Thứ sáu, 26/04/2024 02:41 (GMT+7)

Từ vụ kit Việt Á: “Test phòng, chống tham nhũng” của Việt Nam

MTĐT -  Thứ hai, 27/06/2022 16:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tất cả các biểu hiện “lọt lưới”, tự tin chỉ đạo, sai phạm trong ngành y tế, mua sắm kit test Việt Á kể trên cũng chính là một kết quả “test về phòng, chống tham nhũng” hiện nay của Việt Nam.

Trong hoàn cảnh phải chống chọi, chịu đựng nhiều hậu quả tàn khốc, tang thương về mọi mặt bởi đại dịch Covid-19, đất nước và người dân Việt Nam còn phải gánh chịu một “đại dịch” khác là tham nhũng, tiêu cực diễn ra theo kiểu “dịch chồng dịch” một cách tràn lan, quy mô trong ngành y tế và tại nhiều tỉnh, thành ngay trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.

“Dịch chồng dịch” ấy chính là các vụ việc, vụ án đã bị khởi tố, điều tra, xét xử liên quan đến nhiều vi phạm trong việc mua sắm sản phẩm, trang thiết bị y tế, máy móc xét nghiệm, “nghiên cứu, sản xuất”, mua bán kit test Việt Á…

Theo xác định bước đầu của cơ quan điều tra, các vụ mua bán kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á có tổng kinh phí lên tới 4.000 tỷ đồng và Việt Á đã chi tới 800 tỷ “hoa hồng” cho các đối tác bắt tay, thông đồng giúp doanh nghiệp “thổi giá” bán kit test (giá tăng khống lên khoảng 45%). Nhiều đối tượng liên can, bị can trong vụ kit test Việt Á đã bị xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính. Trong đó, mới nhất và thuộc hàng cộm cán to nhất tính đến nay là hai bị can Nguyễn Thanh Long - cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bộ trưởng Bộ Y tế và Chu Ngọc Anh - cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; cả hai ông đều đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vào ngày 7.6.2022.

Cho đến nay, vụ án - “đại dịch kit test Việt Á” chưa kết thúc điều tra, xử lý. Tuy nhiên, ngoài việc quyết tâm chống tham nhũng đã thể hiện nêu trên, nếu thẳng thắn nhìn lại “thành tích”, hành vi, diễn tiến sai phạm, thông đồng của các bị can, đối tượng liên can trong vụ án “đại dịch kit test Việt Á” cũng cho thấy phần nào kết quả của công tác phòng tham nhũng trong lĩnh vực y tế vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn bị “lọt lưới”, “thủng lưới” tràn lan, kể từ Bộ Y tế đến 16 CDC trong số 62/63 CDC tỉnh, thành đã mua kit test Việt Á.

Từ vụ kit Việt Á: “Test phòng, chống tham nhũng” của Việt Nam
Những đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố trong vụ án Việt Á. Ảnh: Bộ Công an

Có nhiều lãnh đạo CDC tỉnh, thành phố trước khi bị khởi tố, bị bắt đều mạnh mẽ, tự tin công bố “không nhận một đồng nào” của Việt Á khi mua kit test. Thế nhưng, sự thật như cơ quan điều tra đã thông tin, báo chí đã phản ánh thì nhiều trường hợp đã nhận “lại quả”, “hoa hồng” với số tiền hàng tỷ, hàng chục tỷ khiến người dân phải kinh ngạc, cảm thấy “quá đỗi dã man”. Ngay bị can - cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước ngày bị kỷ luật khai trừ Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam, trên diễn đàn Quốc hội vẫn còn bày tỏ “quyết liệt, quyết tâm” chỉ đạo xử lý, thực hiện phòng chống tham nhũng của Bộ Y tế và cả trong việc xử lý vụ kit test Việt Á! Đến nay thì đã rõ, các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đều “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước…; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19” như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kết luận.

Thêm một góc nhìn nữa, từ trường hợp giám đốc CDC Hà Nội Trương Quốc Việt (49 tuổi) vừa “kế bước” bị bắt (sau hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh). Ông Việt là người đã được điều động về làm phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, từ tháng 6.2020, sau khi giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố bị can, bị bắt từ tháng 5.2020. Tháng 12.2020 Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên án sơ thẩm với mức án 10 năm tù vì vi phạm các quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng khi mua sắm máy móc xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Vậy mà, giám đốc CDC Hà Nội kế nhiệm là Trương Quốc Việt vừa bị bắt khẩn cấp để điều tra cũng về hành vi vừa nêu. Phải chăng, dù đã thấy án tù của tiền nhiệm nhưng Trương Quốc Việt vẫn không sợ, tiếp tục vi phạm khi mua sắm kit test Việt Á?

Cuối tháng 6.2021, khi TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm các quy định đấu thầu tại CDC Hà Nội, có hơn 30 CDC các tỉnh, thành phố cùng hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan đã gởi đơn đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và 5 đồng phạm tại CDC Hà Nội. Vậy, có bao nhiêu đơn vị trong số 30 CDC tỉnh, thành gởi đơn “chia lửa” cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cũng mua kit test Việt Á? Phải chăng, đó cũng là một cách thể hiện sự liên kết mạnh mẽ khi bị luật pháp “sờ gáy” và cũng là một trong những cơ sở để lãnh đạo CDC các tỉnh, thành phố khác tự tin sai phạm khi mua kit test Việt Á?

Tất cả các biểu hiện “lọt lưới”, tự tin chỉ đạo, sai phạm trong ngành y tế, khi mua sắm thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, mua sắm kit test Việt Á kể trên cũng chính là một kết quả “test về phòng, chống tham nhũng” hiện nay của Việt Nam. Qua đó, cho thấy còn có rất nhiều lỗ hổng, nhất là trong việc phòng ngừa tham nhũng cần phải được “vá” kịp thời. Bởi nếu không vá các “lỗ hổng” đó, để tăng cường khả năng ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng từ chính cơ chế, thể chế thực thi phòng, chống tham nhũng thì khả năng liên kết, thông đồng vi phạm pháp luật của nhiều đối tượng có thể lây lan trong nhiều lĩnh vực khác mà hậu quả, nguy cơ hại dân, hại nước còn có thể kéo dài và nặng nề hơn.

Bạn đang đọc bài viết Từ vụ kit Việt Á: “Test phòng, chống tham nhũng” của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.