Thứ bảy, 20/04/2024 07:47 (GMT+7)

Văn hoá... "Cạc"

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ hai, 28/11/2022 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Cạc” chính là carviside (tiếng Pháp), dịch ra tiếng Việt là danh thiếp. Đó là những tấm giấy cứng, nhỏ có thể bỏ được vào túi, in những dòng chữ thông tin một số chi tiết về cá nhân. Vật dụng này rất thuận tiện ở phút đầu làm quen, giao tiếp.

“Cạc” chính là carviside (tiếng Pháp), dịch ra tiếng Việt là danh thiếp. Đó là những tấm giấy cứng, nhỏ có thể bỏ được vào túi, in những dòng chữ thông tin một số chi tiết về cá nhân: Họ, tên, nghề nghiệp, nơi công tác, địa chỉ, số điện thoại, email… Vật dụng này rất thuận tiện ở phút đầu làm quen, giao tiếp.

Người ta cần biết sơ bộ về nhau mới có thể xúc tiến tiếp theo mối quan hệ làm ăn, cộng tác… Nếu lấy giấy bút để ghi thông tin về bản thân đưa cho đối tượng tiếp xúc thì có khi bất tiện. Cũng không tiện tự nói về mình vì không mấy tế nhị. Vậy nên danh thiếp là cần thiết, thuận tiện và lịch sự.

Tuy nhiên, xung quanh cái tấm giấy này cũng có lắm chuyện cần bàn. Nhiều người dùng danh thiếp chỉ để nhằm mục đích như đã nói là thông tin sơ bộ về bản thân thay vì tự giới thiệu dài dòng.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Nhưng lại không ít người dùng “cạc” để phô trương bản thân. Bên cạnh màu trắng là phổ biến đã xuất hiện nhiều tấm “cạc” được in đủ màu sắc lòe loẹt: Xanh, đỏ, tím, vàng, nâu... Lại còn sức nước thơm lừng. Dẫu sao đó cũng chỉ là hình thức.

Trên hai mặt “cạc” in chi chít những dòng chữ tiếng Anh và Việt. Cũng cần thiết vì thời buổi ngày nay, tiếng Anh được coi như quốc tế ngữ. Hội nhập, giao lưu quốc tế thì không thể không biết ngôn ngữ này. Điều đáng nói hơn là nội dung những dòng chữ.

Không ít tấm liệt kê hết thảy mọi chức vụ trong quá khứ mà chủ nhân đã có. Người thận trọng, chính xác thì thêm chữ “nguyên”ở đầu mỗi chức vụ. Người “đãng trí” thì “quên” chữ “nguyên”, cứ như là cùng một lúc đảm đương cả chục chức vụ vậy.

Có người ngoài hàng loạt chức vụ, học hàm, học vị lại còn thêm rất nhiều ủy viên các Hội đồng mà người đọc chưa nghe bao giờ. Vậy nên phải dùng loại “cạc” có diện tích to và co chữ phải nhỏ bớt mới có thể chứa được rất nhiều thông tin “kêu” như vậy.

Về điều này, có lẽ cố NSND Đào Mộng Long là một trường hợp hiếm thấy. Ai cũng biết ông là một nghệ sĩ sân khấu lừng danh, một trong số ít những cây cổ thụ lừng lững trong làng sân khấu, được phong NSND ngay từ đợt đầu tiên. Sinh thời, lúc đầu ông không để ý đến việc in danh thiếp.

Nhưng rồi do có quá nhiều mối quan hệ với các đoàn văn công khắp toàn quốc mà người nhà ông đã in cho ông. Nhưng ông yêu cầu trên danh thiếp chỉ in vỏn vẹn mấy thông tin như sau: Đào Mộng Long, địa chỉ, số điện thoại. Không có 4 chữ NSND trước dòng họ, tên.

Không có mấy chữ “Thành viên Hội đồng phong danh hiệu nghệ sỹ quốc gia”. Ông nói như thế là đủ để mọi người tìm được ông. Còn thì hà tất phải thông tin thêm điều gì. Quả là một sự đối ngược với quá nhiều những tấm “cạc” chi chít thông tin phô trương ồn ào như đã nói.

In “cạc” rồi, đến việc trao cho người khác cũng là điều đáng nói lắm thay. Thông thường, người ta chỉ trao cho những đối tượng tiếp xúc buổi đầu trong quan hệ công tác, hợp tác, cộng tác làm ăn, chứ không thể trao tùy tiện, gặp ai, ở đâu cũng trao.

Đã không ít người vì mục đích phô trương là chính nên đã luôn có sẵn cả trăm tấm “cạc” trong cặp để trao cho bất cứ ai. Họ đến một hội nghị có bao nhiêu người dự là lần lượt trao hết. Người ta đã trao, đương nhiên đối tượng phải nhận, lại còn phải “cảm ơn” theo phép lịch sự.

Nhưng rồi không biết để ở đâu vì chủ nhân tấm “cạc” lạ hoắc, lưu giữ các thông tin của họ chẳng để làm gì. Thế là những tấm danh thiếp vô tội này đã phải ngậm ngùi rủ nhau ra trú ngụ ở những… thùng rác. Mà nào các chủ nhân sở hữu “cạc” có hay! Quả là “lố” đối với người trao tặng và khó xử, phiền hà cho người được tặng.

Để ý quan sát thì thấy rõ một điều như là một quy luật: Phàm những ai thực sự tài giỏi, hữu ích cho xã hội, có giá trị đích thực đối với cộng đồng thì lại luôn giản dị hoặc ít nhất là không ồn ào, khoa trương. Chỉ những người chưa tới tầm như vậy mới háo danh, thích nhiều người biết đến mình.

Vậy nên họ mới phải tìm mọi cách để đánh bóng tên tuổi mình mà in và “phát hành” danh thiếp là một cách xem ra có vẻ thuận tiện, ít tốn kém nhất. Câu châm ngôn “thùng rỗng kêu to” quả là rất đúng khi vận vào trường hợp này.

Ai đó có thể phản biện: Tôi thích in danh thiếp là quyền của tôi và tôi muốn tặng nhiều người để họ biết đến tôi cũng là quyển của tôi. Không thể cấm hoặc đả kích. Việc tôi làm không có hại gì đến cộng đồng.

Vâng! Nhưng xin thưa: Có đấy. Đó chính là sự kém văn hóa, thiếu văn minh, lịch sự bởi những người phô trương kiểu trên đã làm phiền người khác (được nhận “cạc” một cách miễn cưỡng).

Còn một khía cạnh nữa: Đôi khi, những tấm “cạc” kiểu trên cũng đánh lừa được một số người nào đó nhẹ dạ, cả tin. Và thế là họ có thể vớ bở ở một số phi vụ quan hệ, tiếp xúc, làm ăn nào đó.

Văn hóa “cạc”quả là điều tế nhị rất đáng bàn vậy./.  

Bạn đang đọc bài viết Văn hoá... "Cạc". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...