Thứ sáu, 29/03/2024 08:52 (GMT+7)

Từ Thủ Thiêm, nhìn lại số phận những nhà hát ngàn tỷ ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ bảy, 13/10/2018 16:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội từng có kế hoạch xây dựng các nhà hát “hoành tráng” với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng đến nay những nhà hát này cũng chỉ nằm trên giấy tờ hoặc bị đã bị “khai tử”.

Nhà hát Hoa Sen hiện đại bậc nhất Thủ đô

Dự án nhà hát Hoa Sen lớn và hiện đại nhất Thủ đô nằm trong khu “đất vàng” Khu công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy).

Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước, dự kiến xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí…

Phối cảnh nhà hát Hoa Sen chưa kịp triển khai đã bị "khai tử". Ảnh: Internet. 

Hồi tháng 7/2017, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, trong đó có dự án nhà hát Hoa Sen.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2018, trong thông báo sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các đại biểu dự họp, tập thể lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, lý do dừng là nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa. Ngoài ra, sau khi cân đối nguồn lực và hiện Hà Nội đang có một số nhà hát nên nhà đầu tư quyết định dừng xây dựng nhà hát Hoa Sen.

Nhà hát Thăng Long 8 năm vẫn dậm chân tại chỗ

Từ năm 2010, vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP cũng dự định động thổ Nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ), quy mô chiếm đất khoảng 22,263 ha.

Nhà hát Thăng Long bao gồm một khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển từ 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra, có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời.

Thời điểm đó TP. Hà Nội khái toán tổng mức đầu tư dự án hơn 2.398 tỷ đồng, với dự định nguồn vốn đầu tư cả giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đều do ngân sách Nhà nước cấp. Sở Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư.

Nhà hát Thăng Long án binh bất động hơn 8 năm nay. Ảnh: Internet. 

Theo thành phố, vị trí nhà hát Thăng Long thể hiện được vị trí xứng tầm cho một công trình mang tính biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tạo giá trị cảnh quan khu vực Hồ Tây, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước.

Tuy nhiên từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, hơn 8 năm đã qua, nhưng nhà hát Thăng Long vẫn chưa được động thổ. Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, TP đã tạm dừng dự án này. Lý do được ông Động cho biết là do gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi là đơn vị quản lý văn hóa, do vậy rất ủng hộ chủ trương xây dựng Nhà hát Thăng Long”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nêu quan điểm.

Năm 2017, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, dự án nhà hát Thăng Long là một trong những dự án chậm triển khai vì ngân sách TP có hạn nên Sở này muốn chuyển hình thức đầu tư.

Nhà hát Opera chuẩn thế giới ở Hồ Tây

Tại buổi gặp gỡ đầu xuân với giới văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô năm 2017, chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây và nghiên cứu khôi phục “tháp Effel nằm ngang của Việt Nam” là cầu Long Biên.

Theo đó, nhà hát này dự kiến được xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ và được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Chủ đầu tư nhà hát này cho biết, kiến trúc sư nổi tiếng của Ý được mời để thiết kế nhà hát này.

Thế nhưng cũng giống như công trình ở trên, nhà hát Opera không nhận được sự ủng hộ của người dân vì họ cho rằng nhu cầu về loại hình này của công chúng Việt Nam không nhiều. Xây dựng thêm một nhà hát chỉ gây lãng phí. Và cho đến nay, dự án này vẫn đang “án binh bất động”.

Nhiều nhà hát khó khăn, ế ẩm khách

Trong khi đó, những nhà hát như Nhà hát lớn, Nhà hát chèo Kim Mã hay Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ... dù được đưa vào sử dụng đã lâu nhưng cũng không thoát khỏi cảnh "đìu hiu" khách.

Được xây dựng từ năm 1911, trải qua hơn 107 năm, Nhà hát lớn Hà Nội luôn được giới nghệ sĩ xem là “thánh đường nghệ thuật”. Khán phòng Nhà hát cao 3 tầng tổng cộng 870 ghế ngồi. Mỗi tháng trung bình có khoảng 8 chương trình được tổ chức, từ hòa nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, ballet đến bolero, đêm nhạc nhẹ, đêm thơ, lễ kỷ niệm, show trình diễn của nghệ sĩ tóc.

Tuy nhiên, trao đổi với Vnexpress, bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn Nhà hát lớn thừa nhận rằng: “Thường chỉ một vài buổi trong năm khách ngồi kín ghế”.

Dù mới được tu sửa với mức kinh phí lên tới 24,6 tỷ đồng và hoạt động trở lại từ cuối năm 2009 nhưng Nhà hát chèo Việt Nam nằm ngay ngã tư Kim Mã - Giang Văn Minh luôn trong tình trạng “ế khách”.

Nhà hát chèo Việt Nam liên tục bị bù lỗ vì ế khách. Ảnh: Internet. 

“Nhiều buổi diễn chỉ hai khách xem, chúng tôi chấp nhận bù lỗ để diễn vì tôn trọng khán giả. Một năm được vài buổi kín ghế. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, bán vé như đi câu, ngày nhiều ngày ít. Vào mùa hè, mùa du lịch, lượng vé bán rất ít”, bà Vũ Hương Lan, quyền Trưởng ban quản lý Rạp hát Kim Mã chia sẻ.

Còn Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, trung bình mỗi tháng diễn ra 15-16 sự kiện. Với khoảng 800 ghế, mỗi năm trung tâm đón gần 100.000 lượt khán giả cũng than khó.

Ông Phạm Huy Hoàng, Trưởng ban Quản lý Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam) cho biết, so với các đơn vị khác, Trung tâm Âu Cơ hoạt động có hiệu quả, nhưng cũng đang gặp khó.

Ông Hoàng thẳng thắn nói những chương trình của Nhà hát ca, múa, nhạc có những nghệ sĩ tên tuổi như Phương Thảo, Tố Nga, Đức Long..., nhưng khi bán vé cũng chỉ được mấy chục. “Công chúng hiện giờ chỉ mua vé xem chương trình của ngôi sao thời thượng. Nếu chúng tôi tặng vé thì có người đến xem, chứ bán thì không ai mua”, ông Hoàng nói.

Trưởng ban Quản lý Trung tâm Âu Cơ cho rằng nếu hướng đến kinh doanh thì số ghế của đơn vị chưa đáp ứng. Các chương trình của nghệ sĩ lớn thường ít lựa chọn tổ chức ở đây mà chọn Cung Hữu Nghị Hà Nội hoặc Trung tâm Hội nghị quốc gia vì số lượng ghế lớn, đáp ứng nhu cầu khán giả và nhà tổ chức. Các sự kiện có nguyên thủ quốc gia thì không gian nhà hát khá chật hẹp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Từ Thủ Thiêm, nhìn lại số phận những nhà hát ngàn tỷ ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.