Thứ sáu, 29/03/2024 14:52 (GMT+7)

Văn hóa xe buýt

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ sáu, 02/12/2022 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay xe bus là phương tiện giao thông phổ biến của rất nhiều người bởi giá thành và sự tiện lợi của nó. Những ai đã từng đi xe bus chắc hẳn cũng không còn xa lạ với cụm từ "văn hóa xe buýt" nữa.

Ở các đô thị của nước ta, đặc biệt hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, xe buýt trở nên rất quen thuộc, từ lâu đã là phương tiện đi lại chính của số đông người bình dân gồm học sinh, sinh viên, một bộ phận cán bộ, viên chức, những người về hưu và nhiều người nghèo khác.

Chi phí đi lại thấp, lại an toàn nên ngày càng có nhiều người tìm đến phương tiện này. Tại hai thành phố vừa nói, xe buýt đã là một phần đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người.

Xe buýt nằm trong lĩnh vực giao thông. Người ta đã nói đến văn hóa giao thông tức là trong đó ít nhiều liên quan đến xe buýt. Nhưng riêng về xe buýt, thiết nghĩ cần thiết phải bàn riêng, bàn sâu, kỹ vì trong tương lai, khi các đô thị nước ta mở rộng, hiện đại hơn, phương tiện này tất yếu sẽ phát triển, giống như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, người ta đi xe buýt, xe điện ngầm là chính. Nhiều người đã rời xe ô-tô riêng để tìm đến các phương tiện công cộng như vừa nói.

tm-img-alt
Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Nói đến văn hóa xe buýt (VHXB), phải nói đến cái đích cuối cùng là hướng đến con người, phục vụ con người một cách tốt nhất, làm cho con người trên xe buýt – cả khách lẫn người phục vụ - đều lịch sự, văn minh, đóng góp vào vẻ đẹp của đô thị nói chung, chứ không chỉ là góp ý một vài biểu hiện nào đó chưa “chuẩn” của ngành này.

Trước hết, không thể không ghi nhận sự nỗ lực đáng kể của ngành xe buýt trong nhiều năm qua đã cố gắng vượt khó để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Và tình hình mỗi ngày một thêm cải thiện theo hướng tích cực. Đã bớt đi nhiều cảnh xe phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường, táp vào hè đột ngột khiến dân tặng cho biệt hiệu “hung thần xa lộ”. Chỉ còn rất hãn hữu cảnh lái xe bỏ bến, nạt nộ khách.

Nhưng chừng đó là chưa đủ để có thể nói là đã có một văn hóa xe buýt. Sở dĩ nói như vậy là vì ngành xe buýt chưa thực sự vì người đi xe, chưa tạo được những tiện ích tốt nhất để họ thấy mình được tôn trọng.

Có rất nhiều biểu hiện chứng minh điều này. Có thể kể tới một số : Trời nắng, nhưng cửa xe không có rèm che. Người đi quãng đường ngắn còn chịu được. Người đi xa, ngồi trên xe hàng giờ không thể chịu. Rất nhiều điểm đỗ không có mái che, ghế ngồi, mặc cho khách chờ dưới trời mưa, nắng, có khi nửa giờ mới có xe.

Không vướng chướng ngại gì, đường cũng không đến nỗi hẹp mà hai điểm đỗ ở hai chiều cách nhau có khi tới mấy trăm mét khiến dân đi chưa quen không biết sao mà lần. Tấm bảng quy định nội quy ghi rõ cần giữ trật tự trên xe nhưng lái, phụ xe nói chuyện oang oang, có khi còn văng tục chửi thề rất khó nghe. Nhiều lúc bật nhạc đinh tai nhức óc.

Không bến nào dừng xe quá được 30 giây. Phổ biến chỉ 5-7 đến 10 giây. Rất nhiều khi bánh xe còn chưa dừng hẳn đã tiếp tục chạy. Tình trạng này khiến người già yếu và trẻ con rất sợ nhỡ nên phải vội vàng, hấp tấp lên xuống, rất nguy hiểm.

tm-img-alt
Văn hóa xe buýt chính là nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai và trẻ em. Không chen lấn xô đẩy khi lên xe và thực hiện đúng nội quy quy định đối với hành khách khi đi xe buýt. Xây dựng văn hóa xe buýt chính là cách để chúng ta có được sự thoải mái và tiện lợi hơn cho chính mình và cho người khác khi chọn xe buýt là phương tiện giao thông chính.

Không hiểu có quy định cho lái xe phải dừng tối thiểu là bao lâu không mà họ luôn vội vàng, hối thúc khách lên xuống, bất kể người già hay trẻ em…Đó là những điều luôn diễn ra ở nhiều chuyến xe, thể hiện rõ nhà xe rất coi thường khách, bất chấp sự khổ cực, mệt mỏi, có khi nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Ngoài ra còn những điều vô lý dành dành không thể chấp nhận. Khoảng cách giữa hai điểm dừng khá tùy tiện. Nhiều chỗ chỉ cách nhau vài chục mét. Nhưng nhiều chỗ khác lại cách nhau đến gần một cây số, nhất là ở ngoại thành.

Hỏi lái xe vì sao có tình trạng như vậy thì được trả lời : Không ít điểm dừng ngành giao thông định cắm nhưng bị dân phản đối do ảnh hưởng đến kinh doanh hoặc bất tiện cho họ nên phải chịu, đành rời sang chỗ khác.

Một chút đất tít tận lề đường, còn cách xa cửa nhà họ mà đất đai là của Nhà nước quản lý, dân chỉ có quyền sử dụng. Không lẽ công việc hữu ích phục vụ cộng đồng như vậy mà phải bó tay? Liệu có gì khuất tất ở đây?

Tất nhiên, để có được VHXB, phải cần ý thức từ hai phía – người phục vụ trên xe và hành khách. Vừa rồi là chỉ nói phía lái, phụ xe. Còn dân đi xe cũng có nhiều hành vi phản văn hóa.

Tình trạng ăn mặc nhố nhăng, quần đùi, áo lót trên xe không được nghiêm cấm. Nói chuyện ồn ào bằng đủ mọi ngôn từ khó nghe không được nhắc nhở. Nhiều bạn trẻ không có ý thức nhường chỗ ngồi cho người già, tàn tật, mang thai, trẻ em như quy định. Vẫn còn nhiều lái, phụ xe nói năng cộc lốc hoặc chỉ gật, lắc đầu với khách cao tuổi…

Tóm lại, nhìn trên xe buýt người ta chưa thấy nét văn hóa được nổi rõ mà thay vì là ít nhiều sự nhếch nhác, cẩu thả, tuỳ tiện từ phong cách, cử chỉ hành vi đến lời ăn, tiếng nói của cả hai phía lái, phụ xe và khách đi xe.

Xin chớ đổ taị hoàn cảnh khách quan là nước mình còn nghèo, mọi thứ còn khó khăn nên không thể lịch sự như ý được. Đó chỉ là ngụy biện. Ông cha ta từng day : ”Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Giàu không phải lúc nào cũng đi liền với sang và nghèo không phải không thể sang. Giàu và sang là hai khái niệm không đồng nhất. Giàu nói ở đây chỉ thuần túy về tiền bạc, vật chất.

Còn sang thì hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, tinh thần, tri thức, trí tuệ. Những đòi hỏi từ phía người dân đi xe buýt là hoàn toàn khả thi, không có gì là khó thực hiện.

Những rèm cửa che nắng cho khách không lẽ khó thực hiện? Làm nhà chờ có mái, có ghế ngồi cho khách chắc chắn không phải là khoản tiền gì quá lớn để không thể làm. Bố chí lại các điểm dừng xe cho hợp lý hơn không thể là bất khả thi.

Văn hóa không có nghĩa là cái gì đó xa xỉ, phù phiếm mà là những điều thiết thực liên quan đến cuộc sống tối thiểu nhất của con người. Chỉ khi thực sự biết tôn trọng con người, coi khách hàng là “thượng đế” đúng như câu nói quen miệng của nhiều người từ khi xã hội ta chuyển sang nền kinh tế thị trường mới mong có được văn hóa. Và văn hóa xe buýt cũng chỉ có được khi khách đi xe thấy rõ mình được coi trọng, được phục vụ chứ không phải là người đi nhờ, cầu cạnh nhà xe.

Trong quá khứ, xe buýt đã nhiều lần tăng giá vé. Lý do được đưa ra là để có điều kiện đầu tư, đặng phục vụ khách tốt hơn. Một lý do rất văn hóa. Ai cũng dễ chấp nhận.

Nhưng tăng rồi mà “văn hóa” chưa thấy rõ thì đó rõ ràng là sự kém văn hóa – văn hóa của người biết tôn trọng lời hứa. Thế mới biết văn hóa xe buýt cũng có nhiều điều cần bàn lắm thay./.

Bạn đang đọc bài viết Văn hóa xe buýt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.
Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.