Thứ sáu, 29/03/2024 23:01 (GMT+7)

Túi nilon đang “tàn phá” Trái đất như thế nào?

MTĐT -  Thứ bảy, 17/03/2018 11:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự ra đời của các sản phẩm từ nilon đã mang lại nhiều mặt tích cực cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng túi nilon hàng ngày lại đang âm thầm tàn phá Trái đất của chúng ta.

Nilon là một hợp chất cao phân tử, một loại chất dẻo với những phân tử nặng, siêu dài, hợp thành bởi những thành tố nguyên tử tuần hoàn liên tục. Nilon được phát minh vào năm 1935 bởi nhà khoa học người Mỹ Wallace Hume Carothers – tác giả của hơn 100 bằng sáng chế và 50 tài liệu kỹ thuật được phổ biến trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Carothers đã không được thấy phát minh khoa học của mình góp phần vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại, thậm chí trở thành một sản phẩm thông dụng trong đời sống hằng ngày, khi ông qua đời năm 1937.

Năm 1938, DuPont - Giám đốc Sở Hóa học của Công ty Hóa học DuPont (Mỹ) đã đưa nilon vào sản xuất với thành phẩm đầu tiên là chiếc bàn chải đánh răng. Hai năm sau, vật liệu mới này đã tạo ra một làn sóng đáng kinh ngạc khi những đôi tất da chân bằng nilon được bày bán với lượng tiêu thụ lên tới con số 5 triệu đôi trong một ngày.

Túi nilon góp phần vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Ảnh: minh họa: Internet.

Cho đến ngày hôm nay, nilon đã làm thay đổi cả thế giới nhờ ưu điểm bền chắc, tiện dụng, chịu được các hiện tượng thời tiết, hay kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc, côn trùng và giá thành thấp.

Loại vật liệu này nhanh chóng “phủ sóng” trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội. Thế nhưng, không phải cái gì được sản xuất từ nilon cũng tốt. Có những vật dụng được sản xuất từ nilon đã trở thành hiểm họa cho môi trường sống của con người - đó chính là túi nilon.

Túi nilon đang hủy diệt Trái đất?

Theo ước tính của các chuyên gia, cứ 1km vuông đại dương lại có khoảng 17.692 mẩu rác (gồm túi nilon và các phế phẩm từ nhựa).

Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong hơn 40 năm qua lượng túi nilon thải ra đây đã gia tăng tới 100 lần. Nếu con người xóa sổ loại chất thải này, đại dương sẽ được trả lại sự trong sạch và tươi đẹp.

Theo các chuyên gia sinh vật học, túi nilon là thủ phạm gây ra cái chết của rùa biển vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

Việc sản xuất loại túi này sẽ thải ra môi trường rất nhiều CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Theo ước tính, tiết kiệm 8 chiếc túi nilon có thể đủ năng lượng cho một chiếc xe ô tô chạy trong 1km. Vậy mà cả thế giới lại đang lãng phí tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ để sản xuất túi nilon?

Mặc dù đem đến nhiều lợi ích nhưng túi nilon cũng đang đe dọa tính mạnh con người, ở Mỹ, mỗi năm có 25 trẻ sơ sinh qua đời vì bị túi nilon bịt kín gây ngạt thở.

Chưa hết, vì sự tiên lợi mà không ít người sử dụng túi nilon để đựng đồ ăn nóng. Họ không hề biết rằng, túi nilon khi gặp nhiệt độ nóng sẽ sinh ra các kim loại nặng như cadimi, chì gây ung thư não, phổi hoặc biến đổi giới tính người sử dụng.

Nhưng những tác hại nó mang đến không thể lường trước được. Ảnh: Internet.

Phải mất từ 500 - 1.000 năm để phân hủy

Các nhà khoa học trên thế giới cho biết, tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.

Phải mất hàng nghìn năm mới phân hủy được túi nilon. Ảnh: Internet.

Túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Hàng triệu túi nilon được xả ra mỗi ngày

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.

Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.

Mặc dù biết sử dụng túi nilon gây ô nhiễm môi trường và có hại cho sức khỏe, nhưng đó gần như là thói quen không thể vứt bỏ. Nên dù phải chịu thuế môi trường từ 30.000 – 50.000 đồng/kg nhưng hiện loại túi nilon thông thường bán ở các chợ lại có giá rẻ hơn hẳn so với túi ni lông thân thiện, chỉ từ 23.000 - 50.000 đồng/kg.

Nhiều tiểu thương cho biết, họ không quan tâm đến loại túi nào thân thiện với môi trường chỉ biết là loại nào rẻ thì dùng.

Thuế hiện hành chưa đủ răn đe

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tình trạng trên, có thể sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bộ máy giám sát thực thi và vật dụng thay thế (túi nilon thân thiện với môi trường).

Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Môi trường đang bị tàn phá nghiêm trọng vì túi nilon. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) quy định đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế 40.000 đồng/kg, còn nếu sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường thì không phải đóng thuế.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon từ mức 30.000-50.000 đồng/kg hiện tại lên 40.000-200.000 đồng/kg.

Theo tính toán của lãnh đạo Bộ Tài chính, với khung thuế hiện nay, nếu nâng mức thuế lên mức trần là 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương từ 250-500 đồng/túi - chưa có tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế BVMT cao hoặc thậm chí cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon.

Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế suất đối với túi nilon của Việt Nam hiện nay chưa có nhiều tác dụng thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nilon.

Tổng hợp theo (Bộ TN&MT, TTXVN)

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Túi nilon đang “tàn phá” Trái đất như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới