Thứ năm, 25/04/2024 09:10 (GMT+7)

Từ nhà mạng viễn thông trở thành doanh nghiệp công nghệ số

MTĐT -  Thứ năm, 04/03/2021 09:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT đã khẳng định vị trí tiên phong, dẫn dắt trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, trở thành một trong những lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

Với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ số (Digital Hub) của Châu Á vào năm 2030, bằng những bước đi bài bản, chắc chắn, trong thời gian qua. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT đã khẳng định vị trí tiên phong, dẫn dắt trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, trở thành một trong những lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/TTg ngày 3/6/2020 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định chủ đề “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 là: khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Dự thảo cũng xác định: “Phải đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số cho các cơ quan nhà nước một các tập trung, thông suốt, hiệu quả phục vụ phát triển cho kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ số, kinh tế số”.

Có thể thấy, chuyển đổi số chính là con đường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế Việt Nam. Là tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, VNPT nhận thức phải tiên phong, dẫn dắt triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 52/TƯ ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ. Đây không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là sứ mệnh của VNPT. Vì vậy, trong những năm qua, Tập đoàn VNPT đã nỗ lực, kịp thời nắm bắt cơ hội và đi đúng hướng trên con đường tự đổi mới để phát triển nhanh và bền vững. Tập đoàn có những bước thành công đáng khích lệ trong tiến trình chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông thành doanh nghiệp CNTT và nay là doanh nghiệp công nghệ số, củng cố ngôi vị nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, góp phần nâng tầm vị thế trụ cột và dẫn dắt của tập đoàn trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc VNPT nói: “Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề chuyển đổi số. VNPT cam kết sẽ triển khai tích cực nội dung chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành; đồng thời khẳng định sự tham gia với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cùng đồng hành hỗ trợ để có những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp”.

Tham gia sâu chuyển đổi số nền kinh tế

Trước làn sóng CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tự thiết lập cũng như hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam cũng như đưa các công nghệ đó vào các giải pháp sẵn có của mình để đáp ứng một cách thông minh nhất nhu cầu của khách hàng.

Hệ sinh thái giải pháp số của VNPT ngày càng phong phú và hoàn thiện ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, y tế, nông nghiệp, giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Trước hết là 3 hệ thống phần mềm lớn đặt nền móng cho Chính phủ điện tử mà VNPT được Chính phủ tin tưởng đặt hàng. Trục liên thông văn bản quốc gia vận hành tháng 3/2019 hiện đã kết nối với 100% bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Cổng dịch vụ công quốc gia khai trường tháng 12/2019 đến nay đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng hoạt động từ tháng 8/2020 là điểm nhấn quan trọng, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện và VT-CNTT với 55/63 tỉnh thành, tiếp cận giới thiệu và tư vấn đề án đô thị thông minh cho gần 30 tỉnh/ thành phố. Đến nay, VNPT đã đưa hệ sinh thái số tiếp cận đến tất cả các lĩnh vực quản lý của 63 tỉnh, thành phố phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính của địa phương. Cùng với đó, Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 55 tỉnh/thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh. VNPT cũng đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại gần 30 tỉnh/thành phố và cung cấp giải pháp du lịch thông minh cho gần 50 tỉnh/thành phố…

Trong phát triển kinh tế số, tập đoàn đã tham gia thúc đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp từ các tập đoàn kinh tế nhà nước tới doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tích cực, chủ động tổ chức, tham gia các hội nghị chuyển đổi số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, xây dựng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về khung chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa. VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để giúp số hóa toàn diện một doanh nghiệp. Hiện, Tập đoàn đang thực hiện chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn. Lãnh đạo tập đoàn cho biết rất quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và sẽ đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp với các nền tảng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng đơn vị. Trong chuyển đổi số xã hội, VNPT đã cung cấp các giải pháp số trong mọi lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội. Hiện có gần 60% trường học trong cả nước sử dụng giải pháp vnEdu như bài giảng điện tử, học trực tuyến quản lý tuyển sinh… Ứng dụng quản lý y tế, quản lý xét nghiệm, phần mềm lưu trữ, bệnh án điện tử, hệ thống thông tin bệnh viện, khám chữa bệnh từ xa… của tập đoàn đã thâm nhập gần 100% bệnh viện các tuyển trên cả nước.

Bằng việc thực hiện chuyển đổi số khách hàng, hình thành thói quen và tương tác số trong tiếp cận, mua bán và sử dụng sản phẩm dịch vụ của VNPT thông qua thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt VNPT Pay và các trải nghiệm trực tuyến chất lượng cao qua hệ thống bán hàng tập trung. VNPT đã đóng góp hình thành và phát triển xã hội số. Có thể nói, tập đoàn VNPT đã từng bước đặt những dấu chân vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, thể hiện được vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. Đó là cơ sở vững chắc để VNPT tiếp tục triển khai các nhiệm chiến lược, đưa tập đoàn phát triển đúng tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực Châu Á.

Còn dư địa lớn cho kinh tế số

Ảnh hưởng của Covid khiến mình không thể gặp nhau, phải chuyển qua kinh tế số. Chúng ta phải chuyển qua kinh tế số để không gặp nhau nhưng vẫn giao dịch được. Như ở Sendo, chúng tôi vừa làm kinh tế số vừa làm thị trường bán lẻ. Chúng tôi nhận thấy từ năm 2021 trở đi, dư địa phát triển thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung còn rất nhiều tiềm năng.

Theo số liệu Sendo và báo cáo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, TP HCM và Hà Nội chiếm 18% dân số nhưng lại mang về hơn 70% lượng giao dịch thương mại điện tử. Trong khi các địa phương còn lại chiếm hơn 80% dân số nhưng chỉ mang lại 30% lượng giao dịch thương mại điện tử. Như vậy có nghĩa là dư địa phát triển ở khu vực địa lý rộng lớn, với dân số lớn và với tốc độ tăng thu nhập nhanh nằm ở khu vực ngoài TP HCM và Hà Nội còn rất lớn.

Chính phủ có Quyết định 749 đặt ra mục tiêu tham vọng đảm bảo kinh tế số đạt 20% GDP trong 2025, điều đó thể hiện niềm tin của chính phủ với ngành kinh tế số.

Dưới góc nhìn của nhà bán hàng, nhà sản xuất thì sao? Trước Covid, khi gặp họ, chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm với thương mại điện tử thì họ hưởng ứng, còn doanh nghiệp truyền thống thì cảm thấy e ngại khi tham gia thương mại điện tử vì muốn giữ kênh kinh doanh truyền thống. Nhưng khi Covid xảy ra, kênh truyền thống bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận với khách hàng qua kênh thương mại điện tử và họ chủ động và chào đón chúng tôi.

Covid chính là yếu tố đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Về hệ sinh thái và chính sách phát triển thì logicstics chính là điểm quan trọng của nền kinh tế số và cũng là trở ngại cho phát triển thương mại điện tử. Nếu giải quyết được vấn đề này thì thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh hơn.

Quan điểm của ông Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - về động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 trong bài trả lời phỏng vấn:

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới dựa vào việc thực hiện một cách có hiệu quả 8 động lực chính.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh tốt cho khu vực doanh nghiệp. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 1/2020, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Hai là, nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư thông qua cải thiện hệ số ICOR. Mặc dù bình quân giai đoạn 2016 – 2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011 – 2015 nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Do đó, phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI.

Ba là, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm, thủy hải sản trong GDP, chuyển dần lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Bốn là, nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động của doanh nghiệp hiện nay bị ảnh hưởng bởi năng lực quản trị, quy mô và trình độ lao động của doanh nghiệp chưa hợp lý… Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp có quy mô từ 100 đến 200 lao động có năng suất lao động cao nhất trong khu vực doanh nghiệp.

Năm là, khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại (FTA). Hiện Việt Nam đã ký kết 13 FTA, cơ hội xuất khẩu hàng hóa là rất lớn.

Sáu là, đầu tư công. Đầu tư công vẫn là động lực có tính lan tỏa rất lớn đối với đầu tư tư nhân và FDI. Đầu tư công hiệu quả là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bảy là, áp dụng công nghệ số. Thống kê cho thấy số thuê bao di động và số thuê bao truy cập Internet tăng 10 điểm phần trăm sẽ đóng góp vào mức tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế khoảng 0,2 – 0,4%.

Và cuối cùng, quá trình đô thị hóa cũng là một động lực để tăng tổng cầu của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quỳnh Anh, “VNPT sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số quốc gia”, Tạp chí Kinh tế xuân Tân Sửu.
  2. Lê Anh Huy – Phó Tổng Giám đốc Sendo, “Còn dư địa lớn cho kinh tế số”.
  3. Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế thành phố HCM, “Tháo chốt cho kinh tế số”.
  4. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, “Duy trì nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Bạn đang đọc bài viết Từ nhà mạng viễn thông trở thành doanh nghiệp công nghệ số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành