Thứ ba, 23/04/2024 20:31 (GMT+7)

Tuyên truyền giáo dục học đường về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử của Nhã Nam

MTĐT -  Thứ ba, 10/01/2023 06:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù Nhã Nam là một địa danh với số lượng di tích lịch sử dày đặc vào hạng nhất trong huyện Tân Yên nhưng công tác giáo dục, tuyên truyền phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương vẫn là một vùng xám, chưa tỏa sáng đúng với giá trị của nó

1. Ý nghĩa của việc tuyên truyền giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trong trường học.

Từ xưa đến nay, trong mỗi nhà trường, việc giáo dục cho học sinh lịch sử văn hóa địa phương luôn là việc làm cần thiết và quan trọng để học sinh hiểu được cội nguồn, tổ tiên nơi mình sinh ra, lớn lên, gắn bó. Từ đó giáo dục lòng biết ơn, tự hào, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh còn để học sinh hiểu rằng: tất cả các phương diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đều được vận hành dựa trên cơ sở các di sản văn hóa lịch sử được kế thừa từ quá khứ; nhận thức rõ rằng từng tấc đất, mỗi cành hoa, mỗi tiện ích chúng ta đang hưởng là kết tinh sự nỗ lực, nỗi khó nhọc, sự hy sinh của tổ tiên chúng ta.

Từ đó, học sinh biết yêu quý cuộc sống bình yên, trân trọng giá trị của những di sản văn hóa lịch sử ở từng địa phương nói chung và địa phương mình nói riêng. Khơi gợi ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy, hối thúc khát vọng cống hiến cho quê hương, gây dựng cuộc sống cho thế hệ sau thông qua sáng tạo và cải tiến bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Vì những ý nghĩa trên, việc giáo dục văn hóa lịch sử địa phương, giáo dục những giá trị tinh thần cốt lõi cho học sinh trong các trường học trên địa bàn huyện Tân Yên nói chung và thị trấn Nhã Nam nói riêng cần được chú trọng và cải tiến cho đúng với tầm quan trọng của hoạt động này.

2. Thực trạng việc giáo dục giá trị các di tích lịch sử địa phương trong các trường học ở Nhã Nam

Để làm rõ hơn thực trạng, chúng tôi có bài tập khảo sát: Trường của thầy, cô có mô hình tổ giáo dục Lịch sử địa phương cho học sinh không? Nếu có, thầy, cô hãy kể tên những mô hình hoạt động và nêu cơ bản cách thực hiện. Có 21,5% không ghi câu trả lời, 37,5% cho rằng “chưa có” và 41% “đã thực hiện”. Một số mô hình được nêu: “Trải nghiệm thực tế”, “Lao động vệ sinh khu di tích lịch sử”, “Mời nhân chứng lịch sử nói chuyện về Lịch sử địa phương”, “Tham quan di tích lịch sử”. Riêng cách thực hiện rất ít được trả lời; chỉ có vài phiếu trả lời “lập kế hoạch, tổ chức thực hiện”.

tm-img-alt
 Trường THCS thị trấn Nhã Nam, Tân Yên. Ảnh TL

Thực tế, chỉ có số ít học sinh có thành tích học tập xuất sắc và có thành tích cao trong công tác đoàn - đội và học tập mới được chọn tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

Tuy nhiên, việc tổ chức mới chỉ ở mức tham quan du lịch chứ chưa thật sự tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Bên cạnh đó, một số trường đã mời một vài nhân vật lịch sử đến giao lưu, nói chuyện với học sinh.

Các hình thức giáo dục lịch sử địa phương còn chưa được chú trọng nên hiểu biết của học sinh về di tích lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, lễ hội văn hóa, tiềm lực du lịch, giá trị tinh thần của quá khứ… rất hời hợt, nông cạn.

Về phía giáo viên, ưu điểm là có phương pháp sư phạm, có lòng nhiệt tình, có trách nhiệm. Tuy nhiên vai trò và hiệu quả các giáo viên thể hiện trong việc giáo dục lịch sử rất thấp.

Nguyên nhân do chương trình giáo dục lịch sử địa phương là nội dung không cốt lõi trong chương trình giáo dục nên giáo viên dạy qua loa gọi là có. Một số giáo viên tâm huyết lại gặp trở ngại trong cách thức, thời gian, điều kiện thực hiện.

Nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu, họ phải tự tìm nguồn thông tin qua thư viện, mạng Internet, bảo tàng; có một số ít giáo viên tìm thông tin qua Ban Tuyên giáo, đi thu thập thông tin từ thực tiễn khu di tích lịch sử, văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương, sách, tài liệu, báo cáo hội thảo khoa học…rất vất vả và mất thời gian trong khi kết quả hoạt động lại không được đánh giá cao.

Năng lực thiết kế hoạt động giáo dục lịch sử địa phương của nhiều giáo viên còn hạn chế. Giáo viên ít được trải nghiệm thực hành các năng lực thiết kế, tổ chức, đánh giá, xử lí tình huống, huy động nguồn lực cho tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục lịch sử địa phương. Đây cũng là một thực trạng cần các cấp quản lý giáo dục quan tâm.

(Số liệu thực tế các hoạt động giáo dục lịch sử địa phương tại các trường:

- Tại trường Tiểu học Nhã Nam
- Tại trường THCS thị trấn Nhã Nam
- Tại trường THPT Nhã Nam)

Đánh giá chung: Dù Nhã Nam là một địa danh với số lượng di tích lịch sử dày đặc vào hạng nhất trong huyện Tân Yên nhưng công tác giáo dục, tuyên truyền phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương vẫn là một vùng xám, chưa được vén bụi, chưa tỏa sáng đúng với giá trị của nó.

3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị các di tích lịch sử trong điểm trên địa bàn.

Một là: Biên soạn tài liệu lịch sử địa phương với những nội dung cơ bản về di tích lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, hoạt động lễ hội. Nội dung cần tường minh, đầy đủ, có đánh giá ở góc độ chuyên môn, có những nội dung kết nối với nhận thức của học sinh thời hiện đại. Tài liệu cấp đầy đủ tới các thư viện trường chứ không để ở Ban tuyên giáo huyện, xã. Việc này cần sự góp sức của các trí thức địa phương có chuyên môn, các thầy cô giáo có kinh nghiệm, và các lãnh đạo Phòng văn hóa huyện, xã.

tm-img-alt
Các em học sinh Trường THCS thị trấn Nhã Nam thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nhã Nam. Ảnh TL

Hai là: Thay đổi nhận thức của giáo viên về giáo dục truyền thống lịch sử địa phương; lãnh đạo trường học xây dựng khung chương trình, đưa kế hoạch hoạt động giáo dục lịch sử địa phương vào nhiệm vụ năm học và theo dõi đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động.

Ba là: Tổ chức các dự án học tập (đây là cách tiếp cận mới so với những hoạt động vẫn áp dụng lâu nay trong các trường học. Bằng các nghiệp vụ sư phạm kết hợp với kế hoạch giáo dục của bản thân, giáo viên tổ chức cho học sinh học tập lịch sử địa phương qua các dự án. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho giáo viên khi áp dụng phương pháp này khi chương trình giáo dục phổ thông mới đưa vào vận hành)

Ví dụ một số hoạt động:

- Tìm hiểu và báo cáo về sự hình thành, ý nghĩa của khu di tích lịch sử;
- Tìm hiểu, ghi chép, báo cáo về các hoạt động thường niên của khu di tích. Thảo luận xem những hoạt động đó có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống xã hội địa phương.
- Tìm hiểu xem di tích lịch sử được xây dựng nhằm mục đích gì? thờ ai? Phân tích sự khác nhau về việc thờ tự giữa các di tích.
- Tìm hiểu về các Thành hoàng làng đang được thờ ở các làng và điểm chung, riêng giữa họ.
- Hỏi chuyện các cán bộ địa phương, người làm công tác quản lý di tích xem việc tu bổ, cải tạo di tích là do ai làm, nguồn kinh phí vận hành do ai cấp? Thảo luận xem việc đó có ý nghĩa gì?
- Viết một câu chuyện với chủ đề: Một người dành cả đời cho việc …; hoặc viết một bài giới thiệu về di tích lịch sử …; hoặc vẽ tranh về nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan để trưng bày hoặc làm đồ lưu niệm cho du khách.

Các dự án học tập được giáo viên cùng học sinh lập kế hoạch bài bản gồm: đưa ra chủ đề, thời gian học tập, hoạt động học tập, kế hoạch khép lại chủ đề. Có rất nhiều cách để đưa ra chủ đề có thể xuất phát từ câu hỏi của học sinh, hoặc xuất phát từ những vấn đề đang diễn ra ở địa phương.

Với mỗi kế hoạch lại lập cụ thể các bước nhỏ hơn như: thời gian thảo luận, thời gian tác nghiệp, thời gian báo cáo tình hình tiến hành, thời gian đánh giá, phê phán các hoạt động tác nghiệp đang diễn ra, thời gian thu thập và tổng hợp thông tin. Các hoạt động sẽ bao gồm: học sinh đọc và nghiên cứu tài liệu trong im lặng; học sinh tham quan để quan sát; học sinh tham gia… Bằng các dự án học tập giáo viên sẽ hình thành cho học sinh không chỉ lòng tự hào, tình yêu với nơi chôn rau cắt rốn của mình mà còn thúc đẩy khát vọng cống hiến, khát vọng sáng tạo trong học tập của các em.

Bốn là: Tổ chức các hoạt động trên thực địa
- Tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm các lễ hội tại các di tích lịch sử (rước cờ, khênh kiệu, cắm trại, tham gia các trò chơi dân gian; tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên; cấp chuyên hiệu đội viên, tổ chức ra quân, báo công…)
- Tổ chức cho học sinh các trường thi các cuộc thi viết, vẽ, sân khấu hóa các sự kiện, nhân vật theo mô hình “theo dòng lịch sử” của VTV; thi các dự án KHKT…
- Tổ chức cho học sinh tham gia giữ gìn, bảo vệ, cải tạo các di tích lịch sử trên địa bàn mình sinh sống (vệ sinh, trồng cây, hướng dẫn du lịch, giới thiệu quảng bá di tích…)
- Tăng cường các cuộc trưng bày, triển lãm tại Khu di tích cũng như triển lãm lưu động tại các địa phương.

Đó là tạo cơ hội cho học sinh biểu hiện lòng tự hào bằng những hoạt động cụ thể. Tạo cơ hội cho học sinh thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân hiệu quả và thiết thực

Giáo dục địa phương cho học sinh hiện nay đã được Bộ Giáo dục đưa chính thức là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là một cơ sở quan trọng để thúc đẩy trách nhiệm, sự đầu tư của các cấp ngành và các trường học cho hoạt động giáo dục Lịch sử địa phương. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các giải pháp đề xuất ở trên cần thực hiện thống nhất, đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp các địa phương, các trường học./.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Tuyên truyền giáo dục học đường về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử của Nhã Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới