Thứ sáu, 19/04/2024 01:55 (GMT+7)

VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

MTĐT -  Thứ sáu, 17/03/2023 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

VCCI vừa trả lời công văn của Bộ Công Thương về đề nghị góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư có thể gây vướng trong quá trình triển khai

Liên quan đến quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong cụm công nghiệp, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo đang quy định về quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong cụm công nghiệp theo hướng: Lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được xem xét trong thủ tục thành lập cụm công nghiệp. Doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tới UBND cấp huyện. Doanh nghiệp sẽ cùng UBND cấp huyện lập hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp gửi Sở Công Thương thẩm định.

cụm công nghiệp
VCCI trả lời công văn của Bộ Công Thương về đề nghị góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Chủ đầu tư sẽ được lựa chọn thông qua Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư do UBND cấp tỉnh thành lập. Hội đồng sẽ đánh giá theo phương pháp chấm điểm với thang điểm 100. Doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm từ 50 trở lên sẽ được đề xuất lựa chọn làm chủ đầu tư. Nếu có từ hai doanh nghiệp trở lên có cùng số điểm bằng nhau thì Hội đồng sẽ thống nhất đề xuất lựa chọn một doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Theo VCCI, quy định trên chưa phù hợp với quy định tại pháp luật về đầu tư lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể: Theo quy định của pháp luật về đầu tư, có ba phương thức lựa chọn nhà đầu tư, đó là: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư. Pháp luật về đấu giá, đấu thầu, đầu tư sẽ quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tương ứng theo từng phương thức.

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đang được thiết kế riêng, không theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư nào theo quy định của pháp luật về đầu tư. Điều này là chưa phù hợp và sẽ gây vướng trong quá trình triển khai.

Cũng theo VCCI, Dự thảo cũng xác định, quy trình này chưa thống nhất với Luật Đầu tư, vì vậy quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung pháp luật về đầu tư nội dung “thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp”.

Tuy nhiên, đây là văn bản cấp nghị định, vì vậy cần phải thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư. Khi Luật Đầu tư chưa sửa theo đề xuất tại Điều 35 Dự thảo thì quy trình lựa chọn chủ đầu tư thiết kế theo Dự thảo là chưa phù hợp. Mặt khác, hiện nay Dự thảo Luật Đấu thầu, Dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi, trong đó có quy định về quy trình lựa chọn chủ đầu tư theo phương thức đấu giá, đấu thầu đối với các dự án đầu tư sử dụng đất. Quy định tại Dự thảo cũng cần hướng đến đảm bảo sự thống nhất của các văn bản pháp luật này.

Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại Dự thảo, điều chỉnh lại quy trình lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp phù hợp với pháp luật về đầu tư.

Ngày 28/12/2009, Bộ Công Thương ra Thông tư 39/2009/TT-BCT quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp
Quy định tại dự thảo cần đảm bảo tính thống nhất

Quy định tại dự thảo cần đảm bảo tính thống nhất

Liên quan đến một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan, VCCI cho rằng, Dự thảo về các trường hợp điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, trong đó có: Điều chỉnh chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác quản lý; Bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp do cụm công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch tỉnh.

Quy định trên cần được xem xét ở trường hợp có tính chất là chuyển nhượng dự án đầu tư. Bởi pháp luật về đầu tư quy định về các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng dự án đầu tư. Dự thảo quy định về thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư.

Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định về việc chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác quản lý thống nhất với pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, theo quy định tại Dự thảo, điều kiện để thành lập cụm công nghiệp là phải có “doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật”. Nhà đầu tư sẽ được lựa chọn trong quy trình thành lập cụm công nghiệp. Như vậy, khi cụm công nghiệp được thành lập là đã xác định được chủ đầu tư của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp.

Trường hợp bãi bỏ quyết định thành lập cụm công nghiệp sẽ có tính chất như nhà nước chấm dứt hoạt động đầu tư của chủ đầu tư. Điều này sẽ tác động rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng căn cứ để bãi bỏ quyết định thành lập cụm công nghiệp tại Dự thảo vừa chưa phù hợp với căn cứ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư tại Luật Đầu tư vừa chưa hợp lý, chưa bảo đảm quyền lợi cho chủ đầu tư. Một trong các điều kiện thành lập cụm công nghiệp là “có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện”.

Như vậy, yếu tố quy hoạch đã được xem xét khi thành lập cụm công nghiệp. Việc sau này, điều chỉnh quy hoạch khiến cho cụm công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch nữa và đây là căn cứ để bãi bỏ quyết định thành lập sẽ khiến chủ đầu tư thiệt hại lớn.

Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị, Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này để gắn với các trường hợp chấm dứt hoạt động đầu tư quy định tại pháp luật về đầu tư. Bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cần gắn với các thủ tục liên quan đến chấm dứt hoạt động đầu tư.

Bạn đang đọc bài viết VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo congthuong.vn

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.