Thứ bảy, 20/04/2024 10:59 (GMT+7)

Vai trò của doanh nghiệp trong thu gom, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 02/12/2022 11:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 1/12/2022, tại thành phố Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong thu gom, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Hội thảo do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) và PepsiCo Vietnam phối hợp tổ chức.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN

Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thu gom, tái chế, nhằm tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa, phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các yêu cầu cụ thể của Luật Môi trường 2022 và các Nghị định liên quan cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng.

Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm, các thực tiễn áp dụng tại các doanh nghiệp và các công ty/nhà máy tái chế. Qua đó, đóng góp ý kiến thiết lập và phát triển ngành công nghiệp tái chế; thảo luận các phương án khả thi để doanh nghiệp có lộ trình thực hiện nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của Luật môi trường 2020.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhận định, thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững được Chính phủ, các bộ ngành đặc biệt quan tâm, trong đó, có vấn đề giảm xả thải, xử lý rác thải nhựa. Đặc biệt, thông qua việc triển khai các mô hình, giải pháp đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về hạn chế sử dụng, thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa.

Tại các tỉnh Tây nguyên, vấn đề thu gom, xử lý rác thải nhựa cũng đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, doanh nghiệp bằng việc triển khai một số mô hình thiết thực.

Tuy nhiên, việc thu gom, quản lý, xử lý, tái chế rác thải nhựa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung, tại khu vực Tây nguyên nói riêng trong việc quản lý và xử lý rác thải nhựa, hướng tới sản xuất và kinh doanh bền vững mà mục tiêu cuối cùng là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường nhưng vẫn cân bằng được lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp.

Các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo cũng đã chia sẻ với các doanh nghiệp nhiều nội dung liên quan đến các giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế.

Điều này nhằm đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường, chi phí... giúp doanh nghiệp có động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất.

Bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) chia sẻ, từ tháng 9/2022, Trung tâm Giáo dục và Phát triển đã tiến hành thu gom rác thải nhựa tại 1 trường đại học và 4 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, mỗi tháng thu gom được 2,5 tấn rác thải nhựa.

Mô hình bước đầu tạo hiệu ứng tốt, bà Liên mong muốn thời gian tới sẽ nhận được hỗ trợ từ phía khối doanh nghiệp và các bên liên quan để tiếp tục mở rộng mô hình ở nhiều nơi.

Từ đó, góp phần tạo ra nguồn rác thải nhựa sạch làm đầu vào cho các doanh nghiệp tái chế, đồng thời giảm lượng nhựa thải ra môi trường. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu còn trao đổi về vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong việc tái chế rác thải nhựa và bảo vệ môi trường; các sáng chế thu gom tại cộng đồng và doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình thu gom đó như thế nào; chia sẻ các kinh nghiệm; cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tái chế hoặc tham gia vào hoạt động tái chế bằng các hình thức khác nhau.

Đồng thời, góp ý về chế độ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm nhựa tái chế, quy chế hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm có hàm lượng nhựa tái chế; các chế tài đối với hành vi không thu gom, phân loại rác thải; việc xử lý rác thải…

Ông Đỗ Đình Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Gia Lai cho rằng rác thải nhựa tại Gia Lai chỗ nào cũng có thể đặt xưởng thu gom được, nhất là khu vực nông thôn, tại các dòng suối, kênh mương, hay chai lọ phân bón tại các nương rẫy.

Đây là nguồn nguyên liệu để các doanh nghiệp có thể đầu tư lĩnh vực tái chế rác thải nhựa, không nhất thiết phải ở các đô thị. Dự án “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa" được tài trợ bởi Quỹ PepsiCo (PepsiCo Foundation) thông qua Tổ chức Give2Asia, do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện từ tháng 1/2020 - 12/2022.

Dự án có hai mục tiêu là quản lý rác thải nhựa hiệu quả trong khu vực tư nhân thông qua các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và cải tiến công nghệ sản xuất và và tăng cường giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa/.

Tú Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của doanh nghiệp trong thu gom, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ