Thứ sáu, 29/03/2024 14:53 (GMT+7)

Vật liệu xây dựng từ rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ sáu, 28/08/2020 11:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhựa có đặc tính chắc, bền, chống nước, nhẹ, dễ đúc khuôn, và tái chế được - nói dễ hiểu, nó có mọi đặc tính quan trọng của các vật liệu xây dựng.

Rác thải nhựa hiện đang là vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Nhựa rất khó phân huỷ, ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật… Hàng triệu tấn chất thải nhựa sẽ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ dưới đại dương, gây tổn thương hệ san hô, làm biến đổi môi trường sống và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.

Hiện nay, những “đại dương ngập rác” đã giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm và loài người vẫn chưa có giải pháp nào xử lý được. Chúng cũng làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, gây độc hại cho môi trường. Khi bị đốt, chúng tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan - những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống. Với vô số hiểm họa tiềm tàng cũng như hiện hữu, nhưng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa vẫn tồn tại và tích tụ trên hành tinh, đã và đang dẫn loài người tới thảm họa “ô nhiễm trắng”, từng bước hủy diệt sự sống.

Con người đang cố gắng hạn chế rác thải nhựa bằng việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Nhưng chúng ta cũng có thể xem xét để đưa nhựa vào một vòng đời khác. Đó là tái chế nhựa.

Hiện nay, tỉ lệ nhựa được tái chế chỉ dừng ở mức tối thiểu. Ví dụ, Anh sử dụng 5 triệu tấn nhựa mỗi năm, và chỉ có 370.000 tấn được tái chế mỗi năm, tức chỉ 7%. Nguyên nhân bởi thực tế việc tái chế nhựa không hề đơn giản, chỉ có một số ít loại nhựa có thể tái chế dễ dàng. Việc tái chế nhựa cũng không mang lại lợi nhuận cao. 

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi loại polymer đều có thể tái chế được 100%. Một vài trong số chúng có thể được sử dụng lại nhiều lần để sản xuất ra cùng một loại hàng hoá. Một số loại nhựa có thể được tái sử dụng mà chỉ cần trải qua một quy trình đơn giản: nghiền nát một vật thành từng mẩu vụn, nung chảy nó, và tái sử dụng.

Những loại nhựa đã tái chế như vậy có đặc tính cơ học thấp hơn so với nhựa khiết, bởi mỗi lần nung chảy và xử lý nhựa, các chuỗi polymeric sẽ bị xuống cấp. Nhưng những đặc tính này có thể được khôi phục bằng cách trộn lẫn nó với chất phụ gia hoặc nhựa khiết. Một số loại nhựa công nghiệp có thể tái chế tốt bao gồm PET, hay polyethylene therephtalate, vốn được dùng để sản xuất chai nước ngọt, và polystyrene.

Nhiều nhà nghiên cứu đang tìm cách tái chế rác thải nhựa theo hướng biến chúng thành vật liệu xây dựng bền vững. Nhựa có đặc tính chắc, bền, chống nước, nhẹ, dễ đúc khuôn, và tái chế được - nói dễ hiểu, nó có mọi đặc tính quan trọng của các vật liệu xây dựng. Nếu rác thải nhựa được sử dụng thành vật liệu xây dựng thì thật tốt. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm cách thực hiện điều đó.

Nhiều công ty đã phát triển được các loại vật liệu xây dựng tạo thành từ rác thải nhựa.

Theo các nghiên cứu về rác thải nhựa, có khá nhiều vật liệu xây dựng có thể được tạo ra từ nhựa tiêu dùng trộn lẫn với nhiều loại vật liệu rắn mà chúng ta thải ra trong quá trình sinh sống. Từ các chất thải nông nghiệp như bã mía - một phụ phẩm của ngành công nghiệp đường ở Brazil - và bã cafe, đến chất thải rắn và rác xây dựng, kết hợp với nhựa đã tái chế, có rất nhiều cách để thu được những vật liệu nhằm tạo ra gạch, mái ngói, ống nước nhựa, và các sản phẩm hữu dụng khác trong ngành xây dựng.

Một số phương pháp có tính khả thi cao đã được nêu ra. Ví dụ như sử dụng nhựa để xây dựng những con đường. Đối với những con đường được trải nhựa trong tương lai có thể sử dụng nhựa đã qua sử dụng để trải. Phương pháp này vừa giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường vừa giúp giảm kinh phí xây dựng bởi nhựa đường tái chế ít tốn kém hơn nhựa đường truyền thống.

Hay như lấy nhựa để thay thế một số khối lượng cát trong bê tông. Cụ thể, để tạo ra bê tông trong xây dựng cần một lượng lớn cát, sỏi… Việc khai thác cát trái phép đã trở thành một vấn đề báo động ở nước ta. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, 10% khối lượng cát trong bê tông có thể được thay thế bằng chất thải nhựa. Bê tông sử dụng 30% cát lấy từ các bãi biển, lòng sông, chỉ cần thay thế 10% trong số đó có thể giúp tiết kiệm hơn 800 triệu tấn cát.

Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách phát triển gạch làm từ nhựa tái chế. Dự án biến rác thải nhựa thành những viên gạch có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm với nhiều tính năng ưu việt đã được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) với quốc gia Tây Phi Bờ Biển Ngà. Cụ thể, UNICEF đã hợp tác với Công ty Tái chế chất thải nhựa và cao su Conceptos Plasticos của Bờ Biển Ngà, nhằm sử dụng triệt để lượng rác thải nhựa được thu gom về từ các khu vực bị ô nhiễm nặng nề và xung quanh các khu vực “ổ chuột” dành cho người thu nhập thấp và lao động nghèo ở thành phố Adidjan của nước này, để sản xuất gạch phục vụ kế hoạch xây dựng 500 phòng học cho hơn 25.000 trẻ em của Bờ Biển Ngà trong vòng 2 năm tới.

Theo UNICEF, những viên gạch được sản xuất từ nhựa tái chế có khả năng chống cháy, giá thành rẻ hơn 40%, nhẹ hơn 20% và có tuổi thọ dài hơn hàng trăm năm so với các loại vật liệu xây dựng thông thường hiện nay. Bên cạnh đó, gạch từ nhựa tái chế này lại không thấm nước, cách nhiệt tốt và được thiết kế để chống lại những cơn gió to.

Những nỗ lực của UNICEF và Công ty Conceptos Plasticos đã cho kết quả bước đầu rất hiệu quả bằng việc chính quyền Bờ Biển Ngà đã cho đưa vào sử dụng rất nhiều phòng học ở các địa phương trên khắp cả nước. Bình quân, mỗi phòng học khoảng gần 100 học sinh và “giờ đây, chúng có thể lĩnh hội kiến thức và phát triển kỹ năng sống trong các phòng học khang trang sạch sẽ như thế này”, Tiến sĩ Aboubacar Kampo, đại diện của UNICEF cho biết.

Theo Global Footprint Network, trước đại dịch, chúng ta cần đến 1,75 lần lượng tài nguyên hiện có trên hành tinh. Tìm cách xử lý rác thải "không tái chế được" và phát triển các loại nhựa thay thế cho vật liệu tự nhiên có thể sẽ giúp giảm đi nhu cầu này, góp phần để lại cho những thế hệ tiếp theo một hành tinh sạch sẽ hơn, bền vững hơn./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vật liệu xây dựng từ rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần Giờ phấn đấu đạt Net zero vào năm 2035
Huyện Cần Giờ, TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phối hợp xây dựng Chương trình hành động Vì một Cần Giờ Xanh, đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon, nhằm đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam.
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Thú quý trở về và thông điệp xanh
Thời gian gần đây, ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.