Từ ký ức sông Hồng đến công viên văn hóa
Lịch sử vùng đất từ thời có tên gọi Tống Bình (454), Đại La (767), đến Thăng Long (1010), Hà Nội (1831) đã gắn liền với những con sông.
Lịch sử vùng đất từ thời có tên gọi Tống Bình (454), Đại La (767), đến Thăng Long (1010), Hà Nội (1831) đã gắn liền với những con sông. sử sách chép rằng, trong cuộc kinh lý, khởi đầu Lý Thái Tổ đi về phía Bắc trên sông Hoàng Long, qua sông Đáy, vào Châu Giang và đến sông Nhị (sông Hồng).
Khi cập bến Tây Long, ông nhận thấy rằng vùng đất Đại La này là trung tâm của giao thông thuỷ bộ, trung tâm kinh tế, văn hoá… Hai bên bờ sông Tô và sông Hồng thuyền bè buôn bán tấp nập.
Sông Tô đoạn chảy qua phía Nam hồ Tây (với các tên gọi khác trong các giai đoạn lịch sử như: Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ…) rất thơ mộng nên được coi là con sông của trai thanh gái lịch. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp lấp sông Tô Lịch nên tuyến giao thông thủy từ Hà Khẩu đến Bưởi cũng không còn. Điều này đã dẫn đến nguồn cung cấp nước cho sông Kim Ngưu cũng mất nên con sông này dần bị thu hẹp. Cửa sông Nhuệ ở phía Tây cũng bị phù sa bồi lấp khiến con sông hẹp dần, từ đó lễ hội bơi thuyền ở vùng Đăm cũng biến mất. Đến khi sông Nhuệ được đào mới từ Liên Mạc, lấy nước sông Hồng tưới cho ruộng đồng đã làm hồi sinh giao thông trên con sông này.
Sông Hồng, dòng sông được nhiều thế hệ cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ coi là dòng sông “mẹ”, đã gắn liền với sự hình thành và phát triển văn hóa, kiến trúc cảnh quan truyền thống của vùng đất này từ bao đời nay.
Trải qua thời gian, biến đổi của địa lý và cả của con người, vai trò của sông Hồng ngày càng ăn sâu vào đời sống đô thị. Đến nay, sông Hồng không chỉ là một trong năm yếu tố Di sản đô thị (phố Cổ, phố Cũ; các công trình di tích lịch sử; các làng xóm đô thị hoá, hệ thống Hồ ao và sông Hồng) đem lại giá trị đặc trưng cho một đô thị lớn như Hà Nội, mà đã đi vào ký ức, tình cảm của bao thế hệ người Hà Nội.
Trong ký ức của người dân Thăng Long – Hà Nội, sông Hồng được xem như là một nhân chứng lịch sử. Trong giai đoạn trước thế kỷ XVIII, nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã cho thấy mối liên hệ của sông Hồng với sự hình thành của khu vực phố cổ, phố cũ. Trong đó Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây được các chuyên gia nhận định là dấu tích còn lại trong quá trình bồi lắng của một nhánh sông Hồng, gắn với nhiều công trình di sản có giá trị lịch sử như Tháp bút và đền Ngọc Sơn, tháp Báo Thiên (đã bị phá huỷ), hay Ô Quan Chưởng (cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô), đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Nhà thờ Lớn (xây dựng năm 1884), Nhà hát Lớn Hà Nội (xây dựng năm 1901), Viện Viễn đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, xây dựng năm 1932) và đặc biệt là cây cầu Long Biên (xây dựng năm 1898- là cây cầu được xây dựng bằng kết cấu thép lớn nhất khu vực Đông Dương lúc bấy giờ)… và rất nhiều công trình tiêu biểu khác. Sông Hồng, nhiều thế kỷ, đã là chứng nhân của một dân tộc cần cù lao động, vật lộn với lũ lụt; từng chứng kiến những biến đổi để chuyển mình thành một đô thị kiểu châu Âu; từng in dấu chân những chiến sỹ cảm tử trong cuộc rút quân lặng lẽ “ra đi hẹn ngày trở lại”, cũng như những bước chân của đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô; từng chứng kiến những ngày đêm oằn mình gánh bom đạn giặc Mỹ,…
Nhưng sông Hồng cũng gánh chịu sự đè nén của tốc độ đô thị hoá ngày càng gia tăng. Mật độ dân cư khu vực ngoài đê tăng cao, các hoạt động vi phạm hành lang đê điều, lấn chiếm, thậm chí san lấp bờ vở, có thời kỳ trở nên phổ biến, nhiều năm không được đầu tư thoả đáng về hạ tầng đường xá, thoát nước, xử lý nước thải…
Trong các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô qua các thời kỳ, sông Hồng và các không gian Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông được xác định đóng vai trò là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển tại bắc sông Hồng, đảm bảo an toàn lũ, an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ý tưởng cải tạo, xây dựng khu vực Bãi Giữa, bờ sông thành công viên văn hoá là một cơ hội để lấy lại những giá trị đã bị mai một của sông Hồng, trả lại những gì mà cuộc sống đô thị đã lấy đi của dòng sông lịch sử này – Hay nói khác đi, đó là cách mà chúng ta “trả nợ” dòng sông.
Cơ sở nghiên cứu, định hướng công viên sông Hồng
Vấn đề cải tạo một dòng sông không phải chỉ riêng Hà Nội gặp phải, trên thế giới, rất nhiều Quốc gia đã từng thực hiện thành công để biến một con sông ô nhiễm thành một con sông trong xanh, sinh thái, một công viên mặt nước đa dạng…
Quá trình đô thị hóa chưa từng có của thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng xuống cấp đáng kể dọc theo sông Feng, do đó việc xử lý môi trường là một trong những công việc chính của dự án. Xuất phát từ một trong ba đường chim di cư chính của Trung Quốc, Dự án đã đề xuất tăng cường các vùng đất ngập nước thủy triều hiện có thông qua việc sử dụng đê quai cao su được cấp nước mưa để mở rộng và cải thiện môi trường sống của chim di cư.
Tại Chicago, Mỹ, một Công viên sinh thái nổi quy hoạch trên sông được gọi là Wild Mile Chicago. Mục đích của nó là phát triển môi trường sống tự nhiên trong hệ thống kênh của Chicago thông qua công viên sinh thái nổi, sử dụng các kênh có sẵn để hỗ trợ môi trường sống dưới nước và vùng đất ngập nước, đồng thời tạo thành một môi trường độc đáo cho cả người chèo thuyền.
Hàn Quốc cũng là một quốc gia rất quan tâm đến cải tạo cảnh quan sinh thái, môi trường các dòng sông. Công viên sông Hàn Yeouido được xây dựng dựa trên bốn dự án mô phỏng sinh học. Bốn dự án cốt lõi này được liên kết với hệ thống giao thông công cộng bằng các vườn cây xanh và cầu đi bộ dây văng: Một bến phà; những bậc thang lớn, đường dành cho người đi bộ, xe đạp và một giảng đường dọc sông; tầng trên gồm các cửa hàng, chợ nông sản; và thứ tư là khu phức hợp văn hoá, hội thảo khoa học, sáng tạo…
Khu vực kênh nước Cheonggyecheon có vị trí trung tâm quan trọng trong lịch sử TP Seoul, kéo dài từ Tây sang Đông, chia đô thị cổ Hanyang thành hai phần. Khi công nghiệp phát triển giữa những năm 1950, kênh bị ô nhiễm trầm trọng và được cống hóa dành mặt bằng để xây dựng các hệ thống đường cao tốc đa tầng. Điều này không những khiến dòng sông bị chết mà còn làm đô thị lộn xộn và thiếu tính bền vững do bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên một cách thô bạo. Nhằm khắc phục tình trạng trên, dựa trên các đánh giá hiện trạng, dự án tái thiết con kênh được quy hoạch thành 3 khu vực chính: Khu vực lịch sử; Khu vực văn hóa và đô thị; Khu vực tự nhiên với các giải pháp được đưa ra là kết nối giao thông, chỉnh trang các công trình kiến trúc, gia tăng yếu tố sinh thái bền vững.
Bên cạnh đó, một số các công trình điểm nhấn như cây cầu ánh sáng Banpo nổi tiếng với các bản nhạc nước kỳ thú về tối và đêm kèm theo không gian công viên sinh thái tự nhiên rộng lớn xung quanh cũng được xây dựng trở thành điểm check in ngắm cảnh nổi tiếng thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, cũng như là nơi cắm trại nghỉ dưỡng thú vị của người dân.
Singapore, với vị thế là một đô thị dịch vụ, du lịch, thương mại hiện đại, các không gian mặt nước bao gồm vịnh biển, ao hồ, đặc biệt là sông nước nội đô luôn được quy hoạch để phát huy các tiềm năng đa dạng. Các dòng sông đều được bảo tồn tối đa, hạn chế tình trạng lấn chiếm không gian mặt nước, bảo tồn bản sắc nơi chốn, kết nối các khu vực di sản.
Singapore, với vị thế là một đô thị dịch vụ, du lịch, thương mại hiện đại, các không gian mặt nước bao gồm vịnh biển, ao hồ, đặc biệt là sông nước nội đô luôn được quy hoạch để phát huy các tiềm năng đa dạng. Các dòng sông đều được bảo tồn tối đa, hạn chế tình trạng lấn chiếm không gian mặt nước, bảo tồn bản sắc nơi chốn, kết nối các khu vực di sản.
Trên cơ sở các yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, với thủ đô Hà Nội, không gian sông Hồng cần được biến đổi mạnh mẽ, để đạt được vai trò là trục cảnh quan quan trọng, điều hòa cân bằng cho đô thị, đồng thời là nơi chơi giải trí, luyện tập thể thao cho người dân, đảm bảo an toàn chống thoát lũ cho đô thị.
Vấn đề đặt ra là việc khai thác quỹ đất tạo giá trị cảnh quan cần được thực hiện như thế nào? Những yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hoá cần được khơi gợi, bảo tồn dưới những hình thức nào để có thể phát huy? – Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng việc khai thác quỹ đất ở đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vậy cần xác định phạm vi của quy hoạch – dự án ở những phần quỹ đất có khả năng thực hiện.
Mặt khác, khu vực Bãi Giữa, bờ vở sông Hồng không thể tách rời khỏi đô thị. Nó luôn gắn bó với các khu dân cư ngoài đê cần được cải tạo, chỉnh trang, thậm chí mở các trục xanh để kết nối dòng sông với phần đô thị hiện hữu. Những di sản kiến trúc đặc trưng của Hà Nội như cây cầu Long Biên cổ kính, chợ Đồng Xuân,… cần được gắn kết để tạo ra một giá trị cao hơn.
Gới ý ý tưởng công viên cảnh quan văn hóa sông Hồng
Trên cơ sở các nghiên cứu, định hướng nêu trên, chúng tôi gợi ý các ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng, bao gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc Khu phố Cổ, phố Cũ.
Khu vực đầu tư mới nằm ở bãi giữa và ven sông Hồng được chia thành 3 phần chính, ngược theo “dòng thời gian – sông Hồng”, tương ứng các thời kỳ lịch sử: Khu vực quận Hoàn Kiếm – thời thị thành Phong kiến “trên bến dưới thuyền”; Khu vực cầu Long Biên- quận Long Biên, Ba Đình – thời kỳ cận hiện đại: Pháp thuộc và chiến tranh chống Pháp, Mỹ; khu vực quận Tây Hồ – thời đương đại: văn hoá, vui chơi giải trí kết hợp sinh thái…
Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian – kết nối thị giác với Khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên.
Đồng thời, đề xuất tạo dựng các quảng trường tại khu vực Bãi Giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân – chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu….
Đó mới chỉ là các gợi ý, đề xuất ý tưởng xây dựng công viên sông Hồng, quận Ba Đình cũng như các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên mong muốn qua cuộc thi ý tưởng xây dựng “Công viên văn hoá đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” lần này sẽ phát huy được sức sáng tạo, các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để đưa con sông Hồng xứng tầm là một di sản của Thủ đô.
(Theo Báo cáo từ Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc lập đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành Công viên văn hóa đa chức năng”, Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời, hướng tới cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND TP phê duyệt.