Thứ bảy, 20/04/2024 05:10 (GMT+7)

Tuổi trẻ là hạt nhân bảo vệ nguồn nước

MTĐT -  Thứ ba, 26/03/2019 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với vai trò là thủ lĩnh của các cơ sở Đoàn, tôi đề nghị các đoàn viên thanh niên phải xung kích đi đầu trong các hoạt động bảo vệ nguồn nước.

“Với vai trò là thủ lĩnh của các cơ sở Đoàn, tôi đề nghị các đoàn viên thanh niên phải xung kích đi đầu trong các hoạt động bảo vệ nguồn nước. Lực lượng thanh niên là hạt nhân tích cực nhất tạo nên sự thay đổi về nhận thức của người dân trong việc giữ an ninh nguồn nước, đảm bảo tính bền vững của tự nhiên”.

Đây là mong muốn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối với các đoàn viên thanh niên Bộ TN&MT, được gửi gắm tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Diễn đàn Tuổi trẻ với an ninh nguồn nước, vừa được Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TN&MT tổ chức.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các đại biểu và cán bộ Đoàn Bộ TN&MT tham dự Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Nhận thức rõ về hiện trạng tài nguyên nước

“Nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Nước là yếu tố thiết yếu cho cuộc sống con người. Nước không phải là vô tận, nhưng hiện nay, việc sử dụng nước lại lãng phí. Nhiều người vẫn chưa nhận thức được rằng: Nước là tài nguyên quý giá”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Khắc họa rõ bức tranh tài nguyên nước của Việt Nam, vị Tư lệnh ngành TN&MT chia sẻ: Việc đảm bảo an ninh nguồn nước ở nước ta gặp không ít thách thức. Là quốc gia nằm ở hạ lưu các lưu vực sông lớn, hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp từ những nước thượng nguồn đang gây khó khăn bảo đảm an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với đoàn viên thanh niên tại Diễn đàn Tuổi trẻ với an ninh nguồn nước.

Nhìn một cách tổng quan, Việt Nam là đất nước có tỷ lệ nước/đầu người ở mức trung bình, thấp trên thế giới. Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m³/người/năm. Với dân số nước ta như hiện nay, bình quân đầu người chỉ nhận được khoảng 3.370 m³/năm từ nguồn nước nội sinh. Bên cạnh đó, nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam tăng nhanh. Nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không còn là dự báo mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước.

Tài nguyên nước còn đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Một số sông ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây đã và đang bị ô nhiễm tới mức trầm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực và của ngay chính các dòng sông, đặc biệt, vùng hạ lưu sông. Nhận định trên là sự khái quát chung cho tình trạng các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông La Ngà ở phía Nam; các sông như sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy trên hệ thống sông Hồng ở phía Bắc. Nguyên nhân là do các dòng sông phải tiếp nhận là quá tải các nguồn nước thải sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt, sản xuất công nghiệp chưa được xử lý đúng yêu cầu và các tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Nhiều lưu vực sông, do tác động của tình trạng khan hiếm nước cùng với ô nhiễm và xâm nhập mặn đã khiến việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất gặp khó khăn như tại lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Hương, sông Cửu Long.

“Nhìn lại dòng sông Cầu, sông Tô Lịch…, chúng ta cần thấy được  trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo nguồn nước, ngay trong hiện tại và cho cả tương lai. Vậy, thế hệ trẻ phải phát huy vai trò như thế nào để giữ gìn tài nguyên nước? ” -  Bộ trưởng trăn trở.

Chuyển hóa hành động cụ thể

Chia sẻ với các đoàn viên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân về việc đưa ra các cơ chế chính sách pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật, số liệu điều tra, thiết lập các thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, để từ đó, đưa ra những chủ trương lớn để khai thác bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, Bộ TN&MT đã công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước cho Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, khoảng 30 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Bộ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia; bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - giai đoạn I; kết quả Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển. Đây chính là cơ sở để xây dựng các quy hoạch phát triển vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Thanh niên là lực lượng xung kích trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và an sinh xã hội. Ảnh: MH.

Góp phần vào công tác quản lý Nhà nước của ngành TN&MT, Bộ trưởng kỳ vọng, tuổi trẻ của Bộ, đặc biệt, các thủ lĩnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Bộ sẽ đóng góp vào công cuộc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào việc quản lý nước trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Bởi thực tế, ở Việt Nam hiện nay, vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, chưa đưa ra được mô hình mô phỏng, nếu kịch bản kinh tế phát triển ở mức độ nào, vấn đề quản lý tài nguyên nước sẽ ra sao để đảm bảo tính bền vững của tự nhiên.

Bên cạnh đó, thế mạnh của công tác Đoàn chính là tinh thần xung kích, tình nguyện. Đã đến lúc, những thủ lĩnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TN&MT phải chuyển lời kêu gọi, hiệu triệu thành những hành động cụ thể. Từ những hành động, việc làm cụ thể đó, sẽ tạo ra sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Đó là việc cần làm ngay bởi mỗi cán bộ Đoàn là một hạt nhân bảo vệ nguồn nước. An ninh nguồn nước - nằm ở trong tay của tuổi trẻ!

Theo báo TN-MT

Bạn đang đọc bài viết Tuổi trẻ là hạt nhân bảo vệ nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...