Thứ sáu, 26/04/2024 01:50 (GMT+7)

Tư vấn Pháp đề nghị không xây đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất

MTĐT -  Thứ tư, 28/02/2018 08:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều qua (27/2), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp nghe Tư vấn báo cáo cuối kỳ về điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án mở rộng, nâng cấp  sân bay Tân Sơn Nhất đang được dư luận và Chính phủ rất quan tâm.

Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay lớn nhất của Việt Nam, đang quá tải nghiêm trọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu, thuê tư vấn để đề xuất với Chính phủ một phương án để mở rộng, nâng cấp tốt nhất.

“Vì mức độ quan trọng, nên dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu tư vấn quốc tế để nghiên cứu đưa ra phương án tối ưu nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sân bay Tân Sơn Nhất không nên vượt 50 triệu khách/năm

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tư vấn ADPi Engineering (Pháp) khẳng định việc nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn khách quan và độc lập. Phương án của ADPi tập trung vào dự báo về hàng không; đưa ra đề xuất phương án quy hoạch đến năm 2025.

Đáng chú ý, trong báo cáo của đơn vị tư vấn cho rằng “Không nên xây dựng đường cất/hạ cánh mới để tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên trên 50 triệu hành khách”.

Sân bay Tân Sơn Nhất thường rơi vào tình trạng quá tải, nhất là trong những dịp Tết - Ảnh: Dân Trí.

Cụ thể, theo ADPi, tới năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác với công suất 50 triệu hành khách. Đây cũng là thời gian sân bay quốc tế Long Thành đi vào khai thác. Để đáp ứng được điều này, ADPi cho rằng, cần cải thiện hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn (bổ sung thêm đường lăn); cải thiện phương thức khai thác vùng trời; tổ chức lại sân đỗ, mở rộng khu vực nhà ga bao gồm vị trí sân đỗ tàu bay và nhà ga hành khách; phát triển thêm giao thông tiếp cận và cuối cùng là phát triển nhà ga hành khách và dịch vụ ở khu vực phía Nam sân bay. Tại khu vực phía Bắc, ADPi khuyến cáo phát triển hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ.

Đại diện ADPi cũng thẳng thắn nói: “Chúng tôi tự đặt ra câu hỏi, liệu có thể phát triển sân bay Tân Sơn Nhất vượt qua 50 triệu khách, lên tới 60, thậm chí là 70 triệu khách không?

Trên cơ sở tính toán khoa học, với cấu hình hiện tại, chúng tôi khẳng định, chỉ có thể đạt công suất tối đa 50 triệu khách/năm. Nếu muốn vượt trên ngưỡng này, phải xây thêm 1 đường cất hạ cánh mới cũng như phải tăng khoảng cách giữa các đường cất hạ cánh. Tuy nhiên, khi đó chúng ta phải giải tỏa mặt bằng đất dân cư vô cùng tốn kém. Đó là chưa nói đến việc ảnh hưởng tiếng ồn đối với cộng đồng dân cư xung quanh”.

Cũng theo ADPi, để đạt công suất 50 triệu khách/năm, nếu phát triển nhà ga hành khách phía Bắc, nhược điểm lớn là khu vực nhà ga bị chia cắt thành 2 bên của hệ thống đường cất hạ cánh; Chi phí vận hành tăng do thiếu sự hợp nhất của cơ sở hạ tầng; Diện tích đất cần phải thu hồi lớn, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện do phải đáp ứng nhu cầu giao thông đến khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Trong khi đó, nếu phát triển nhà ga hành khách ở phía Nam sẽ giúp giảm diện tích đất cần phải thu hồi; Khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn; Vận hành tàu bay và hành khách đơn giản hơn; Tối ưu hóa đất sử dụng; Giảm khối lượng công việc thi công (vốn tác động rất nhiều đến chi phí và thời gian).

ADPi đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ lên phía Bắc. Điều này sẽ giúp giảm cắt ngang qua đường cất hạ cánh (tăng tính an toàn và công suất); Giảm tối thiểu thời gian lăn (giảm chi phí, tiết kiệm nhiên liệu). Việc kết nối giao thông khi đó cũng đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng kết nối với hệ thống giao thông hiện tại. Phát triển như vậy cũng sẽ sử dụng phát triển sau giai đoạn 2025 với các hoạt động hàng không như: Hàng hóa, sửa chữa, logistics…

Tranh cãi trái chiều về phương án của ADPi

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP. HCM trình bày quan điểm rằng, phương pháp dự báo của tư vấn không khoa học dẫn đến thiếu tin cậy. Cụ thể, đơn vị tư vấn nhầm lẫn giữa dự báo nhu cầu và dự báo cung: “Một sân bay đã hoạt động hết công suất thì cung không thể tăng, nếu lập luận không tăng nên không cần mở rộng là thiếu logic…”.

TS Hùng cũng khẳng định ADPi thiếu sự phân tích lợi ích giữa các phương án mà chỉ nói đến chi phí các phương án. Như vậy là chỉ giới thiệu một nửa bức tranh, dẫn tới kết quả lựa chọn không phù hợp. “Làm kinh tế chúng ta phải tính nếu bỏ ra 5 đồng mà mang lại lợi ích kinh tế 10 đồng thì nên đầu tư. Lựa chọn phương án không phù hợp sẽ tạo ra nhiều hệ lụy” - ông Hùng nói.

ADPi cho rằng không nên xây thêm đường băng thứ 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Internet.

Ông cũng cho rằng các phương án của tư vấn đưa ra là kém hiệu quả, đồng thời đề nghị cần phân tích kỹ hơn những ảnh hưởng về kinh tế-xã hội, tài chính… Nhiều chuyên gia, đại biểu cũng có những băn khoăn tương tự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), đơn vị tư vấn mở rộng Tân Sơn Nhất trước đó, đồng tình với việc chỉ nên phát triển quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam.

Nhưng theo ông Tùng, mục tiêu giải cứu Tân Sơn Nhất là sao cho nhanh nhất, rẻ nhất, nếu xây dựng nhà ga mới tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi diện tích rất lớn, không thể chỉ lấy 40 ha mà phải lấy hơn 70 ha của đất quốc phòng.

“Phương án khả thi nhất là lấy theo phương án 12,54 ha trước đây đã rà soát, giai đoạn 2 mới làm thêm”, ông Tùng nói và cho rằng cần khái toán lại chi phí GPMB do phương án tư vấn đưa ra chưa đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp hôm 27/2 - Ảnh: Báo Giao thông.

Phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin thêm: Trước đây, ADCC đã nghiên cứu quy hoạch và được hội đồng thẩm định thông qua. Tuy nhiên, một số dư luận cho rằng, kết quả nghiên cứu chưa khách quan. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn tư vấn độc lập của nước ngoài đưa ra các phương án quy hoạch. ADPi đã nghiên cứu và đưa ra đánh giá khách quan. Những nghiên cứu của ADPi là cơ sở để ta hoàn chỉnh quy hoạch một cách khách quan, tạo sự đồng thuận.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tư vấn phải đưa ra bài toán tổng thể cụm sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cam Ranh. Từ đó xác định được sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ được tối ưu bao nhiêu hành khách/năm.

Ngoài ra, tư vấn cần làm rõ và cụ thể hơn nữa khai thác đất ở phía Bắc và phía Nam sân bay như thế nào cho hiệu quả nhất. Quy mô, diện tích của nhà ga và vấn đề giao thông tiếp cận như thế nào cho đảm bảo nhất.

Bộ trưởng giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc thêm với đơn vị Tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng.

P.V (tổng hợp theo Zing, TNO, LPO, báo Giao thông)

Bạn đang đọc bài viết Tư vấn Pháp đề nghị không xây đường băng thứ 3 ở Tân Sơn Nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.