vũ cho chương trình “Cây chổi vàng”.

Ban Tổ chức sẽ tiếp tục gửi gắm những thông điệp tôn vinh công nhân ngành môi trường qua chương trình “Cây chổi vàng”. Năm nay, chương trình sẽ tăng số lượng và giá trị giải thưởng, trong đó nội dung trao tặng nhà tình nghĩa khiến nhiều công nhân tham gia đề cử rất xúc động vì nghề nghiệp của mình được xã hội quan tâm.

Tôi hi vọng rằng “đứa con tinh thần” của Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ thành công hơn nữa trong những mùa giải mới, vươn tới những vùng xa xôi của đất nước, gặp gỡ thật nhiều công nhân ngành vệ sinh môi trường đô thị, để tôn vinh một nghề nghiệp mà xã hội cần trân quý. Từ chương trình “Cây chổi vàng”, tôi mong cho người lao động được tôn vinh nhiều hơn nữa.

Xin cảm ơn nhà văn Đặng Vương Hưng!

Bạn đang đọc bài viết “Từ chương trình “Cây chổi vàng” mong NLĐ được tôn vinh hơn nữa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Phan Ngân

Cùng chuyên mục

Công nhân môi trường bận rộn hơn trong những ngày giáp Tết
Khác với những công việc khác, công nhân môi trường đô thị bận rộn hơn trong những ngày giáp Tết vì khối lượng công việc phát sinh rất nhiều. Vất vả và khó khăn, song họ vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ngày Xuân, tiếng chổi tre xào xạc…
5 giờ sáng những ngày cuối năm, Hà Nội vẫn còn chìm trong màn sương mù lạnh giá, tôi chợt thức giấc vì những tiếng chổi tre. Phải lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại âm thanh vừa lạ vừa quen này…

Tin mới