Thứ năm, 25/04/2024 00:40 (GMT+7)

Văn hoá uống rượu

Hải Vân -  Thứ hai, 05/12/2022 19:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hoá uống rượu đã có nhiều thay đổi, các nét đẹp trong văn hoá uống rượu nếu không được nhận thức đầy đủ sẽ theo đó mà dần mất đi.

Từ xa xưa, rượu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người. Ở nước ta, uống rượu được coi là một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt.

Trong mọi mặt của đời sống, ở đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc của rượu. Rượu là thứ tất yếu trong mỗi dịp lễ tết, gặp mặt và trong mọi sự kiện của đời người. Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hoá uống rượu đã có nhiều thay đổi, các nét đẹp trong văn hoá uống rượu nếu không được nhận thức đầy đủ sẽ theo đó mà dần mất đi.

Rượu vốn là thức uống mỹ vị

Loài người cổ xưa đã biết tìm ăn những loại quả từ cuộc sống săn bắt hái lượm. Một trong những loại quả đầu tiên mà người cổ xưa biết ăn đó là những quả nho hoang dại mọc ở vùng châu thổ sông Nin.

Khai thác mãi cũng cạn kiệt dần, loài người biết đem loại quả này về tích trữ. Nho được cất dấu tại nơi họ ở, được ủ lên men và khi đem ra ăn họ thấy khoẻ hơn, thông minh hơn và tâm lý phấn chấn hơn… họ liền đặt cho thứ thức uống đó một cái tên rất đúng như những gì nó có: tên Spirit, nghĩa là linh hồn, và ngày nay thuật ngữ đó chính là rượu.

Rượu được coi là một thứ thức uống gói trọn hương vị tinh tuý của đất trời. Chính vì thế, người thưởng rượu cũng phải là người tinh tế. Uống rượu có văn hóa là phải nhấp từng ngụm rất nhỏ để cho hương rượu ngấm vào đầu lưỡi, cảm nhận đến tận cùng cái vị cay nồng đặc trưng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. ITN

Thưởng thức rượu nên uống từ từ để cảm nhận vị ngon của rượu. Với loại thức uống mĩ vị này, các cơ quan của cơ thể đều có thể cảm nhận được hương vị của rượu theo cách riêng: Mũi thì được ngửi mùi thơm của rượu, mắt thì được ngắm màu sắc của rượu, lưỡi có thể thưởng thức vị ngon của rượu, và tai được nghe những âm thanh cụng ly rất vui vẻ hân hoan. Khi dùng ở mức độ vừa đủ, rượu tác dụng làm cho tâm trạng con người lâng lâng, bay bổng và phấn chấn.

Có lẽ vì vậy mà rượu được chọn làm xúc tác cho những cuộc vui gặp mặt anh em bạn hữu, có người dùng để nhâm nhi lấy cảm hứng cho sáng tác như một thú vui tao nhã.

Rượu có mặt trong mọi vui buồn của cuộc sống

Rượu quen thuộc đến mức cả lúc vui, khi buồn, hay bữa ăn thường ngày người ta đều uống rượu. Ở đám cưới, người ta uống rượu để chia vui, chúc phúc cho nhau. Ở đám hiếu, người ta nâng ly để chia sẻ nỗi buồn đau mất mát.

Đến bữa cơm thường, nhiều người cũng có thói quen nhâm nhi một chút rượu để đưa cơm. Trong mọi cuộc giao tiếp, người ta lấy rượu làm phương tiện kết nối. Chưa nâng chén rượu họ là người xa lạ, cụng ly rồi sẽ thành bằng hữu, anh em.

Bạn tâm giao gặp mặt, người ta mượn chén rượu để chung vui, giải sầu, nhấp chén rượu để mở lời tâm sự. Vợ chồng mời nhau chén rượu như lời đính ước trăm năm tạc dạ ghi lòng. Hơn thế, gới tri thức còn mượn chén rượu để khơi nguồn cảm hứng, sáng tác văn chương…

Không thể phủ nhận, rượu là chất dẫn truyền, kết nối tình cảm con người khó có thể nào thay thế,  là thú vui tao nhã cho những bậc hiền nhân quân tử say mê vẻ đẹp của cuộc sống muôn màu.

Văn hoá của mỗi người thể hiện qua cách uống rượu

Thông qua cách mỗi người uống rượu, ta có thể phần nào thấy được đặc điểm tính cách cũng như sự tinh tế trong văn hoá giao tiếp, ứng xử của mỗi con người.

Người có văn hoá biết dùng rượu như một phương tiện đặc biệt để kết nối, đạt được thành công trong giao tiếp, trong công việc và trong các mối quan hệ. Người kém văn hoá thường mượn rượu để giải sầu, để nài ép nhau uống quá đà dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Nhiều năm gặp lại các bạn cùng học cấp 2 trong một lần họp lớp. Toàn không khỏi khó chịu vì mấy cậu bạn ngày xưa nhất định nài ép uống đến say. Câu quen thuộc trong mỗi cuộc nhậu của họ là “cậu không uống là cậu khinh bọn tớ”, hay “thằng kia mới làm đến chức này chức nọ mà đã chảnh không uống với bạn bè”.

Thật khó xử vì không nỡ để các bạn nghĩ mình thành công quên bạn cũ, Toàn chẳng muốn phải thanh minh nên đành nể bạn uống cạn ly. Nhìn đám bạn lướt khướt trong cơn say với những lời nói năng tục tĩu và hành vi vô thức, Toàn thầm nhủ trong lòng sẽ không bao giờ tham gia các cuộc họp tiếp theo.

Những cuộc liên hoan ở cơ quan cùng đồng nghiệp, cũng không ít lần vì vui quá chén mà Toàn phó mặc cho “ma men” dẫn lối đưa đường, điều khiển xe lao vào những ổ gà, vệ cỏ. Tai nạn bất ngờ cướp đi mạng sống của anh bạn đồng nghiệp đã làm cho Toàn tỉnh ngộ. Anh không còn dám tậc lưỡi gật đầu cạn chén trong mọi cuộc vui.

Tỉnh dậy trong một đám hiếu khi mọi người đang đau buồn ủ rũ, Thông cảm thấy xấu hổ vô cùng vì mình đã chót quá chén uống say. Không thể nhớ nổi mình đã uống với những ai và nói những lời lẽ ồn ào gì trong rạp, Thông chỉ nhớ mình đã tỉnh dậy sau khi lơ mơ nghe được lời ai đó quát to “Lay nó tỉnh dậy cho nó xấu hổ!

Đi đám ma nhà người ta mà uống say nát bét rồi nằm vật ra đấy”. Thông chợt chạnh lòng khi nhớ đến những lần nhà có việc, anh Hảo, anh cả của Thông luôn được mọi người tin tưởng giao cho nhiệm vụ đón và tiếp khách.

Chỉ vì anh Hảo vốn quảng giao và rất giỏi giao tiếp bằng rượu khiến khách thấy vui vẻ vì được tiếp đón thịnh tình. Còn Thông, vì cái tật nài ép khi uống rượu rồi say khướt triền miên nên mỗi lần nhà có công có việc mọi người chỉ mong cất dấu được anh vào đâu đó cho đỡ xấu mặt họ hàng.

Khi nét đẹp văn hoá uống rượu ngày càng mai một

Thay bằng không khí vui vẻ mỗi dịp tết đến xuân về hay những cuộc gặp gỡ anh em, bè bạn thân thiết, việc uống rượu thiếu văn hoá đã gây ra những hệ luỵ đau lòng.

Nhiều cuộc vui không trọn vẹn đã khiến rượu trở thành nỗi ám ảnh. Rượu hoàn toàn không có lỗi, lỗi là ở ý thức chủ quan của mỗi con người. Tình trạng uống rượu say khi tham gia giao thông đã gây ra không biết bao nhiệu vụ tai nạn đau lòng cướp đi mạng sống của những người vô tội.

Nhiều ranh giới giữa anh em ruột thịt, bạn bè thân thiết, láng giềng hoà hợp bị xoá bỏ sau những cuộc rượu tưng bừng. Nhiều người lành lặn trở thành tàn phế suốt đời sau mỗi cuộc vui quá chén, nhiều người đồng nghiệp thân thiết chở nên hiềm khích, khó hoà sau những cử chỉ gây hấn, cãi lộn bên bàn rượu liên hoan.

Cách uống rượu không thể là thước đo mức độ tình cảm và giá trị của ai đó, nó cũng không chứng tỏ độ giàu có, chịu chơi hay độ “men” của đấng mày râu. Đừng bao giờ dùng bất kì lời lẽ hoặc cách thức khiêu khích, dụ dỗ, ép buộc nào để người khác phải uống bia rượu vào người. Cũng đừng bao giờ cả nể vì người khác mà uống say làm cho mình mất kiểm soát.

Đừng đánh mất nét đẹp trong văn hoá uống rượu

Mùa cưới, mùa tổng kết cuối năm và mùa xuân đáng từng ngày gõ cửa. Nỗi lo về uống rượu đã khiến cho rất nhiều người không còn thấy mong đợi các sự kiện trên. Uống rượu vốn là một nét đẹp trong văn hoá người Việt, nhưng uống rượu mà để lại hậu quả không tốt thì thật đáng phê bình. Rượu vốn được coi là một thứ tinh tuý của trời đất, một thú hưởng thụ tuyệt vời của nhân loại.

Mỗi vùng miền có phong tục tập quán khác nhau trong uống rượu, nhưng văn hoá uống rượu tựu chung lại vẫn luôn đề cao sự tinh tế, khéo léo của cả người mời và người được mời. Làm sao cho giản dị, chân thành và đẹp lòng nhau vẫn là cái đích mà mọi người hướng đến.

Điều đó  đòi hỏi ở mỗi chúng ta bản lĩnh, trí tuệ, tri thức và nhất là ý thức. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa, mà văn hóa thì không thể chấp nhận sự nài ép, thái quá hay bất cứ hành vi nào gây hậu quả không vui.

Nghị định 117/2020 hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2020. Đáng chú ý là theo quy định mới, tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định 117/2020, người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Riêng việc ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.

Điều 34 Nghị định 117/2020 quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng khi:

- Không tổ chức, thực hiện quy định phòng, chống tác hại của rượu, bia trong nơi làm việc, cơ quan, tổ chức.

- Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.

- Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành. 

Bạn đang đọc bài viết Văn hoá uống rượu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành