Thứ sáu, 19/04/2024 23:10 (GMT+7)

Văn hóa Tây Nguyên: Tái hiện từ những biểu tượng

NGUYỄN ĐỨC -  Thứ tư, 10/03/2021 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lần đầu tiên, một dự án phát triển đô thị mới trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được tổ chức góp ý về biểu tượng đại diện, ý tưởng không xa lạ với mọi người nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng làm

Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa chính thức triển khai lấy ý kiến của đông đảo người dân về việc lắp dựng một biểu tượng văn hóa mới cho địa phương tại khu đô thị Ân Phú (Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột), trong thời gian từ 9/3 đến 9/4/2021. Lần đầu tiên, một dự án phát triển đô thị mới trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được tổ chức góp ý về biểu tượng đại diện, ý tưởng không xa lạ với mọi người nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng làm.

Theo đại diện của Sở Xây dựng Đắk Lắk, cơ quan chủ trì việc thu thập ý kiến, biểu tượng văn hóa này là sáng kiến của doanh nghiệp, với tâm nguyện góp phần tạo nên những giá trị văn hóa mới trong cộng đồng xã hội hiện nay. “Có quá ít dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị có sự đầu tư này, nên chúng ta cần nhìn nhận tích cực những nỗ lực của doanh nghiệp, trong vấn đề bảo tồn văn hóa bản địa, dân sinh từ chính những biểu tượng văn hóa được hồi sinh”- vị đại diện cơ quan này nói.

Một hình ảnh, nhiều ý nghĩa

Theo kiến giải của đơn vị đầu tư biểu tượng – Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Ân Phú, ý nghĩa biểu tượng văn hóa được doanh nghiệp đặt ra ngay từ khi mới tiếp cận dự án đầu tư một khu đô thị mới, phục vụ nhu cầu mở rộng địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, định hướng phục vụ dân sinh ở khu vực tập trung trung tâm hành chính tương lai của địa phương. Với tinh thần quy hoạch mới, phát triển vùng đô thị phía Bắc Buôn Ma Thuột thành điểm nhấn đô thị văn minh, hiện đại nhưng vẫn gắn liền bản sắc văn hóa truyền thống, địa phương đã chủ trương tái quy hoạch khu vực rừng trồng cao su trước đây thành các tiểu khu đô thị mới. Khu đô thị Ân Phú là một trong những dự án được quy hoạch như vậy. Đặc biệt, với vị thế nằm giữa cụm quy hoạch hành chính tương lai, kết nối nhiều tuyến tỉnh lộ và quốc lộ lan toả Bắc - Nam, liền kề cụm công nghiệp sản xuất mới, khu đô thị này hoàn toàn có lợi thế thu hút các nhà đầu tư nhỏ vào các hạng mục hạ tầng phát triển, thương mại, và nhất là người dân địa phương muốn có một địa chỉ an cư lâu bền.

Biểu tượng Ngọn lửa Cao nguyên tại Khu đô thị Ân Phú Buôn Ma Thuột

Ông Huỳnh Quang Trí, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: “Bởi những cơ hội phát triển dân kế, dân sinh tích cực đó, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm phải tạo dấu ấn giá trị cho khu đô thị, bằng một biểu tượng đặc trưng văn hóa Tây Nguyên, hàm chứa nhiều nội dung văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em tại đây, trong lịch trình đoàn kết phát triển”. Doanh nghiệp đã lấy cảm hứng từ ngọn lửa Tây Nguyên trải qua bao đời thăng trầm, hun đúc tinh thần quả cảm của con người cao nguyên đất đỏ, trong định hướng cuộc sống tương lai, kết hợp với hình ảnh một đôi bàn tay chụm lại, kết nối thống nhất, để tạo ra một biểu tượng văn hóa lấy tên “Ngọn lửa Cao nguyên”.

Theo đó, biểu tượng được thiết kế có 5 thành phần chính, đỉnh cao nhất 17 mét, có diện tích lắp dựng hơn 90 m2 đặt tại công viên trung tâm của khu đô thị, tạo một điểm nhấn văn hóa cho toàn bộ dự án. Để bảo đảm độ bền vững của biểu tượng, doanh nghiệp đầu tư vật liệu kỹ thuật cho biểu tượng bằng khung kim loại và các tấm alumium, với giá trị đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Sau nhiều lần đánh giá, thẩm định, biểu tượng này đến nay đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất duyệt thiết kế lắp dựng.

Mô hình cần nhân rộng!

Đại diện Sở Xây dựng Đắk Lắk cho rằng, việc một doanh nghiệp đầu tư lắp dựng một biểu tượng văn hóa giữa khu đô thị đầu tư là lựa chọn nên ủng hộ bởi có nhiều ý nghĩa với cộng đồng, đặc biệt thể hiện tầm nhìn và tâm huyết của doanh nghiệp trước tiến trình phát triển đô thị địa phương. Thực tế cho đến nay, tại địa bàn Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên, không có nhiều dự án khu đô thị thể hiện tinh thần này, nhất là khi nhiều chủ đầu tư chỉ lo đến lợi nhuận kinh doanh, tổ chức đầu tư hạ tầng, xây dựng để bán nhà đất mà chưa quan tâm sâu sát đến giá trị dân sinh.

Ông Nguyễn Hoàng Dưỡng, Phó trưởng Phòng Quản lý báo chí - xuất bản Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk nhìn nhận, tâm nguyện của doanh nghiệp đánh dấu một bước tiến bộ trong quy hoạch đầu tư của địa phương khi tìm kiếm các nhà đầu tư “có tâm và có tầm”, cùng chung sức với địa phương xây dựng những địa chỉ đô thị hiện đại, văn minh nhưng không hề tách rời các giá trị văn hóa truyền thống bền vững. “Chúng tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này để các dự án đô thị, dân cư địa phương ngày càng phát huy được giá trị văn hóa bản sắc đặc trưng, đầy ý nghĩa”- ông Dưỡng nói.

Còn theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, câu chuyện văn hóa lâu nay vốn được nêu lên nhưng không phải cơ sở nào cũng thực tâm làm. Ngay nhiều cơ quan chuyên môn về văn hóa, ý nghĩa và trách nhiệm thực thi những giá trị văn hóa truyền thống ở cơ sở cũng còn bị bỏ sót, hiểu nhầm. Cho nên, việc Buôn Ma Thuột có những đô thị dựng biểu tượng văn hóa là tín hiệu quá tốt, ngành văn hóa địa phương hết sức hoan nghênh và tạo điều kiện triển khai. Nhìn ra những đô thị lớn ở các thành phố lớn như khu đô thị Times City ở Hà Nội, các khu đô thị Sala, Phú Mỹ Hưng ở TP. Hồ Chí Minh, rõ ràng những giá trị biểu tượng văn hóa là rất quan trọng, thể hiện rõ tinh thần, định hướng phát triển của các dự án đô thị tầm cỡ, hướng về tương lai. Vậy nên lựa chọn của nhà đầu tư Ân Phú với địa phương, khi xây dựng thêm một biểu tượng văn hóa Tây Nguyên, là rất đáng tuyên dương và ủng hộ.

Bạn đang đọc bài viết Văn hóa Tây Nguyên: Tái hiện từ những biểu tượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...